Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không có chuyện cổ tích dành cho công chúa Nhật Bản

Chuyện tình giữa Công chúa Mako và bạn trai thường dân bị truyền thông Nhật Bản can thiệp, bới móc quá sâu, khiến cả hai nhân vật chính đều chịu nhiều mệt mỏi.

Ngày 26/10, Công chúa Mako sẽ kết hôn với bạn trai lâu năm và rời khỏi Hoàng gia Nhật Bản.

Cuộc hôn nhân giữa một thành viên hoàng tộc và một thường dân ở xứ hoa anh đào không hề phủ màu hồng như trong các câu chuyện cổ tích, theo New York Times.

Ngược lại, hôn phối này chịu nhiều điều tiếng, phải hoãn gần 4 năm và khiến người trong cuộc chịu đựng không ít.

Dam cuoi khong nhu co tich cua Cong chua Mako anh 1

Công chúa Mako và bạn trai Kei Komuro đính hôn từ năm 2017 nhưng cuối tháng 10 tới mới làm lễ cưới. Ảnh: Japan Times.

4 năm sóng gió

Công chúa Mako gặp gỡ bạn trai Kei Komuro lần đầu vào năm 2012, khi cả hai là sinh viên theo học tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Tokyo. Đến năm 2017, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản thông báo cả hai đính hôn.

Kể từ đó, sự giám sát và cả soi mói của truyền thông, công chúng đối với Komuro bắt đầu dồn dập.

Không xuất thân giàu có, Kei Komuro - vị hôn phu của Mako - mồ côi cha từ nhỏ, sống cùng mẹ và ông nội. Trong khoảng thời gian học đại học, Kei Komuro kiếm thêm thu nhập bằng cách dạy tiếng Anh và làm việc bán thời gian tại một nhà hàng của Pháp.

Không lâu sau đó, truyền thông đưa tin mẹ của Komuro còn nợ hôn phu cũ 4 triệu yen để trang trải tiền học phí đại học cho con trai, dẫn tới hai bên xảy ra tranh chấp.

Tin tức dẫn đến những lời đồn thổi rằng Komuro thực chất là kẻ đào mỏ, lợi dụng khoản tiền hồi môn của Công chúa Mako để tư lợi cho bản thân. Công chúng xứ mặt trời mọc dần có cái nhìn kém thiện cảm về chàng rể tương lai của hoàng gia.

Dam cuoi khong nhu co tich cua Cong chua Mako anh 2

Công chúa Mako phải đi điều trị tâm lý sau khi bị truyền thông can thiệp quá nhiều vào đời tư. Ảnh: Japan Times.

Hậu quả, đám cưới dự kiến tổ chức vào năm 2018 bị hoãn lại. Đến tháng 8 cùng năm, Komuro sang Mỹ du học ngành Luật tại Đại học Fordham.

Vào tháng 4, dưới sự thúc giục của Thái tử Akishino, Komuro công bố một tài liệu dài 28 trang giải thích các khoản vay và cam kết sẽ trả hết nợ. Nhưng hành động này cũng không vớt vát nhiều cho hình ảnh của anh trong mắt dư luận Nhật.

Nếu công chúng mong đợi một đám cưới hoàng gia hoành tráng với những hình ảnh đậm màu "cổ tích", sự thật có thể khiến họ thất vọng.

Công chúa và chồng sắp cưới sẽ từ bỏ các nghi lễ truyền thống của đám cưới hoàng gia. Bên cạnh đó, Mako cũng từ chối khoản trợ cấp trị giá 1,4 triệu USD cho các thành viên rời khỏi hoàng thất sau rắc rối tài chính liên quan đến mẹ của chồng sắp cưới.

Thay vào đó, cả hai sẽ đăng ký kết hôn ở Tokyo và sớm chuyển đến New York, nơi Komuro đang làm việc trong một văn phòng luật.

Không có đám cưới hoàng gia

Công chúa Mako là người phụ nữ thứ 9 trong hoàng gia Nhật Bản kết hôn với một thường dân và là người đầu tiên từ bỏ cả nghi lễ lẫn tiền hồi môn kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Theo Luật Hoàng gia năm 1947, quyền thừa kế ngôi vị chỉ dành cho nam giới, theo họ cha và những người phụ nữ hoàng tộc buộc phải từ bỏ tước vị khi kết hôn với thường dân.

Dam cuoi khong nhu co tich cua Cong chua Mako anh 3

Mako sẽ không còn là công chúa sau khi kết hôn với người ngoài hoàng tộc. Ảnh: Japan Today.

Công chúa Mako không công bố về kế hoạch tương lai của cá nhân, song nhiều suy đoán cho rằng cô sẽ tìm việc làm trong giới nghệ thuật ở New York. Cô có bằng thạc sĩ về ngành bảo tàng và nghiên cứu nghệ thuật từ Đại học Leiceister (Anh) và đang học lên tiến sĩ ở Đại học Cơ đốc giáo quốc tế ở Tokyo.

Cô cũng đã dành 5 năm rưỡi để làm việc tại một viện bảo tàng thuộc Đại học Tokyo.

Với các tờ báo lá cải ở Nhật Bản, mọi chi tiết dù là nhỏ nhất xoay quanh chuyện kết hôn của Công chúa Mako cũng có thể đem ra làm chủ đề bàn tán.

Gần nhất, mái tóc cột đuôi ngựa của Komuro bị đem ra mổ xẻ.

Sau khi Komuro, người lần cuối được nhìn thấy với kiểu tóc ngắn ngang vai nam tính, được bắt gặp ở sân bay New York với mái tóc dài buộc về phía sau, diện mạo mới này lập tức trở thành tin tức trên trang nhất.

Dam cuoi khong nhu co tich cua Cong chua Mako anh 4

Hình ảnh mái tóc đuôi ngựa của Komuro trở thành chủ đề chĩa mũi dùi của báo lá cải Nhật Bản. Ảnh: Japan Times.

Các tờ báo lá cải đăng tải những bức ảnh chụp mái tóc của Komuro từ mọi góc độ. Rất nhiều phóng viên, máy quay đuổi theo chiếc xe của Komuro từ sân bay ra đến đường phố Tokyo.

Cảnh tượng đó một lần nữa chứng minh Komuro đã đúng khi quyết định trở lại Mỹ ngay sau đám cưới với Công chúa Mako.

Bởi vì nếu anh còn ở lại Tokyo, gia đình anh, Công chúa Mako, Hoàng gia Nhật Bản sẽ tiếp tục là mục tiêu khai thác tin tức của các phương tiện truyền thông.

Nikkan Sports đưa tin "Kei Komuro trở lại với kiểu tóc buộc đuôi ngựa" cùng 3 tấm hình chụp mái tóc gây chú ý. Twitter của Nhật Bản bùng nổ với những bình luận gay gắt, cho rằng kiểu tóc này không phù hợp với một chàng rể hoàng gia.

Những trang khác vin vào dịp này để tiếp tục chỉ trích đám cưới. Bungei Shunju tuyên bố đám cưới là "cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với Hoàng gia Nhật Bản trong 100 năm qua". JB Press suy đoán rằng hôn lễ có thể là trái với hiến pháp.

Còn Sports Web bàn đến trường hợp ly hôn và nói rằng không có quy định nào cho phép công chúa trở lại hoàng gia, được nhận hỗ trợ tài chính hậu chia tay. Trang này thậm chí nhấn mạnh cuộc hôn nhân tan vỡ sẽ là nỗi hổ thẹn của hoàng gia và đất nước.

Hiện tại, Mako đang phải điều trị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), theo thông báo của Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản trong cuộc họp báo vào ngày 1/10.

Nguyên nhân xuất phát từ chuyện các phương tiện truyền thông của Nhật Bản đã đưa tin "điên cuồng" về mối quan hệ tình cảm của công chúa suốt 4 năm qua, cộng với hàng loạt những bình luận ác ý, chỉ trích nhắm vào cả hai.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1965 với The Asahi Shimbun, Takako Shimazu, con gái út của cố Nhật hoàng Hirohito, nói rằng bản thân đã tìm thấy sự bình yên sau khi rời khỏi hoàng gia.

“Tôi hạnh phúc hơn so với khi tôi sống ở Nhật Bản. Trở thành một công dân bình thường, tôi không có áp lực về tinh thần. Điều quan trọng nhất trong sự thay đổi là tôi đã có thể sống lặng lẽ mà không thu hút sự chú ý của đám đông", bà nói tại thời điểm sau hai năm sống ở Washington D.C, nơi chồng bà làm chủ một ngân hàng.

Shop thời trang, mỹ phẩm rục rịch đón khách

Trong ngày đầu hoạt động lại, không khí mua sắm ở một số tuyến phố thời trang của thủ đô còn vắng vẻ, thưa thớt. Các chủ shop dành phần lớn thời gian dọn dẹp, là lượt lại quần áo.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm