Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch,...
Tương lai 9 tỷ USD
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch,...
Vào những tháng du lịch hè cao điểm, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt. Qua các năm, tỷ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng khả quan. Khách hàng bây giờ chỉ cần thông qua một cú nhấp chuột là có thể đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, ngày nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển du lịch trực tuyến và nền tảng kỹ thuật số là cơ hội tăng trưởng du lịch. Nền tảng kỹ thuật số điểm đến giúp cung cấp nhanh và nhiều thông tin, cung cấp các dịch vụ đa dạng, hấp dẫn thu hút du khách.
Ngoài ra, phát triển du lịch trực tuyến làm tăng GDP và việc làm. Du lịch trực tuyến còn tạo cơ hội để cho tất cả mọi người có thể tham gia, người làm ra dịch vụ có thể bán được nhiều sản phẩm hơn và người sử dụng có thể tận dụng được các dịch vụ tốt hơn.
Trong khi đó, quy mô thị trường du lịch của việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 4 về tốc độ tăng trưởng sau Indonesia, Thái Lan, Singapore và còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho rằng, theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, xu hướng du lịch hiện nay, hay hành vi của du khách hiện nay đã bước sang một giai đoạn mới mà người ta là "Khách du lịch kết nối".
Tại đây, khách du lịch họ chủ động từ khâu tìm điểm đến, tìm tour, tìm khách sạn. Họ cũng rất chủ động đăng những bình luận, đánh giá về khách sạn, tour lữ hành. Các đánh giá này được người đi sau tin cậy hơn cả thông tin từ các hãng chuyên khảo sát, xếp hạng, đánh giá du lịch. Những điều này cho thấy, một thời kỳ mới của kinh doanh du lịch đã khởi đầu.
Cuộc chơi đầy thử thách
Mặc dù đánh giá là tiềm năng, song du lịch trực tuyến được các chuyên gia nhận định không phải dễ kiếm tiền. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, du lịch trực tuyến là cuộc chơi đầy thử thách. Những doanh nghiệp Việt dám đầu tư vào du lịch trực tuyến vô cùng dũng cảm. Hiện vẫn chưa có chính sách hay quy định nào về du lịch trực tuyến.
"Trong con mắt của chúng tôi, những đơn vị dám đầu tư vào du lịch trực tuyến Việt Nam vô cùng dũng cảm. Công nghệ yếu, vốn ít, chúng ta nghe vài trăm tỷ đồng là khủng khiếp nhưng làm du lịch trực tuyến thì có lẽ vài trăm tỷ đồng cũng chưa là gì", Chủ tịch VECOM chia sẻ.
Về thực trạng, ông Hưng cho rằng, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa nắm bắt và tận dụng được những cơ hội làm ăn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 20% thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam.
Thứ nhất là về công nghệ, đã tham gia cuộc chơi du lịch trực tuyến nghĩa là cuộc chơi toàn cầu. Không có khái niệm du lịch trực tuyến chỉ cung cấp cho riêng Việt Nam. Cuộc chơi này dành cho những người giỏi về công nghệ. Trong khi đó, đây là yếu tố doanh nghiệp trong nước còn thiếu.
Thứ hai là về vốn. Thương mại điện tử (TMĐT) hiện đã qua thời website đơn giản là xong. Du lịch trực tuyến không phải chỉ dựng một website hoặc một ứng dụng trên di động là xong.
Thực tế, theo nhận định của nhiều chuyên gia du lịch thì chỉ có 30% người đi du lịch đặt tour còn lại có tới 70% khách du lịch theo kiểu tự túc nghĩa là họ tự đặt phòng, tự thanh toán phương tiện đi lại, đặt vé các khu giải trí,... Xu hướng mới này buộc các công ty du lịch cũng phải thay đổi cách kinh doanh từ việc bán tour tại văn phòng hay phải đi đến tận nơi thì bây giờ sẽ thông qua các trang web.
Ông Nguyễn Bình Long, Giám đốc Công nghệ thông tin Vietravel, chia sẻ kinh nghiệm, doanh nghiệp đã có những kế hoạch, chiến lược đào tạo đội ngũ nhân sự định hướng phát triển về AI, Big Data và an ninh mạng.
Ngoài ra, nguồn dữ liệu khách hàng mà các doanh nghiệp hiện ít quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức tới đây sẽ được đặc biệt chú trọng. Các DN sẽ chuẩn hóa nguồn dữ liệu khách hàng để phân tích, đánh giá hành vi của họ nhằm tiếp cận nguồn khách hàng mới cũng như lôi kéo những khách hàng cũ quay lại.