Trước nghi vấn hàng nghìn nhân khẩu ở Thanh Hóa xin không nhận hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 vì cán bộ địa phương ép buộc, những người liên quan đã lên tiếng. Họ cùng khẳng định việc từ chối nhận tiền là tự nguyện và cảm thấy buồn trước những thông tin suy diễn.
Tự nguyện bớt một phần hỗ trợ
Ông Lê Văn Bảo (65 tuổi, trú thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân) cho biết gia đình là hộ cận nghèo, có 8 khẩu. Hai vợ chồng ông đều đã hết tuổi lao động, vợ thường xuyên đau yếu vì bệnh tim.
Với mức hỗ trợ 750.000 đồng/khẩu, ông Bảo sẽ nhận tổng số tiền 6 triệu đồng. Ông Bảo xin không nhận hỗ trợ đối với 1 nhân khẩu và không ai ép buộc chuyện này.
Ông Bảo khẳng định việc làm đơn xin không nhận 1 phần hỗ trợ là tự nguyện. Ảnh: H.L. |
"Cán bộ thôn có trao đổi, động viên việc các hộ dân được nhận hỗ trợ, ai có lòng hảo tâm thì rút đi 1-2 khẩu, coi như chia sẻ khó khăn với xã hội. Chúng tôi thấy hợp lý nên tự nguyện rút đi 1 khẩu. Không có chuyện ai ép buộc cả”, ông Bảo khẳng định và cho biết thấy ấm lòng khi được Nhà nước quan tâm. Với ông, việc san sẻ với cộng đồng một phần tiền hỗ trợ là chuyện đáng làm.
Cũng như ông Bảo, bà Lê Thị Hà (62 tuổi, trú xã Xuân Sinh) nói rằng việc mỗi gia đình rút đi một vài nhân khẩu đều là tự nguyện, không phải ép buộc như dư luận đồn thổi.
“Lúc họp thôn, cán bộ phổ biến người dân nhiều nơi còn đang túng thiếu hơn. Họ động viên mỗi nhà tự nguyện rút ra 1 khẩu. Ai đồng ý thì rút, không thì thôi. Không có chuyện cán bộ ép buộc người dân không nhận tiền hỗ trợ. Chuyện đó không thể nào xảy ra nếu họ không muốn".
Bà Hà cũng cho biết lá đơn xin không nhận tiền hỗ trợ là xã đã in sẵn. Người dân nào tình nguyện rút bớt khẩu thì chỉ cần điền thông tin và ký vào đơn.
Người dân cho rằng việc ủng hộ hoặc xin không nhận một phần hỗ trợ là tấm lòng họ gửi đến cộng đồng. Câu chuyện khiến nhiều người suy diễn, thông tin sai lệch đã khiến họ cảm thấy buồn.
“Không vận động"
Trao đổi với Zing, ông Lê Hữu Duẩn (Trưởng thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân) cho biết thôn có 48 hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ do dịch Covid-19. 17 hộ trong số này đã tình nguyện rút bớt khẩu và một số trường hợp xin không nhận toàn bộ số tiền hỗ trợ.
“Không ai ép buộc người dân hết. Đó là quyền lợi của họ nhưng người dân xin không nhận hỗ trợ là để đóng góp cùng Chính phủ chống dịch. Số tiền họ không nhận cũng không ai dám cầm vào”, ông Duẩn nói.
Xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân là một trong những xã có nhiều hộ dân xin không nhận một phần tiền hỗ trợ. Ảnh: H.L. |
Còn ông Lê Chí Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh, nói rằng đến nay, xã này có 112 khẩu thuộc hộ cận nghèo tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ.
“Tôi cam đoan tất cả các hộ đều tự nguyện, không có ai do vận động hay bị ép buộc mà làm cả”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Ngọc Thức, Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cũng phủ nhận có sự ép buộc hay vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ.
Gần 1 tuần nay, người dân các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân và TP Thanh Hóa... liên tục gửi đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19. Riêng huyện Thọ Xuân có hơn 2.400 người tự nguyện không nhận hỗ trợ, với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.
Khi con số xin không nhận hỗ trợ tăng lên, nhiều người nghi ngờ cán bộ cơ sở đã vận động, ép dân ký đơn. Tỉnh Thanh Hóa sau đó có công điện hỏa tốc yêu cầu sở, ban ngành và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.
Tỉnh cũng chỉ đạo xử lý nghiêm nếu cán bộ cơ sở vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ.