Cuối năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra sự kiện hoán đổi vị trí người giàu nhất Việt Nam giữa 2 ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Thời điểm đó, khối tài sản của ông chủ FLC vào khoảng hơn 34.000 tỷ đồng đến từ 289,6 triệu cổ phiếu ROS (tương đương 67,34% cổ phần FLC Faros) và 114,2 triệu cổ phiếu FLC (tương đương 17,9% cổ phần). Chênh lệch giữa 2 người giàu nhất Việt Nam khi đó chưa tới 2.000 tỷ đồng.
Mỗi ngày kiếm 200 tỷ đồng
Đến nay, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn ở ngưỡng gần 32.000 tỷ đồng, không thay đổi quá nhiều so với giai đoạn đầu năm.
Tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng đến từ 723,96 triệu cổ phiếu VIC mà ông nắm giữ. Đây cũng là mã cổ phiếu được các chuyên gia tài chính đánh giá có mức độ ổn định hàng đầu trên sàn HOSE.
Kể từ đầu năm 2017, biên độ dao động thị giá của VIC chỉ chưa đến 1%, ở quanh mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu, thị giá hiện tại là 44.100 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã lên tới 51.696 tỷ đồng (tương đương 2,28 tỷ đôla), tăng gần 18.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu đôla) chỉ sau một quý.
Chỉ trong quý I, ông Trịnh Văn Quyết đã gia tăng khối tài sản của mình thêm gần 18.000 tỷ đồng. Đồ họa: Quang Thắng. |
Như vậy trung bình mỗi ngày trong quý này, tài sản của người giàu nhất sàn chứng khoán Việt tăng 200 tỷ đồng. Khoảng cách giữa người giàu nhất Việt Nam hiện nay với người xếp thứ 2, là tỷ phú đôla Phạm Nhật Vương, lên tới gần 20.000 tỷ đồng.
Đường lên "kỳ lạ" của khối tài sản khổng lồ
Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu FLC đã tăng 2.470 đồng/cổ phiếu (tương đương tăng 47%). Hiện mỗi cổ phiếu này được giao dịch với giá 7.700 đồng. Nhưng mức tăng 47% của FLC cũng chỉ giúp tài sản ông Quyết tăng thêm hơn 282 tỷ đồng.
Chất xúc tác khiến tài sản của ông chủ FLC tăng vọt trong quý I chính là đà tăng "kỳ lạ" của cổ phiếu ROS.
Từ giữa tháng 12/2016 đến nay, cổ phiếu ROS luôn trong sắc xanh. Cụ thể, tính từ phiên giao dịch ngày 14/12/2016 đến nay, qua 59 phiên giao dịch chỉ ghi nhận 1 phiên cổ phiếu ROS đứng giá (phiên 9/1) và 1 phiên giảm giá 0,6% (phiên 8/3), còn lại đều tăng giá với biên độ từ 0,6-6,9%.
Cổ phiếu ROS cũng tạo ra kỷ lục trên sàn giao dịch chứng khoán, khi sở hữu đà tăng 35 phiên giao dịch liên tiếp.
Cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE từ ngày 1/9/2016, với giá tham chiếu 10.000 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu này đạt đỉnh với giá 176.000 đồng/cổ phiếu, gấp 17 lần giá tham chiếu và là cổ phiếu có thị giá cao thứ 4 trên sàn HOSE.
Hiện tại, ROS đang giao dịch với giá 176.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 70% kể từ giữa tháng 12/2016.
Thị giá cổ phiếu đạt đỉnh giúp FLC Faros xếp thứ 6 trong nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, với 75.465 tỷ đồng, trên cả cổ phiếu của Vietinbank (66.649 tỷ đồng); BIDV (56.067 tỷ đồng) hay Tập đoàn Masan (49.572 tỷ đồng).
ROS cũng đóng góp vào khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết tới 50.962 tỷ đồng, chiếm 98,5% tổng tài sản trên sàn chứng khoán của đại gia này.
Chu kỳ tăng giá của cổ phiếu ROS từ phiên giao dịch ngày 14/12/2016 đến nay. Đồ họa: Quang Thắng. |
Điều đáng chú ý của lượng giao dịch cổ phiếu ROS trong chu kỳ tăng giá “kỳ lạ” vừa qua là trong tất cả phiên đều ghi nhận khối lượng mua vào cao gấp nhiều lần lượng bán ra.
Trong khi những phiên giao dịch trước ngày 13/12/2016, ghi nhận khối lượng mua - bán trong ngày không quá chênh lệch, thì từ phiên 14/12/2016, trung bình mỗi phiên khối lượng mua vào đều lớn hơn 3-4 lần lượng bán ra.
Khối lượng mua vào ROS mỗi phiên đều trên 6 triệu cổ phiếu. Thậm chí, 10 phiên gần đây nhất, khối lượng mua vào mỗi phiên đều trên 10 triệu cổ phiếu. Tổng 10 phiên giao dịch này đã có hơn 126,22 triệu cổ phiếu ROS khớp lệnh mua, trong khi số khớp lệnh bán chỉ là 47,86 triệu đơn vị.
Hiện tại, tổng số lượng cổ phiếu ROS đang lưu hành là 430 triệu đơn vị, trong đó riêng ông Trịnh Văn Quyết đã nắm 289,55 triệu cổ phiếu. Vợ ông là bà Lê Thị Ngọc Diệp nắm giữ 20,2 triệu cổ phiếu. Tổng cộng vợ chồng ông Quyết đang nắm tới 72,04% lượng cổ phiếu lưu hành của ROS, chưa kể tới các công ty liên quan.
Dù khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết trước đó đã đạt trên 1 tỷ đôla, nhưng theo cập nhật của tạp chí Forbes đến ngày 5/1, Việt Nam vẫn chỉ có duy nhất 1 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.