Thị trường chứng khoán vừa có phiên tăng điểm mạnh "giải tỏa" tâm lý sau chuỗi lao dốc khốc liệt, diễn biến tích cực trở lại sau khi có lực đỡ quan trọng của khối ngoại với chuỗi mua ròng liên tục cùng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch 16/11, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng hơn 650 tỷ đồng trên sàn HoSE, đã là phiên mua ròng thứ 8 liên tiếp. Khối ngoại trên các sàn HNX, UPCoM cũng nối dài chuỗi gom cổ phiếu giá rẻ.
Đảo chiều mua ròng
Chuỗi mua ròng mạnh của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán tháo quyết liệt, VN-Index có thời điểm lùi về dưới vùng 900 điểm trước áp lực giải chấp dâng cao.
Định giá chứng khoán Việt Nam rẻ đi nhanh chóng sau giai đoạn lao dốc. Nguồn: SSI. |
Đà giảm liên tục với mức độ khốc liệt đã đưa định giá nhiều cổ phiếu về mức rất thấp, bao gồm cả cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành với chất lượng tài sản tốt, trả cổ tức ổn định... do hiện tượng bán chéo.
Theo nhận định của Chứng khoán MB, dòng tiền ngoại đã duy trì mua ròng suốt 2 tuần vừa qua và việc nhiều cổ phiếu giảm 70% trở lên từ đầu năm đang hấp dẫn dòng vốn dài hạn này.
Thống kê kể từ đầu tháng 11 đến nay, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng đột biến khoảng 7.500 tỷ đồng trên toàn thị trường. Điều này đánh dấu sự đảo chiều trong xu hướng bởi trước đó dòng vốn này vẫn liên tiếp bán ròng khối lượng lớn trong tháng 9 và tháng 10.
Nhờ xu hướng đảo ngược trong hơn nửa tháng qua, giá trị giao dịch ròng luỹ kế từ đầu năm của khối ngoại đã chuyển trạng thái sang mua ròng gần 6.500 tỷ đồng, dù lũy kế 10 tháng trước đó vẫn bán ròng.
Các chuyên gia chứng khoán dòng vốn từ khối ngoại là lực đỡ quan trọng cho chỉ số trong bối cảnh thị trường thiếu niềm tin. Trong đó, phần nhiều nguồn vốn này đến từ các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) ngoại.
Nổi bật nhất là Fubon ETF khi mua ròng khoảng 2.500 tỷ đồng trong vòng nửa đầu tháng và tập trung vào các cổ phiếu trụ. Ngoài ra còn có dòng tiền quan trọng từ Diamond ETF, VN30 ETF hay các quỹ mới cũng hút ròng giá trị lớn.
Cổ phiếu rẻ đón tiền ngoại
Nhiều mã chứng khoán đã đón nhận dòng tiền ngoại mua vào rất tích cực kể từ đầu tháng 11. Nổi bật nhất là KDH của Nhà Khang Điền được hỗ trợ tích cực, dù nhiều mã bất động sản vẫn bị bán tháo.
Nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý mới đây thông báo mua thêm 19 triệu cổ phiếu KDH trong ngày 11/11. Giao dịch giúp nhóm quỹ ngoại trở thành cổ đông lớn khi nắm giữ tổng cộng 54,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,64% vốn.
Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng tại nhiều mã chứng khoán giảm sâu. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong khi đó VOF Investment Limited thuộc VinaCapital quản lý cũng mua mới 10 triệu cổ phiếu KDH để sở hữu 1,41% cổ phần trong đầu tháng 11.
Động thái của loạt quỹ ngoại trên diễn ra trong bối cảnh mã KDH đang giao dịch tại vùng đáy 2 năm quanh 20.000 đồng. Điều đó giúp KDH đứng đầu trong danh sách được mua ròng với giá trị hơn 660 tỷ đồng.
Một mã bất động sản khác là VHM của Vinhomes cũng được hỗ trợ mạnh mẽ từ dòng vốn nước ngoài với giá trị hơn 650 tỷ đồng, khi thị giá đang giảm phân nửa về vùng đáy giá 32 tháng.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng tranh thủ gom nhiều cổ phiếu trong ngành tài chính khi giá cổ phiếu cũng trở nên rẻ hơn như STB của Sacombank (544 tỷ đồng), SSI (466 tỷ) hay VND của VNDirect (348 tỷ), CTG của VietinBank (296 tỷ)...
Hàng loạt mã chứng khoán được chú ý khác như cổ phiếu dầu khí PVS, hóa chất DGC, ngành sữa VNM, bán lẻ MSN, điện POW... cũng được mua ròng khoảng 200-400 tỷ đồng tại mỗi mã.
Ở chiều ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị bán ròng mạnh nhất tại mã ngành thép HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị rút hơn 430 tỷ đồng. Đà bán chủ yếu diễn ra thời điểm đầu tháng và cũng đang đảo ngược dần trong các phiên gần đây.
Áp lực bán của khối ngoại đến ngay sau Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh thua lỗ kỷ lục và triển vọng ngành thép xấu đi nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp thép lớn đang buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Các mã cổ phiếu khác như KDC, KBC, DXG, FTS, SAB, VPB, MBB cũng đứng vị trí cao trong danh sách rút ròng của khối ngoại kể từ đầu tháng 11 đến nay, tuy nhiên giá trị bán ròng khá thấp không vượt quá 100 tỷ đồng tại mỗi mã chứng khoán.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...