Đại gia Trầm Bê và những tin đồn tài sản
Trước thời điểm 2005, rất ít người Việt biết đến tên tuổi của vị đại gia Nam bộ, ông Trầm Bê. Độ giàu có của gia đình họ Trầm chỉ được biết đến khi con trai cả của ông này là Trầm Trọng Ngân bị bắt cóc đòi tiền chuộc. Số tiền chuộc được công bố lên tới 10 triệu USD, tương đương 160 tỷ đồng, một con số kỷ lục vào thời điểm đó. Từ đây, câu hỏi về gia tài khủng của gia đình ông Trầm Bê mới được hé mở.
Cuối năm 2012, một tin đồn khác về tài sản gia đình ông Trầm Bê lại khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Đó là vụ trộm sừng tê giác tại tư dinh của đại gia này ở Trà Vinh, với giá trị đồn đoán lên tới 4 tỷ đồng, kèm theo nghi vấn về tính hợp pháp của chiếc sừng này. Dù gia chủ khẳng định không biết chính xác cân nặng của chiếc sừng cũng như giá trị của nó, và cho biết đây là tặng phẩm của một người bạn, vụ việc vẫn khiến cho nghi vấn về khối tài sản thực của ông chủ họ Trầm lớn thêm.
Giống như nhiều đại gia Việt bí ẩn khác, ông Trầm Bê dính rất nhiều tin đồn về khối tài sản khủng. |
Cổ phiếu và những ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng
Được đồn đoán là một trong những tỷ phú đôla ở Việt Nam, dấu ấn lớn nhất của ông Trầm Bê là những ảnh hưởng trong hệ thống ngân hàng Việt. Những ảnh hưởng này đến từ lượng cổ phiếu lớn tại ngân hàng Sacombank và ngân hàng Phương Nam do ông và gia đình đang nắm giữ. Tuy không phải là người giữ chiếc ghế cao nhất của cả 2 ngân hàng, nhưng ông Trầm Bê đã không ít lần thể hiện vị thế của mình trong các tổ chức tài chính này, vào những giai đoạn khó khăn nhất.
Năm 2008, trong vụ cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng Phương Nam - Lê Anh Kiệt bị bắt giam, người đứng ra phát ngôn về mức độ ảnh hưởng của sự việc chính là ông chủ Trầm Bê - Ủy viên thường trực HĐQT. Vào thời điểm đó, số lượng cổ phiếu mà gia đình đại gia này sở hữu chưa được công khai, nhưng người ta đã đồn đoán về vị trí quyền lực của ông tại ngân hàng. Đến nay, con số sở hữu đã được công bố, là gần 21%, vượt cả quy định trong Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010.
Trong sự kiện bầu Kiên, tên của ông Trầm Bê cũng được nhắc đến với những tin đồn bắt giam, bị điều tra. Vốn là nhân vật rất ít khi xuất hiện trên báo giới, vị Phó chủ tịch Sacombank khi đó lại có mặt trong một lễ ký kết nhỏ của ngân hàng này, để lên tiếng khẳng định tin đồn chỉ là thất thiệt. Khi đó, gia đình vị này sở hữu 6,8% vốn của Sacombank, với giá trị thị trường hiện lên tới 1.800 tỷ đồng.
Và chủ tịch của hàng loạt công ty đa nghề
Có ảnh hưởng lớn trong giới ngân hàng và làm giàu với bất động sản, nhưng thực tế khi khởi nghiệp, ông Trầm Bê lại chọn lâm sản. Sinh năm 1959, là người Việt gốc Hoa, lớn lên là anh cả trong một gia đình nghèo có 4 anh em tại Trà Vinh, ông Trầm Bê gặt hái thành công đầu tiên từ công ty Chế biến lâm sản Đông Anh.Sau 10 năm gắn bó với ngành kinh doanh gỗ, vị này bắt tay vào đầu tư ngành địa ốc bằng việc góp 13% vốn vào công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), với chức vụ thành viên HĐQT (1999). Vào thị trường đúng thời điểm bùng nổ, với 10 năm kinh nghiệm, công ty của ông Trầm Bê vượt qua được những thời kỳ đen tối nhất, đạt mức tăng trưởng tới 36% trong năm tài chính 2009-2010, dù giới buôn bất động sản khi đó "sống ít chết nhiều".
Ngoài bất động sản, doanh nhân 55 tuổi này còn sở hữu một trong những bệnh viên đa khoa có quy mô lớn nhất cả nước (bệnh viện Triều An) và công ty chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn. Với Sơn Sơn, ông Trầm Bê đã từng tạo nên thế độc quyền trên thị trường nhờ công nghệ chiếu xạ thanh long trong suốt thời gian từ năm 2002-2009. Sau này, ông còn giữ cổ phần chi phối tại công ty Xây dựng Hàm Giang, đơn vị từng bỏ ra tới 60 triệu USD để mua lại khu trung tâm thương mại châu Á lớn nhất tại Mỹ, là Cupertino Square (San Jose, California).