Chiều 11/7, phiên chất vấn, trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng, khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra sôi nổi. Các đại biểu tập trung chất vấn lãnh đạo Đà Nẵng về những bất cập trong quy hoạch đô thị, xây dựng sai phép, ô nhiễm môi trường.
Không có chuyện phạt rồi cho tồn tại
Đại biểu Lê Thanh Hải cho rằng trên địa bàn thành phố có một số công trình xây dựng sai phép nghiêm trọng. Chủ đầu tư đã xây dựng sai phép trong thời gian dài nhưng đến khi báo chí lên tiếng, cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư "nhờn luật", cố tình kéo dài thời hạn để tìm cách hợp thức hóa hồ sơ.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng trả lời chất vấn. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết thời gian qua, đơn vị phối hợp với UBND các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra hơn 5.000 công trình xây dựng trên địa bàn. Các cơ quan chức năng đã xử lý 212 trường hợp và tháo dỡ 53 công trình vi phạm.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định các cơ quan chức năng đã xử lý chủ đầu tư có công trình sai phạm đúng quy định của pháp luật, không bao che.
Ông thừa nhận mặc dù UBND TP Đà Nẵng đã nhiều lần ra công văn yêu cầu chủ đầu tư chấp hành pháp luật, nhưng vẫn có một số chủ đầu tư vẫn chưa chấp hành. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý, tháo dỡ các công trình sai phép", ông Hùng dứt khoát.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, yêu cầu Sở Xây dựng rà soát lại tất cả các công trình đã và đang triển khai trên địa bàn. "Chủ đầu tư sai đến đâu, xử lý đến đó. Hình thức xử lý phải nghiêm minh để giữ kỹ cương", ông Trung nhấn mạnh.
Chủ đầu tư khu căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà do Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên xây 104 căn hộ xây sai phép. Ảnh: M.Hoàng. |
Ông Trung phản bác lại một số ý kiến cho rằng chính quyền địa phương đang bị một thế lực nào đó can thiệp trong việc xử lý công trình sai phép. Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nhấn mạnh không ai có thể đứng trên pháp luật, can thiệp vào chính quyền Đà Nẵng.
"Chủ đầu tư nào chưa chấp hành văn bản yêu cầu tháo dỡ công trình sai phạm của UBND thành phố thì nên tự tháo dỡ. Nếu để chính quyền thành phố xuống cưỡng chế thì không có lợi cho doanh nghiệp”, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng khuyến cáo.
Giao thông Đà Nẵng 'rối như bàn cờ vây'
Đại biểu Tô Văn Hùng cho hay hệ thống giao thông ở Đà Nẵng đang "rối như bàn cờ vây". Thành phố có 918 km đường và 2.700 nút giao thông, với tốc độ di chuyển giờ cao điểm dưới 17 km/giờ.
Nếu không có giải pháp đột phá, Đà Nẵng sẽ có nguy cơ ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Địa phương này có 14 tuyến tuyến xe buýt nhưng chỉ đáp ứng 2% nhu cầu đi lại của người dân. Dự kiến đến năm 2020, Đà Nẵng có khoảng 120.000 ôtô và 1,2 triệu phương tiện cá nhân khác.
"Nếu thành phố không có giải pháp đột phá thì chỉ 5-10 năm nữa sẽ phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ và không có cơ hội để giải quyết tình trạng này", ông Hùng cảnh báo.
Ông Nguyễn Nho Trung cho rằng địa phương đã đầu tư rất nhiều cho xe buýt, nhưng hiệu quả sử dụng phương tiện này không như mong muốn. "Nếu các phương tiện cá nhân cứ tăng nhanh như hiện nay thì việc đầu tư xây dựng hạ tầng khó mà đáp ứng kịp. Vấn đề này cần phải thảo luận kỹ để có quyết sách ngay trong năm 2018", ông Trung nói.