Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Nội vụ xây dựng quy chế bổ nhiệm chức danh hàm trước thực tế có hàng trăm cán bộ cấp trung ương giữ "hàm vụ trưởng, vụ phó" trong khi không có văn bản pháp luật nào quy định. Chậm nhất là đầu năm 2016, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ.
- Cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật quy định. Việc bổ nhiệm chức danh hàm không theo quy định được nhìn nhận thế nào?
- Chính vì thế mà Thủ tướng mới giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng quy chế. Trong đó có quy định đối tượng, phạm vi, tiêu chuẩn, điều kiện...
Bộ Nội vụ nhìn nhận việc này là rất cần thiết, cần có văn bản quy phạm pháp luật vì hiện chưa có, trừ pháp lệnh hàm cấp ngoại giao.
- Có ý kiến cho rằng việc phong hàm là một cách lách luật để tăng thêm vị trí lãnh đạo ở các cơ quan Nhà nước vốn bị khống chế số lượng?
- Việc phong hàm không phải lách luật để tăng lãnh đạo. Trong chế độ làm việc công vụ của Việt Nam có chế độ thủ trưởng và chế độ chuyên viên. Chế độ thủ trưởng là người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động của cơ quan, tổ chức đó. Còn chế độ chuyên viên thì hoạt động của chuyên việc chịu sự điều hành của cấp cao hơn.
Ví dụ, chuyên viên thuộc vụ nhưng chịu sự điều hành trực tiếp của thứ trưởng, bộ trưởng (thay vì vụ trưởng). Họ là những người có chuyên môn sâu và có vai trò quan trọng trong tham mưu, hoạch định chính sách và làm việc trực tiếp với lãnh đạo.
Khi lãnh đạo làm việc trực tiếp, nếu gọi chuyên viên lên thì rất buồn cười. Vì vậy cần phải phong hàm để họ có vị thế.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. |
Bên cạnh đó, trong khi chúng ta đang quản lý chặt chẽ số lượng lãnh đạo cấp trưởng, phó thì việc phong hàm là hình thực để tôn vinh những người giỏi. Những người quá tuổi không bổ nhiệm được thì Nhà nước phải có sự quan tâm, ghi nhận quá trình cống hiến để giữ chân họ. Đó là những người có năng lực, chuyên môn cao, rất cần cho các cơ quan làm công tác hoạch định chính sách vĩ mô, đảm bảo chính sách ban hành đi vào thực tiễn có hiệu quả.
- Trung ương đã có hàng trăm cán bộ mang hàm vụ trưởng, vụ phó… Địa phương cũng muốn bổ nhiệm cấp hàm trưởng, phó phòng thì sao?
- Như tôi đã nói, ở nơi nào làm việc theo chế độ chuyên viên thì theo tôi nên có chức danh hàm. Còn nếu làm việc đơn thuần theo chế độ thủ trưởng thì không. Vì vậy, cấp sở, UBND cấp tỉnh hay trung ương, ở đâu làm việc theo chế độ chuyên viên thì nơi đó nên nghiên cứu việc bổ nhiệm.
- Có dư luận cho rằng, nhiều cán bộ đến cuối nhiệm kỳ, gần hết tuổi thì kiếm một “suất”chức danh hàm để về hưu cho oai... Thực tế thế nào?
- Không loại trừ những suy nghĩ như vậy. Vì thế, trong quy định sắp tới, Bộ Nội vụ không những đưa ra quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để phong hàm còn quy định các chế tài, chế định. Ai làm sai phải bị xử lý kỷ luật.
Nhưng mặt khác cũng có quy định rõ chính sách đãi ngộ đối với người được phong hàm. Vì đấy là những người giỏi, có trình độ năng, lực.
Bộ Nội vụ đang nghiên cứu quy chế phong hàm để làm cái gì cũng phải dựa vào cơ sở pháp luật. Chậm nhất là đầu năm 2016 chúng tôi sẽ trình Chính phủ.
- Làm thế nào ngăn việc lạm dụng quy định này?
- Quy chế của Bộ đang xây dựng sẽ quy định rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm quyền và trách nhiệm của những cơ quan được phong hay bổ nhiệm hàm.
Với những người đã được bổ nhiệm, quy chế của Bộ cũng sẽ tính đến. Đây không phải lỗi của họ mà là do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Chức danh hàm "có tính lịch sử"
Trao đổi với Zing.vn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập tới việc nghiên cứu, đưa ra quy định về bổ nhiệm, phong cấp hàm.
Theo Thủ tướng, chức danh hàm có tính lịch sử. Năm 1996, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn làm việc ở Ban Kinh tế trung ương thì trong Ban này, nhiều người đã "có hàm".
"Do việc sáp nhập các đơn vị lại nên không thể cùng lúc có nhiều đồng chí vụ trưởng nên buộc lòng phải giữ hàm. Một số phân ban làm công tác đối ngoại cũng cần thiết có chức danh để đối ngoại", ông Nên cho hay.
Tuy nhiên, sau gần 20 năm, trước thực tế có hàng trăm cán bộ được bổ nhiệm chức danh hàm trong khi không có văn bản nào quy định, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ rà soát để báo cáo cấp có thẩm quyền cho rõ.
"Việc này không phức tạp. Nếu thấy phù hợp thì cho tồn tại, không thì thôi", ông Nên nói.