Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết như vậy tại hội thảo "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế" được tổ chức vào sáng nay 26/12 do bà chủ trì ở Hà Nội.
Mở màn phần thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, ủy viên Ủy ban Pháp luật, nêu: Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Y tế nhiều trong các cuộc họp bởi không chất vấn Bộ trưởng thì biết chất vấn ai về những vấn đề nóng của ngành?
“Xin lỗi” vì đã ngắt lời ông Cương khi ông vừa phát biểu được vài câu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích: “Tôi thì không bị chất vấn nhiều, báo chí phản ánh nhiều thôi, còn kỳ vừa rồi tôi không bị chất vấn. Tôi chủ động bấm máy trả lời. Chủ yếu vừa rồi báo chí phản ánh về các vấn đề y tế nóng và những sự cố của ngành, chứ còn trong Quốc hội kỳ này tôi không nằm trong danh sách trả lời chất vấn và cũng không có ai chất vấn tôi.
Nhưng khi có một đồng chí đại biểu Quốc hội nói về việc chậm ban hành một số văn bản liên quan đến dioxin thì tôi giải thích về vấn đề đó, nhân tiện tôi cũng nói luôn về vụ việc xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ động trả lời về vụ Cát Tường ngày 19/11 trước Quốc hội. |
Đáp lại Bộ trưởng, ông Cương cho biết không nắm được những thông tin này song khẳng định ngoài việc chất vấn trực tiếp, các đại biểu Quốc hội cũng còn nhiều hình thức chất vấn khác, nhưng thực tế thì trong thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều vấn đề liên quan đến ngành y tế.
Ông Cương kỳ vọng sau khi Hiến pháp được thông qua, sắp có luật về chính quyền địa phương thì việc tổ chức chính quyền địa phương sẽ được tổ chức phù hợp với đô thị, nông thôn hoặc các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Ông lấy ví dụ: Tổ chức bộ máy về y tế ở TP.HCM hay ở Hà Nội không thể giống với tổ chức bộ máy y tế ở Cao Bằng, Lạng Sơn được. Trên địa bàn một phường, một quận ở những thành phố lớn này có cả trăm cơ sở khám chữa bệnh, còn miền núi thì không như thế.
Hội chứng mỏng - bao nhiêu cho đủ?
Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, bộ máy ngành y tế hiện nay phân tán, “vẽ ra” đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp nhưng thực chất đơn vị sự nghiệp có làm cả chức năng quản lý nhà nước, khiến sự việc xảy ra trên địa bàn trách nhiệm thuộc về ai cũng không rõ. Các việc xảy ra trên địa bàn nhưng chính quyền địa phương không biết, hôm nay phát hiện cơ sở khám chữa bệnh không phép, ngày mai đến điểm trông trẻ mầm non. Chính quyền địa phương mà như thế thì tê liệt, thanh tra cả ngàn người cũng khó làm được.
Ông Cương cũng nêu thực tế bộ trưởng nào cũng kêu thanh tra mỏng.
Ngành Y tế có tới 30.000 cơ sở khám chữa bệnh, 39.000 cơ sở bán thuốc mà cả nước chỉ có 250 thanh tra y tế. Nhìn vào đó thì thấy đúng là không thể làm xuể được. “Nhưng giờ cần bao nhiêu là đủ? Các cơ quan quản lý Nhà nước phải quản lý trách nhiệm.Tôi thấy bấy lâu nay cứ cấp phép xong là thôi, không ai quản lý tiếp”, ông nói.
Sau vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, có ý kiến cho rằng muốn để cấp phường, xã quản lý các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn. Song ông Cương đề nghị không thể làm vậy.
“Phường làm gì có cán bộ chuyên trách, mà làm y tế phải có chuyên môn. Các đồng chí cứ tưởng tượng một cán bộ phường vào trạm y tế hoạnh họe nọ kia thì không thể làm gì được”.
Làm sao để chính quyền địa phương vào cuộc thuận lợi?
Ông Đỗ Trung Hai, Phó Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Hà Nội cho rằng vai trò của chính quyền địa phương có tính quyết định.
Ông lấy ví dụ: Trạm y tế do Sở Y tế quản lý nhưng khi chính quyền địa phương xuống thì rất khó chỉ đạo. “Gọi ông trạm y tế đến thì họ bảo tôi trực thuộc Sở, có người tinh thần ý thức chính trị kém thì bảo tôi là người của Sở, không phải của chính quyền địa phương. Vậy ngành y tế nghiên cứu làm sao có mô hình để chính quyền địa phương vào cuộc cho thuận lợi”.
Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định các văn bản quy phạm pháp luật của ngành đều nói rõ vai trò của chính quyền địa phương, khi sai sót xảy ra, “nhìn vào các quy định đã ban hành là biết ai phải chịu trách nhiệm”.
Nói về việc dư luận đổ trách nhiệm cho Bộ trưởng sau nhiều vụ việc, Bộ trưởng Y tế cho biết dư luận trung thực khách quan nhưng có lúc chưa công bằng, sai sót trong ngành y có nhưng các ngành khác thì sao?
“Tôi sẵn sàng nhận một phần trách nhiệm vì sự việc xảy ra trong ngành của mình, nhưng truy vào văn bản pháp luật quy định thì sao? Toàn ngành y tế từ trên xuống dưới không ai chối bỏ, nhưng có đây đó trách nhiệm rõ ràng nhưng không lên tiếng, không nhận, không báo cáo, không gì cả, còn lại đa số biết trách nhiệm của mình. Còn sự thật vẫn là sự thật, công luận bao giờ cũng khách quan”, Bộ trưởng nói.