Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu không cần đủ tiền trên tài khoản. Ảnh: Nam Khánh. |
Thông tư 68/2024 đã chính thức được Bộ Tài chính ban hành trong đó có quy định cho phép các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ không cần đủ tiền trên tài khoản khi đặt lệnh giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Theo thông tư, quy định trên sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 2/11.
Hút vốn ngoại, tăng thanh khoản
Theo quy định trước đây, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không được mua chứng khoán trừ khi có đủ tiền trong tài khoản trước khi lệnh mua được gửi đi.
Việc này dẫn đến hạn chế trong việc cơ cấu danh mục đầu tư do khách hàng tổ chức nước ngoài phải đợi tiền về từ các giao dịch bán chứng khoán trước đó để thực hiện các giao dịch mua tiếp theo.
Theo quy định của Việt Nam, tiền từ việc bán cổ phiếu chỉ được thanh toán và có thể tái đầu tư vào sáng ngày T+2 (tức ngày thứ 2 kể từ ngày lệnh khớp bán).
Với quy định mới về việc không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có đủ tiền trên tài khoản mới được đặt lệnh mua chứng khoán, ông Vũ Mạnh Hùng, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, cho rằng quy định sẽ tạo bước đệm, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025.
Cùng với đó là khả năng thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, quy định mới cũng kỳ vọng thu hút thêm dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam từ đó cải thiện thanh khoản toàn thị trường.
Trước đó, quy định phải có đủ tiền trên tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch là một trong những nút thắt chính ngăn cản thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Thông tư 68/2024 dự kiến giúp Việt Nam đáp ứng các điều kiện cốt yếu để nâng hạng.
“Chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE và MSCI xếp hạng là thị trường mới nổi lần lượt vào năm 2025 và 2026”, chuyên gia của VNDirect chia sẻ.
Nếu kịch bản trên diễn ra, các quỹ đầu tư mô phỏng các chỉ số này sẽ phân bổ vốn vào thị trường Việt Nam. Mức đầu tư sẽ phụ thuộc vào chiến lược phân bổ của từng quỹ. Các cổ phiếu dự kiến được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là những cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số FTSE và MSCI.
Lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt theo nhận định của chuyên gia tại VNDirect. Ảnh: VND. |
Tuy nhiên ngoài lợi ích kể trên, các chuyên gia cho rằng rủi ro cho hệ thống cũng sẽ tăng lên với quy định mới. Trong đó, các công ty chứng khoán có khả năng chịu rủi ro thanh toán lớn nhất.
Bởi việc nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không thanh toán đúng hạn có thể buộc các công ty chứng khoán phải bán cổ phiếu thế chấp, tạo ra áp lực bán đáng kể làm tăng biến động giá cổ phiếu và tác động đến sự ổn định của thị trường.
Các công ty chứng khoán cũng sẽ phải đối diện với rủi ro thanh toán do các quỹ tổ chức nước ngoài thanh toán trễ sau ngày T+2.
Do đó, chuyên gia cho rằng các công ty chứng khoán cần tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến khách hàng, tỷ lệ ký quỹ, điều kiện thị trường và tỷ lệ cho vay phù hợp.
“Rủi ro này thấp khi xét đến uy tín của các tổ chức nước ngoài và mục tiêu lâu dài là duy trì đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp lực cạnh tranh có thể làm tăng những rủi ro này theo thời gian là không thể phủ nhận”, ông Hùng nhận định.
Tăng cạnh tranh giữa các nhà môi giới chứng khoán
Theo các chuyên gia, khi thông tư mới đi vào hiệu lực, để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các công ty chứng khoán sẽ phải lao vào cuộc đua cạnh tranh phí giao dịch, tỷ lệ cấp vốn trước (vốn tự có/tổng giá trị mua); tổng giá trị vốn được ứng trước; và chất lượng dịch vụ (thông tin và báo cáo).
Đối với phí giao dịch, ông Hùng nhận định dù các công ty chứng khoán có thể cung cấp vốn cho các khách hàng tổ chức nước ngoài, nhưng các khách hàng này vẫn sẽ bị tính phí giao dịch.
Để thu hút các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các công ty chứng khoán sẽ lao vào cuộc đua cạnh tranh liên quan đến phí giao dịch, tỷ lệ cấp vốn trước, tổng giá trị vốn được ứng trước và chất lượng dịch vụ
Công ty Chứng khoán VNDirect
Đối với tỷ lệ cấp vốn trước, khả năng cung cấp tỷ lệ cấp vốn trước thấp hơn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh.
Yếu tố tổng giá trị vốn được ứng trước sẽ phụ thuộc vào vốn chủ sở hữu của công ty vì các công ty chứng khoán có cơ cấu vốn chủ sở hữu lớn hơn sẽ mang lại lợi thế rõ rệt.
“Yếu tố tổng giá trị vốn được ứng trước sẽ làm tăng áp lực buộc các công ty chứng khoán phải tăng vốn chủ sở hữu, do quy định giới hạn tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là không quá 5 lần.
Tóm lại, các công ty chứng khoán quy mô lớn với phí giao dịch thấp và tỷ lệ cấp vốn trước cạnh tranh sẽ được hưởng lợi khi thu hút nhà đầu tư tổ chức nước ngoài”, chuyên gia VNDirect đánh giá thêm.
Cùng với đó, các công ty chứng khoán cũng được dự báo hưởng lợi khi phục vụ nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn, đồng thời gia tăng được thu nhập từ mảng môi giới khi thanh khoản gia tăng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.