Khốn đốn vì 18 điều… kiêng!
Chị Nguyễn Thị Hường (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) than thở: “Nhà tôi đen đủi, bất đồng trong “tháng cô hồn” vì các quan điểm trái ngược nhau. Ngay sáng mùng 1/7 Âm lịch, sau khi dậy sớm thắp hương, mẹ chồng đã tuyên bố là trong tháng này, kiêng mua sắm đồ đạc, xe cộ, đồ dùng gia đình, không ký kết hợp đồng, không đi lại quá khuya...”.
Trong khi đó, vợ chồng chị Hường dành dụm mãi mới đủ tiền mua xe máy cho chị đi làm thì mẹ chồng cấm tiệt, bắt chị giao tiền cho bà cầm vì lý do “tháng cô hồn dễ mất mát”. Bà còn dọa, mua xe tháng này, kiểu gì cũng mất hoặc tai nạn.
Vậy là vợ chồng chị tiếp tục chịu khó đi chung xe. Nhưng, đúng ngày 1/7 Âm lịch thì xe của chồng chị cũng bị hỏng, mẹ chồng được đà: “Thấy chưa, tao nói có sai đâu. Đen lắm”.
Xe hỏng, vợ chồng chị Hường định đi xe ôm, bà mẹ chồng cản: “Không đi xe ôm mất an toàn, đi xe buýt”. Để tránh xung đột quan điểm, vợ chồng chị đành đi xe buýt trong khi anh làm cách nhà gần 30 km.
Muốn 8h có mặt ở cơ quan, phải dậy từ lúc 5h, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đi 3 chặng xe buýt xuống nhà máy ở Hưng Yên. Hôm rồi anh về rất muộn lại bị mẹ chồng càu nhàu rằng “về quá trễ phạm 18 điều cấm là không tốt”. Thế là hai mẹ con lại bất hòa.
Cũng quan niệm tháng 7 Âm lịch không nên làm việc trọng đại, nên anh Hoàng Văn Minh (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đứng ngồi không yên.
Anh Minh tâm sự: “Chúng tôi yêu nhau, cô ấy có bầu 3 tháng rồi. Lúc đầu bị gia đình phản đối, khi thuận rồi thì vướng tháng 7 Âm lịch, chưa cho cưới. Cứ gặp nhau là cô ấy lại khóc, nói bụng to nhanh mà hơn một tháng nữa mới có ngày đẹp thì xấu hổ, mất mặt. Tôi khổ vô cùng, muốn theo ý các cụ cho “lành” nhưng thấy cô ấy “bầu bí” mà cứ u sầu cũng thương lắm”.
Cũng trong tình cảnh trớ trêu vì vướng “tháng cô hồn”, chị Hà Thị Vân Anh (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) than thở: “Tôi có bầu 8 tháng rồi. Đợt cuối tháng 6 Âm lịch, mẹ chồng không cho mua quần áo cho con vì lý do chưa qua 7 tháng nên kiêng. Đến giờ sang 8 tháng thì bà lại cản rằng “vướng tháng cô hồn, mua đồ cho em bé rất kỵ”. Hôm qua đi khám bác sĩ nói tôi có nguy cơ đẻ non do có tiền sử sẩy thai, vậy mà chưa mua được gì cho con. Chiều qua chồng tôi mang về ít đồ sơ sinh mới, mẹ chồng biết chuyện, bắt mang đi trả, mắng ầm cả nhà. Vừa buồn lại vừa thương con”.
Cửa hàng bán quần áo trẻ em vắng hoe trong “tháng cô hồn”. |
Lục đục trong nhà vì kỵ cả… ái ân
Chị Trà Ngọc Bích (phố Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) chuyên bán buôn, bán lẻ đồ sơ sinh cho mẹ và bé, quyết định đóng cửa hàng nửa tháng để đi du lịch. Theo chị, nhiều khách kỵ mua sắm trong “tháng cô hồn" vì cho là không may mắn. "Những năm trước, tôi mở cửa liên tục nhưng bán chậm lắm. Năm nay rút kinh nghiệm nghỉ cho cả nhà đi du lịch thoải mái", chị Bích nói
Nhiều người kiêng kỵ việc lớn còn có lý, đằng này chị Trần Thanh Hằng (khu đô thị Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại cấm chồng “yêu” trong “tháng cô hồn”. Vì cho rằng, trong tháng này các linh hồn hiển hiện khắp nơi nên nếu “yêu” thì “âm khí” sẽ lập tức xâm nhập khiến sức khỏe vợ chồng yếu đi. Điều này làm cho gia đình anh chị lục đục, “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Còn anh Tuấn (chồng chị Hằng), ngay buổi tối đã bỏ ra khỏi nhà vì sự cương quyết vô lý đó của vợ.
Còn nhà anh Phạm Văn Luận (xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cũng vì quan niệm tháng 7 Âm lịch không may mắn nên bỏ lỡ cơ hội mua căn hộ giá rẻ, vừa với số tiền mà anh chị đã tích cóp. Còn nhà chị Vũ Thị Yến (phố Vũ Hữu, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã bỏ lỡ cơ hội việc làm của con. Do con trúng tuyển vào một công ty nước giải khát lớn sau hơn một năm ra trường không có việc làm, nhưng vì xin được đi làm vào tháng 8 (Âm lịch) nên cơ hội này đã thuộc về người khác…
Chuyện kiêng vô lý
Hoàn toàn khác với những quan niệm nêu trên, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều cho rằng, tháng nào cũng như nhau, nếu chúng ta sống bằng tâm, đức, không lừa lọc, dối trá thì không cần thiết phải lo lắng, sợ hãi. Mọi người cần sáng suốt nhìn nhận không nên quá kỹ tính kiêng khem, sinh mê tín bởi những quan niệm này chưa được bất kỳ khoa học nào chứng minh là đúng.
Rằm tháng 7 hay còn gọi là lễ Xá tội vong nhân trùng với lễ Vu Lan, báo hiếu cha mẹ. Bản chất của ngày rằm này rất nhân bản, là lòng yêu thương con người với con người. Ngày có ý nghĩa mọi người tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và những người đã khuất.
GS.TS Phạm Đức Dương, chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á chia sẻ: "Ai cũng có thể có đức tin của mình song không nên sa đà vào mê tín. Nhiều khi chính sự sa đà quá mức sẽ khiến họ vuột mất cơ hội tốt, vận may một đi không trở lại".
Đại đức Thích Thiện Hạnh, trụ trì chùa Vinh Phúc (thôn Quang Độ, xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) thì giải thích: "Dân gian kiêng kỵ là do quan niệm "tháng Ngâu" quá buồn, là tháng chia ly, mất mát. Hơn nữa, đây là tháng xá tội vong nhân... nên chuyên tâm thờ cúng, cầu cho những người đã khuất, vì cả năm đã cầu cho người sống rồi. Vì vậy, việc kiêng kỵ này đơn thuần do tâm lý, không có cơ sở khoa học. Thực tế, ngày xấu hay ngày tốt đến do quan niệm mà ra, hơn nữa Phật đã khuyên rằng ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu".
Với những lý giải xác đáng của nhà nghiên cứu văn hóa có uy tín thì chuyện kiêng kỵ tháng 7 Âm lịch chỉ là "thói quen" hoặc do "tâm lý", không có cơ sở khoa học.