Trung tuần tháng 3/2016, tỉnh Đăk Lăk đã ra tối hậu thư cho Tập đoàn Trung Nguyên về thu hồi các dự án đã cấp phép trên địa bàn tỉnh, vì doanh nghiệp này “thủng thẳng” chưa chịu triển khai.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, Tập đoàn Trung Nguyên (gồm 3 công ty con là Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên và Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê) hiện là chủ đầu tư của 6 dự án đắc địa trên địa bàn tỉnh.
Dự án được phê duyệt mới nhất vào năm 2014, sớm nhất là từ 2004. Với diện tích quy hoạch từ 5 ha đến gần 600 ha, các dự án có mức vốn đăng ký đầu tư từ 50 tỷ đồng lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.
Theo quy định, mỗi dự án chủ đầu tư phải ký quỹ đảm bảo thực hiện 1% trên tổng số vốn đầu tư. Tuy nhiên, kết quả rà soát đến tháng 8/2015, tất cả các dự án của Trung Nguyên đều chậm tiến độ và chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý.
Mới đây, những hình ảnh về khu du lịch sinh thái tại huyện M’Đrăk xuất hiện trên một số kênh truyền thông với biệt danh “Dubai ở Tây Nguyên”. Chưa rõ dự án này đã đưa vào khai thác hay chưa, nhưng đây là dự án mà tỉnh Đắk Lắk đã cấp phép cho Trung Nguyên cách đây 12 năm.
Cụ thể, dự án này được cấp phép theo hình thức đầu tư trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc, kết hợp du lịch sinh thái tại huyện M’Đrắk được tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương vào năm 2004. Quy mô 595 ha, vốn đầu tư đăng ký khoảng 68 tỷ đồng. Năm 2010, UBND tỉnh đã đồng ý cho chủ đầu tư thuê gần 400ha đất tại xã Krông Á (M’Đrắk).
Dự án ở M’Đrắk nhanh chóng hình thành sau tối hậu thư của tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: VNN |
Tuy nhiên, kết quả thanh tra đến cuối năm 2015, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai xong các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Suốt 11 năm chỉ tu bổ một số đường đất nội bộ, xây dựng một số nhà sàn và nhà chăn thả vật nuôi.
Trước thực tế này, tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản hối thúc đẩy nhanh tiến độ, nếu không sẽ thu hồi các dự án. Tập đoàn Trung Nguyên phải ngồi vào bàn thương lượng, xin gia hạn thời gian thực hiện và được tỉnh này đồng ý. Sau đó, một số hình ảnh về khu du lịch được ví như Dubai này đã xuất hiện trên truyền thông.
Không chỉ dự án du lịch sinh thái được mệnh danh Dubai, mà Trung Nguyên còn có rất nhiều dự án được tỉnh Đắk Lắk đưa vào diện “cảnh báo thu hồi”. Hiện các dự án tỉnh đã gia hạn lần cuối cho Trung Nguyên triển khai, nếu không đúng tiến độ sẽ thu hồi và mất luôn số tiền ký quỹ.
Một trong những dự án được đưa vào “sổ đen” của tỉnh Đắk Lắk nổi bật là dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh (thuộc phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), được giao cho Tập đoàn Trung Nguyên đầu tư xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2009. Quy mô dự án 45,45 ha, tổng mức vốn trên 2.000 tỷ đồng. Đến tháng 3/2011, tập đoàn này hoàn tất thủ tục đền bù và để nguyên từ đó tới nay.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, ngoài dự án Khu Du lịch sinh thái, văn hóa, cà phê Suối Xanh, Trung Nguyên chưa ký quỹ đầu tư còn lại với các dự án khác mà đơn vị này đã ký hợp đồng thực hiện dự án và ký quỹ đầu tư với Sở theo quy định. Chính vì vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có chủ trương cho gia hạn triển khai dự án. Song với lần gia hạn sau cùng này, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng ấn định thời gian thực hiện cụ thể.
Theo đó, dự án Khu Du lịch sinh thái, văn hóa, cà phê Suối Xanh phải hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng trước ngày 19/5/2016; hoàn thành tất cả các hạng mục công trình theo dự án được phê duyệt, đưa vào khai thác, hoạt động trước ngày 19/5/2020.
Đối với các dự án như nhà khách Trung Nguyên (phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột); dự án đầu tư trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp du lịch sinh thái tại huyện M’Đrắk; nhà máy sơ chế cà phê nhân tại Cụm Công nghiệp Tân An, TP Buôn Ma Thuột) phải khởi công trước ngày 30/9/2016; hoàn thành dự án, đưa vào khai thác trước ngày 30/9/2018.
Riêng dự án Khu du lịch Cụm thác Đrây Sáp thượng và thác Đrây Nur (huyện Krông Na) phải hoàn thành đưa vào hoạt động trước ngày 30/9/2017.
Trả lời báo chí gần đây, một lãnh đạo Đăk Lắk nêu quan điểm: “Địa phương luôn hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp có năng lực, có tâm, có tầm đầu tư xây dựng vào địa phương. Nếu năng lực yếu thì nên rút lui để nhường cơ hội cho doanh nghiệp khác, không nên dự án nào cũng 'xía' chân như thế”.