Tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch diễn ra mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh không nên áp dụng máy móc mô hình “3 tại chỗ”.
"Về sản xuất công nghiệp trọng tâm là rất an toàn. Bắc Giang, Bắc Ninh là mô hình tốt nhưng không thể mang nguyên mô hình này áp nguyên cho TP.HCM, “3 tại chỗ” ở TP.HCM cũng phải khác, từng tỉnh cũng khác”, Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên lý cần đảm bảo là khi sản xuất phải giãn cách ở bên trong, giảm mật độ công nhân, phân ca, phân kíp để nếu có ca nhiễm thì chỉ một bộ phận nhỏ bị, và có thể cách ly ngay; đồng thời đảm bảo linh hoạt từng nơi, không áp dụng cứng nhắc.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo quận Bình Tân (TP.HCM) trước một khu nhà trọ công nhân đang bị phong tỏa, chiều 25/7. Ảnh: VGP. |
Thực tế, nhiều tỉnh miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đang áp dụng thành công mô hình “3 tại chỗ”. Các địa phương này yêu cầu doanh nghiệp khóa chặt các nguy cơ bên ngoài, duy trì sản xuất biệt lập, hạn chế đi lại của công nhân và chuyên gia.
Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp ở phía Nam thừa nhận việc duy trì hoạt động theo "3 tại chỗ" gặp rất nhiều khó khăn. Bà Đặng Thị Phương Ninh - Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) - cho biết chi phí xét nghiệm cho 850 công nhân một tháng tốn khoảng nửa tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải trưng dụng các nhà nghỉ, hội trường, phòng họp… tại 2 nhà máy trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) với tổng diện tích khoảng 3.500 m2 để làm nơi ở cho công nhân.
Nhiều doanh nghiệp phải gồng mình gánh phí xét nghiệm cho hàng nghìn công nhân. Ảnh: Hải Yến. |
Theo ông ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nhiều công ty tại TP.HCM không đủ mặt bằng bố trí sinh hoạt cho công nhân; thiếu hệ thống ăn uống và vệ sinh công cộng phục vụ ở tại chỗ; thiếu chỗ ngủ tiêu chuẩn 5K; đứt gãy chuỗi cung ứng, kho bãi, hệ sịnh thái sản xuất đồng bộ; thiếu phương tiện vận tải, lưu thông nguyên liệu và hàng hóa.
Trong khi đó, tại một số địa phương miền Nam, đã xuất hiện ca nhiễm lây từ cộng đồng vào bên trong nhà máy thực hiện "3 tại chỗ", khiến hàng trăm công nhân biến thành F1, F2. Nhiều người cho rằng nếu thực hiện không tốt, nhà máy thực hiện "3 tại chỗ" có nguy cơ biến thành ổ dịch siêu lây nhiễm.
Trước thực trạng trên, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng đối với các doanh nghiệp phía Nam chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”.
Doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các doanh nghiệp có kế hoạch về nhân sự, lao động, tài chính để hoạt động trở lại sau dịch bệnh.
Ngày 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phan Văn Vĩnh đã quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đang áp dụng "3 tại chỗ" trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8. Trước đó, Thị xã Tân Uyên của Bình Dương cũng quyết định dừng mô hình "3 tại chỗ".