Dưới xu thế toàn cầu hóa bóng đá, xuất khẩu cầu thủ trở thành tiêu chí hàng đầu để đánh giá sức mạnh một nền bóng đá. Nền bóng đá có mạnh mới đủ khả năng đưa cầu thủ ra nước ngoài, cầu thủ giỏi mới đủ năng lực chơi bóng ở môi trường phát triển cao hơn.
Đội tuyển tới từ nền bóng đá ấy, sở hữu những cầu thủ xuất sắc mới có thể làm nên chuyện tại các sân chơi đỉnh cao. Điều đó đang được phản ánh rõ ràng qua bức tranh Asian Cup 2023.
Trong 24 cái tên dự giải, chỉ 5 đội gồm Ấn Độ, Việt Nam, Qatar, UAE và Saudi Arabia không có cầu thủ nào chơi bóng ngoài biên giới. Hai đội đầu tiên dừng bước ngay vòng bảng.
Với 10 trên 26 cái tên chơi bóng ở nước ngoài, Indonesia là đội tuyển xuất ngoại tốt bậc nhất Asian Cup. Ảnh: AFC. |
Trung Quốc chỉ có một cầu thủ xuất ngoại cũng chia tay giải dù họ vốn thuộc nhóm đại gia của châu lục. Ba đội tuyển còn lại đều tới từ Tây Á và sở hữu các giải vô địch quốc gia đặc biệt, do đó nằm ngoài quy luật này.
Có thể tìm thấy vô số ví dụ tương tự ở Asian Cup cho thấy sự thắng thế của các nền bóng đá mạnh về xuất khẩu cầu thủ. 5 trong 6 chức vô địch châu Á gần nhất đều tới từ các đội tuyển kiểu vậy, trong đó có 3 danh hiệu cho Nhật Bản, cường quốc xuất khẩu cầu thủ lớn nhất châu lục.
Nói thế để thấy khi Việt Nam gặp Indonesia ở bảng D Asian Cup 2023 ít ngày trước, dấu hiệu thất bại đã xuất hiện rất sớm. Ngược lại với Việt Nam có 100% quân số V.League, Indonesia có tới 10 trên 26 cái tên đang chơi bóng ở nước ngoài.
Điểm đến của các cầu thủ Indonesia rất đa dạng, bắt đầu từ Đông Nam Á với Malaysia, Thái Lan, vươn tới Nhật Bản, Hàn Quốc rồi trải dài sang Bỉ, Anh, cả Bắc lẫn Nam Âu.
Hai đội tuyển không có cầu thủ xuất ngoại là Ấn Độ và Việt Nam đều trải qua 3 trận toàn thua ở Asian Cup 2023. Ảnh: AFC. |
Lực lượng xuất ngoại của Indonesia có thể chia làm hai nhóm chính. Nhóm một là những cầu thủ có gốc Indonesia, trưởng thành trong môi trường bóng đá Tây Á, chơi cho các CLB hoặc tuyển trẻ nước ngoài trước khi về nước theo tiếng gọi của người Indonesia. Vài tên tuổi tiêu biểu của nhóm này là Ivar Jenner (U15 Hà Lan), Justin Hubner (U20 Hà Lan) hay Elkan Baggott (hạng thấp Anh).
Nhóm hai là những cầu thủ Indonesia chính gốc, trưởng thành trong nước và xuất ngoại khi còn rất trẻ như Marselino Ferdinanb (Bỉ), Pratama Arhan (Hàn Quốc)... Đây chủ yếu là lứa trẻ được chính tay Shin Tae-yong đào tạo nhằm chuẩn bị cho U20 World Cup 2021 (giải này sau đấy bị hủy).
Phải đề cao vai trò của ông Shin với nhóm cầu thủ này bởi ông trực tiếp giới thiệu và làm người bảo trợ cho họ trong nhiều chuyến xuất ngoại tới Hàn Quốc, cụ thể là trường hợp của Asnawi Mangkualam (sang K League 2).
Không chỉ số lượng, chất lượng cầu thủ Indonesia ở nước ngoài cũng là khác biệt. Tiền vệ Sandy Walsh có hơn 200 trận tại giải vô địch quốc gia Bỉ, Asnawi Mangkualam trải qua 3 mùa đá chính ở K.League 2 trong khi Egy Maulana Vikri liên tục được ra sân ở giải Slovakia từ tuổi đôi mươi.
Tuyển Việt Nam với 100% nhân sự đang chơi ở V.League. Ảnh: VFF. |
Thành tựu của họ là điều bóng đá Việt Nam vẫn đang theo đuổi khi hiếm có cầu thủ Việt được thi đấu ngoài biên giới.
Làn sóng xuất ngoại ấy đã làm thay đổi đáng kể hình ảnh tuyển Indonesia vài năm qua. Từ chỗ chỉ có 2 cái tên chơi bóng ở nước ngoài tại AFF Cup 2018, Indonesia đã nâng dần số lượng “ngoại binh”. Thành tích của U23 cùng tuyển quốc gia Indonesia cải thiện rõ rệt sau những thay đổi.
U22 Indonesia vô địch SEA Games gần nhất khi thắng tâm phục khẩu phục Việt Nam cùng Thái Lan. Tuyển quốc gia Indonesia vào bán kết AFF Cup hai kỳ liên tiếp trước khi vừa thắng chính Việt Nam để giành vé tới vòng 16 đội Asian Cup đầu tiên trong lịch sử.
Thất bại vừa qua trước Australia đã khép lại hành trình lịch sử của bóng đá Indonesia ở giải châu Á. Nhưng nó cũng là dấu hiệu cho sự ra đời của một thế lực có thể vươn lên dẫn đầu Đông Nam Á trong tương lai gần.
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.