Với diễn biến của dịch Covid-19, nhiều nội dung của kỳ họp Quốc hội sẽ được thay đổi, điều chỉnh ở kỳ họp thứ 9, dự kiến diễn ra vào tháng 5. Nội dung này được thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 24/4.
Bỏ thảo luận tổ
Về nội dung kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 9 sẽ bỏ nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, đồng thời không bố trí thảo luận tại tổ mà chỉ thảo luận theo đoàn tại các địa phương.
Việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, theo ông Phúc, tùy tình hình dịch bệnh, ở mỗi địa phương đề nghị chia theo các nhóm nguy cơ về dịch Covid-19.
Đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 8. Ảnh: Hải Quân. |
Tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ và nguy cơ thấp có thể tổ chức tiếp xúc cử tri như thông lệ nhưng phải bảo đảm yêu cầu của công tác phòng chống dịch, nhất là giảm số lượng người và bảo đảm khoảng cách tiếp xúc.
Tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao, đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo đến cử tri về dự kiến chương trình kỳ họp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, thông báo các kênh thông tin để cử tri phản ảnh ý kiến, kiến nghị.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, không nên tập trung tiếp xúc, các đại biểu và đoàn đại biểu có thể qua các kênh tập hợp ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội.
Với việc trong chương trình kỳ họp không có nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, nhiều ý kiến đồng tình bỏ nội dung này trong bối cảnh các cơ quan Chính phủ đang chống dịch, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
“Đây không phải là kỳ họp để phê phán, trách móc, soi chuyện này chuyện kia chậm, mà là kỳ họp để dâng mưu, hiến kế trước mắt và lâu dài để phục hồi kinh tế xã hội và đời sống nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị cần thông tin cụ thể để đại biểu và các thành viên Chính phủ chất vấn và trả lời bằng văn bản.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm trong bối cảnh dịch bệnh, cần dành nhiều thời gian bàn giải pháp xử lý, đừng để phân tán. “Nên để các thành viên Chính phủ tập trung vào điều hành xử lý, có thể tiến hành chất vấn tại kỳ họp sau”, ông Hiển nói.
Lần đầu Quốc hội họp trực tuyến
Báo cáo một số vấn đề chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đa số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội nhất trí việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt trực tuyến và tập trung.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17,5 ngày. Trong đó, đợt 1 sẽ họp trực tuyến trong 8,5 ngày, bắt đầu ngày 20/5 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc sáng ngày 30/5. Đợt 2 sẽ họp trực tiếp trong 9 ngày, bắt đầu ngày 10/6 và kết thúc ngày 19/6 (bế mạc kỳ họp).
Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ diễn ra theo 2 hình thức trực tuyến và tập trung. Ảnh: Hải Quân. |
Các đại biểu Quốc hội tại 63 điểm cầu đăng ký phát biểu qua đường dây nóng và qua phần mềm trên thiết bị di động. Biểu quyết qua phần mềm, kết quả thể hiện trên màn hình phòng Diên Hồng.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết sẽ hạn chế số lượng người ra vào Nhà Quốc hội. Trung tâm báo chí dự kiến bố trí tại trụ sở 22 Hùng Vương, chỉ mời một số phóng viên ghi hình, tác nghiệp tại phòng Diên Hồng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với việc bố trí họp 2 đợt; tuy nhiên, tuỳ diễn biến dịch bệnh trong tháng 6 sẽ xem xét thời điểm họp tập trung.
“Nếu tình hình vào tháng 6 như hiện tại, Quốc hội có thể họp trực tiếp. Nhưng nếu tình hình dịch bệnh xấu hơn bây giờ thì có thể lùi việc trực tiếp”, bà Ngân nói.
Nhiều ý kiến đề nghị nếu tình hình dịch bệnh vào tháng 6 không khả quan như hiện nay mà diễn biến xấu, có thể triển khai họp trực tuyến cả kỳ chứ không lùi kỳ họp.