Giữa những ngày nghe nhiều tin về các vụ trẻ đuối nước dịp nghỉ lễ 30/4, chị Hải (37 tuổi, trú TP Hòa Bình) lại đau thắt tim nhớ con trai của mình.
Con chị, Nguyễn Trung Kiên qua đời ngày 21/3/2019, hưởng dương 10 tuổi. Kiên là một trong 8 học sinh đuối nước ở tổ 22, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình, vào tháng 3/2019 và nằm trong số hơn 2.000 trẻ em Việt Nam đuối nước mỗi năm.
Một ngày giữa tháng 7/2019, tròn 100 ngày Kiên mất, chị Hải đã mang tấm huy chương của cậu bé ra lau chùi cẩn thận rồi đặt ngay ngắn lên phía trước bàn học của con mình. Căn phòng riêng của Kiên chưa có gì thay đổi, chị vẫn giữ nguyên vị trí các món đồ, ra vào quét dọn thường xuyên như hồi con trai chị còn sống.
Bức di ảnh được thầy giáo dạy võ của Kiên in gửi cho gia đình, kèm theo tấm bằng khen của thành phố về thành tích thi đấu giải vô địch Taekwondo cấp Quốc gia mà cậu từng tham dự.
“Thằng bé bảo con sắp nhận bằng khen, mẹ cho con mời các bạn về nhà liên hoan nhé. Nhưng chỉ còn vài ngày nữa được nhận tin vui, thì nó đã đi rồi”, chị Hải cố không rơi nước mắt khi nhắc chuyện cũ.
Nỗi đau của người ở lại
3 ngày trước khi buổi liên hoan diễn ra, Kiên và các bạn khác trong xóm hẹn nhau đi đá bóng. Khi ra đến Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, đội bóng nhí thấy không còn chỗ nên cả nhóm 9 bạn kéo nhau ra bãi cát Thịnh Minh (phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình) cách nhà khoảng 1 km để chơi.
Bãi cát Thịnh Minh là khoảng đất được bồi lên bởi con sông Đà chảy ngang qua. Bên này là nơi người dân trồng hoa màu, bên kia là một bãi cát trống nằm ngay rìa sông. Từ triền đê trên cao, 9 bạn nhỏ leo xuống một cái dốc có bậc thang thẳng đứng. Lách qua hàng rào của một khu ruộng trồng hoa màu, đội bóng nhí tìm thấy điểm đến lý tưởng cho những bước chân của mình.
Khu vực bãi cát Thịnh Minh (TP Hòa Bình), nơi 8 em nhỏ tử vong do đuối nước vào tháng 3/2019. Ảnh: Việt Linh. |
Trận bóng kéo dài khoảng nửa giờ trong sự phấn khích của lũ trẻ. Cho đến khi một đường chuyền đi lệch quỹ đạo, quả bóng bất ngờ rơi xuống nước. Lúc này, cả 9 bạn cùng nhau ùa ra để lấy lại bóng.
Đứng ở trên, khoảng nước bên dưới tưởng như rất nông, có thể chạm tay xuống đáy. Nhưng thực chất, con sông tựa như một lòng chảo với những hõm nước sâu bên dưới, có thể sụt chân bất cứ lúc nào.
Quả bóng theo dòng nước ngày càng bị đẩy đi xa bờ. 8 bạn cùng nhảy xuống đi theo hướng của trái bóng, chỉ có một bạn ở trên. Cho đến khi nước dâng lên ngực, các em bị vướng vào một vùng xoáy nước không thoát ra được.
Nước càng dâng cao và chảy xiết, 8 bạn nhỏ chấp chới trong dòng nước rồi chìm nghỉm. Trong số này, 3 bạn biết bơi nhưng cũng không thể thoát khỏi thủy thần. Thi thể của các em được vớt lên sau đó một tiếng và đưa về trụ sở công an huyện để các gia đình đến nhận dạng.
Kiên đã không bao giờ được đeo lên cổ chiếc huy chương cũng như ôm vào lòng tấm bằng khen ghi nhận những nỗ lực tập luyện của mình. Vợ chồng chị Hải nhận phần thưởng thay con trai trong nỗi đau đớn và đặt nó lên bàn học trong căn phòng trống trải của cậu.
“Tôi không thể ngờ con lại ra đi như vậy”, chị Hải nói rồi yên lặng một lúc, để cho hai hàng nước mắt lăn xuống gò má gầy rộc và đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ.
3 năm kể từ sau khi vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở Hòa Bình, hàng loạt vụ việc tương tự khác tiếp diễn cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Mới đây vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, chỉ vài ngày khi mùa hè bắt đầu, cả nước đã ghi nhận ít nhất 14 trẻ em tử vong và một người mất tích do đuối nước.
Theo thống kê, đuối nước là nguyên nhân gây tai nạn thương tích hàng đầu cho trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 2-15 với trung bình 5 trẻ tử vong mỗi ngày. Dù vậy, chuyên gia cho rằng số liệu này trên thực tế có thể lớn hơn do hệ thống báo cáo của nhiều địa phương chưa cập nhật.
Không chỉ dạy trẻ biết bơi
Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nhớ lại mốc thời gian năm 2005 lúc ông còn đương chức. Khi ông đề xuất việc đưa kỹ năng phòng chống đuối nước vào chương trình ngoại khóa ở các địa phương, kế hoạch được cho là không thể thực hiện do không phải địa phương nào cũng có kinh phí xây dựng bể bơi.
"Thực tế, trẻ học các kỹ năng tự cứu đuối không nhất thiết cần đến bể bơi hiện đại", ông An nói.
Theo ông, nguyên tắc của việc phòng tránh đuối nước cho trẻ không nằm ở việc dạy trẻ học bơi, mà là dạy kỹ năng tự cứu đuối. Nhìn lại số liệu về tỷ lệ trẻ biết bơi và tỷ lệ trẻ tử vong do chết đuối có thể thấy rõ điều này.
Trong giai đoạn 2017-2018, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng lên khoảng 35% so với giai đoạn trước đó. Nhưng trên thực tế, số trẻ em tử vong do đuối nước chỉ giảm từ con số khoảng 2.200 trẻ xuống còn hơn 2.000 trẻ trong vòng 2 năm.
"Như vậy, việc trẻ em không biết bơi không hoàn toàn tỷ lệ thuận với tỷ lệ trẻ em đuối nước. Hệ thống dạy bơi của các địa phương chưa xây dựng được giáo trình đúng để giúp các em phòng tránh tai nạn, nhiều em biết bơi nhưng vẫn chết đuối", nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em phân tích.
Số liệu trẻ em tử vong do đuối nước giai đoạn 2016-2020 | ||||||
Nguồn: Cục Trẻ em | ||||||
Nhãn | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | |
trẻ | 2220 | 2035 | 2100 | 2060 | 2085 |
Về giải pháp, ông An cho rằng các phụ huynh nên chú trọng vào việc cho trẻ học kỹ năng cứu đuối và cách xử lý sự cố dưới nước như sử dụng các bộ phận cơ thể khác để bơi khi bị chuột rút, thoát hiểm khi rơi vào vùng nước xoáy hay khu vực sóng xa bờ...
Để có được những kỹ năng này, các em cần nắm được nguyên tắc cơ bản về việc tập thở dưới nước và giữ cơ thể ở trạng thái cân bằng để phần đầu không chìm.
"Chỉ cần có các kỹ năng này và kịp xử lý tình huống trong vòng 3-5 phút để chờ mọi người đến cứu là các em đã thoát được khỏi lưỡi hái tử thần", ông An khẳng định.
Lấy ví dụ về việc những người lính có thể trốn quân địch bằng cách lặn sâu ở dưới nước trong suốt một ngày một đêm mà không bị ngạt thở, vị chuyên gia khẳng định không cần bơi giỏi, các em vẫn có thể tự cứu mình khỏi sự cố dưới nước, chỉ cần nắm được kỹ năng cơ bản.
Một bể bơi hiện đại là không quá cần thiết. Trẻ ở nông thôn có thể tập thở dưới nước và học bơi trong các thùng phi lớn
Ông Nguyễn Trọng An
Dựa trên nguyên tắc này, một bể bơi hiện đại để trẻ học bơi là không quá cần thiết. Với trẻ em ở khu vực nông thôn, phụ huynh có thể quây rào kín ở vùng nước ngọt gần nhà sau đó cho các em tập kỹ năng bơi lội và giám sát.
Tại một số địa phương không có điều kiện tốt, trẻ em thậm chí còn được tập thở dưới nước và học bơi trong thùng phi lớn.
"Thay vì ngồi một chỗ và nghĩ rằng phải có một cái bể bơi thì trẻ em mới học bơi được, chúng ta cần nỗ lực trong việc tìm các giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi địa phương", nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em nói.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, nhận định việc dạy kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống ở dưới nước rất quan trọng nhưng cần thêm nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn ngừa nguy cơ đuối nước, đặc biệt cho trẻ ở độ tuổi nhỏ.
Theo bà Flowers, khoảng 80% trẻ em đuối nước ở gần nhà và trong những không gian như sông, ngòi, ao, hồ. Do đó, phụ huynh cần nhận thức được rõ nguy cơ đuối nước ngay cạnh nhà để có sự giám sát khi cần thiết trong trường hợp trẻ tiếp cận khu vực sông nước.
Bà khuyến cáo chính quyền địa phương cần khảo sát, quây rào cấm ở những vùng nước nguy hiểm, tăng lực lượng cứu nạn cứu hộ ở khu vực có trẻ em thường xuyên bơi lội; nâng cấp trang thiết bị cứu nạn.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cam kết thực sự trong việc dạy bơi cho trẻ, đảm bảo các em có được cả kỹ năng bơi và kỹ năng tự cứu sống.
"Nguy cơ trẻ em đuối nước thì quốc gia nào cũng có nhưng số lượng thì tùy thuộc vào việc các cơ quan có hợp tác cùng nhau thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ hay không", bà Rana Flowers nhấn mạnh.