Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không bơi ở ao làng SEA Games sao vượt qua sóng lớn quốc tế'

Nhiều vận động viên, huấn luyện viên thẳng thắn cho rằng SEA Games là nơi rèn luyện kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu rất tốt để chuẩn bị cho thể thao Việt Nam vươn ra thế giới.

Công tác tổ chức không tươm tất, tình trạng trọng tài chèn ép vận động viên, nước chủ nhà tự đặt quy định thi đấu, xuất hiện các môn độc quyền, chạy theo thành tích... chỉ là một trong số những bức xúc tồn tại ở nhiều kỳ SEA Games, chứ không phải chờ đến đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á đang diễn ra tại Malaysia mới bị nhắc tới.

Cũng từ những bức xúc và bất công đó, không ít ý kiến cho rằng thể thao Việt Nam thay vì tốn thời gian tham gia "giải ao làng" SEA Games, nên dồn sức lực, tài chính, hướng đến các giải thể thao châu Á, hoặc tầm cỡ quốc tế.

SEA Games anh 1
HLV Thanh Hương gắn bó với chủ nhân HCV 100 m nữ Lê Tú Chinh từ khi em 10 tuổi. Ảnh: Hải An.

Chia sẻ quan điểm về ý kiến này, huấn luyện viên đội tuyển điền kinh quốc gia Nguyễn Thị Thanh Hương đồng ý với nhận xét SEA Games có nhiều vấn đề, nhưng đây là môi trường tốt để vận động viên rèn luyện trước khi thử sức tại các sân chơi quốc tế.

"Không cậu học trò nào có thể thi học sinh giỏi quốc tế, nếu chưa từng thi quốc gia, thành phố, quận huyện. Vận động viên cũng thế. Không có SEA Games, các em mất cơ hội lớn được cọ xát, thử sức, trải nghiệm sàn đấu, rèn luyện tâm lý, bản lĩnh khi đứng bên cạnh những đối thủ đến từ quốc gia khác", thầy của Lê Tú Chinh, vận động viên vừa giành HCV 100 m nữ thẳng thắn.

Người có nhiều năm gắn bó với điền kinh Việt Nam chỉ ra một sự thật là vận động viên trong nước có ít cơ hội thi đấu hơn các nước bạn, do kinh phí có hạn, chưa thể đầu tư đầy đủ và bài bản cho vận động viên "ra biển lớn". Chính vì vậy, hãy tận dụng sân chơi SEA Games để các em có cơ hội rèn luyện năng lực thi đấu. 

"Nếu nhìn vào mặt tích cực, đây cũng là nơi giúp chúng ta biết thể thao nước nhà đang đứng ở vị trí nào trên thế giới. Không bơi ở ao làng SEA Games, sao chống nổi sóng lớn quốc tế?", nữ huấn luyện viên đặt câu hỏi.

"Tiểu tiên cá" Ánh Viên thừa nhận em muốn giành vàng tại các giải Olympic, ASIAD, nhưng không vì thế mà "bỏ rơi" thành tích tại SEA Games.

SEA Games anh 2
Ánh Viên đã "vươn tầm thế giới" nhưng vẫn cố gắng tại SEA Games 29. Ảnh: Hải An.

"Đã là vận động viên, cứ bước vào đường đua là thi đấu hết sức. Có những tài năng thể thao được phát hiện tại 'hội làng', kỷ lục mới được thành lập tại SEA Games, hoặc đôi khi một vận động viên thay đổi chỉ sau một giải đấu với các đối thủ Đông Nam Á", kình ngư sinh năm 1996 cho biết.

Vận động viên bóng bàn nữ Nguyễn Thị Nga lấy ví dụ từ bản thân cô. Trước khi bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp, em được thầy giáo phát hiện năng khiếu, từng tham gia giải vô địch quốc gia, nhưng phải đến khi giành 1 huy chương vàng SEA Games tại Singapore năm 2015, Nga mới tự tin vào tay vợt của mình.

Chiến đấu hết sức trên sàn đấu, cố gắng 100% để giành chiến thắng trong từng giải đấu trong nước hay khu vực, thể hiện tinh thần thể thao chân chính là cách Nga vẫn đang cố gắng mỗi ngày.

Huấn luyện viên điền kinh Vũ Ngọc Lợi chia sẻ ý kiến thể thao Việt Nam cần kiên định trong việc đầu tư vào các môn thi đấu quốc tế, như điền kinh, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, bóng đá, bơi lội,... và giúp vận động viên có cơ hội được tham gia thi đấu, kể cả tại SEA Games.

SEA Games anh 3
Vũ Thành An từng đoạt HC bạc Olympic 2012 Diego Occhiuzzi,  đạt HCV nội dung kiếm chém tại SEA Games 29. Ảnh: Tiến Tuấn.

Tương tự, người dẫn dắt đội tuyển karatedo quốc gia, huấn luyện viên Mai Xuân Lượng cho biết ông không từ chối bất cứ một cơ hội nào cho học trò đi thi đấu.

Theo ông, cái gốc của phát triển thể thao là đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, tới nơi tới chốn từ khâu tuyển chọn, huấn luyện, đưa vận động viên đi tập huấn, thi đấu cọ xát, và nhất là phải nói không với bệnh thành tích.

Khi đã đủ tài năng, chúng ta không còn sợ vận động viên bị "dìm" ở bất cứ đâu, mà tự tin đi từ "ao làng" vươn ra biển lớn.

Một sự thật khác phải thừa nhận, SEA Games gần như là cơ hội duy nhất mang về tiền thưởng cho các vận động viên, ngoài mức thu nhập vài triệu đồng một tháng.

Nếu phải cải thiện, thì chính là Thể thao Việt Nam cần chung sức cùng các nước trong khu vực thay đổi cách tổ chức SEA Games, đưa các môn trong hệ thống trong Olympic vào thi đấu, giảm bớt các môn cảm tính, có tính chất đặc thù khu vực hoặc lợi thế của chủ nhà.

Những khoảnh khắc vàng của thể thao Việt Nam ngày 22/8 Ánh Viên, Hồng Anh, Đặng Nam và nhiều vận động viên khác nữa đã mang lại những khoảnh khắc "vàng" đầy xúc động cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29.

SEA Games không chỉ đơn thuần là những tấm huy chương

Ở mỗi kỳ SEA Games người ta lại thấy lấp lánh những câu chuyện cảm động về nghị lực sống, vươn lên của những vận động viên đang hàng ngày, hàng giờ đổ mồ hôi trên sân đấu.

Ngân Giang (Từ Malaysia)

Bạn có thể quan tâm