Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khối ngoại mua ròng mạnh trở lại

Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 2.500 tỷ đồng sau 4 tuần bán ròng liên tiếp, là một trong các động lực quan trọng đẩy chỉ số đi lên trong tuần vừa qua.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần 21-25/3 đã có sự hồi phục đáng kể. Nhóm cổ phiếu bluechip ở ngành bất động sản và bán lẻ đã kéo các chỉ số đi lên mạnh.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 29,4 điểm (2%) lên mức 1.498,5 điểm. Trong khi đó HNX-Index cũng tăng 10,54 điểm (2,34%) lên 461,75 điểm và UPCoM-Index tăng 0,96 điểm (0,83%) lên 117 điểm.

Một trong những động lực giúp thị trường đi lên có sự đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài. Sau 4 tuần bán ròng liên tiếp thì khối này đã quay đầu mua cổ phiếu Việt Nam trong tuần vừa qua.

Cụ thể nhóm nước ngoài mua vào 202 triệu cổ phiếu trị giá 10.459 tỷ đồng và đồng thời bán ra 159 triệu cổ phiếu có giá trị 7.988 tỷ đồng. Theo đó dòng vốn này mua ròng gần 2.472 tỷ đồng.

Chi tiết khối ngoại duy trì mua ròng 2.053 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và 419 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận, qua đó nới rộng thêm đà mua ròng của tuần.

Mã chứng khoán Mua ròng (tỷ đồng) Mã chứng khoán Bán ròng (tỷ đồng)
DGC 1.001 VNM -274
STB 319 NVL -224
GEX 264 VND -145
MSN 231 VCI -138
FUEVFVND 196 DXG -134
GAS 177 DCM -91
DPM 169 FUESSVFL -53
VRE 147 CTG -41
VHM 143 E1VFVN30 -32
KBC131HPX-29

Khối ngoại chủ yếu giao dịch trên sàn niêm yết HoSE. Dòng tiền này mua ròng trở lại trong 3 phiên đầu tuần với giá trị cao, sau đó là hai phiên bán ròng nhẹ cuối tuần, tổng giá trị mua ròng đạt 2.498 tỷ đồng tại sàn niêm yết lớn nhất cả nước.

Tâm điểm giao dịch trong tuần qua phải kể đến mã DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang khi được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn nghìn tỷ đồng.

Lực mua khủng của khối ngoại cũng giúp DGC trở thành mã có đóng góp rất tích cực cho chỉ số. Thị giá DGC tăng 19% trong tuần lên 225.000 đồng.

Tiếp đến khối ngoại cũng tập trung mua ròng 319 tỷ đồng tại Sacombank (STB), gần 264 tỷ đồng tại Gelex (GEX) và 231 tỷ đồng tại Masan Group (MSN).

Ở chiều ngược lại, mã VNM của Vinamilk tiếp tục là tâm điểm bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị hơn 274 tỷ đồng trong tuần qua.

Song song với việc bị rút ròng thì thị giá VNM cũng liên tục dò đáy. Chốt phiên cuối tuần VNM lui về 75.200 đồng, giảm thêm 1% trong tuần và mất gần 20% trong một năm gần nhất.

Mã bất động sản NVL của Novaland cũng bị bán mạnh 224 tỷ đồng trong tuần. Tiếp đến là các cổ phiếu VND của VNDirect bị xả 145 tỷ và VCI của Chứng khoán Bản Việt bị bán gần 138 tỷ đồng.

Trong khi đó khối ngoại các sàn chứng khoán tại Hà Nội thường giao dịch khá hạn chế. Họ có một tuần bán ròng 34 tỷ đồng tại sàn HNX và mua ròng nhẹ 8 tỷ đồng trên UPCoM.

Riêng sàn HNX ghi nhận lực mua chủ yếu ở mã chứng khoán HUT của Tasco với giá trị hơn 15 tỷ đồng. Ngược lại các mã PVS và PLC bị xả nhiều nhất với giá trị lần lượt là 16 tỷ và 13 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại gom nhiều nhất mã QNS của Đường Quảng Ngãi với giá trị hơn 11 tỷ đồng. Ngược lại VTP của Viettel Post bị bán ròng nhiều nhất gần 9 tỷ đồng.

Nguyên nhân vốn hóa Vinamilk sụt giảm

Các chuyên gia chứng khoán cho rằng thiếu động lực tăng trưởng, biên lợi nhuận sụt giảm và chưa có thông tin thoái vốn khiến triển vọng ngắn hạn của Vinamilk kém khả quan.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm