Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khởi nghiệp đặc biệt của đôi bạn nhận vốn triệu đô từ thương vụ bạc tỷ

Trước khi Gcalls ra đời, Phúc và Bằng từng liên tục thất bại với nhiều dự án. Khi Bằng gác chuyện khởi nghiệp để du học thì Phúc rơi vào stress nặng và từng có ý định tự tử.

Đến với chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank, 2 nhà sáng lập của Gcalls chỉ mong muốn gọi được hơn 1 tỷ đồng, tương đương với 1% cổ phần. Sau những cái lắc đầu của hầu hết nhà đầu tư, vào phút chót, Gcalls bất ngờ nhận được vốn đầu tư lên tới 1 triệu đô (23 tỷ đồng) từ bà Thái Vân Linh. Đây là khoản cam kết đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của Shark Tank Việt Nam, dành cho một startup đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ.

Điều gì khiến Giám đốc Vận hành và Chiến lược Quỹ đầu tư VinaCapital Thái Vân Linh hào hứng với starup còn mới mẻ này?

Khởi nghiệp từ 12 triệu tiền học phí và liên tiếp thất bại

Phạm Tấn Phúc và Nguyễn Xuân Bằng (sinh năm 1990) quen nhau từ năm nhất Đại học Bách Khoa TP.HCM, khi tham gia chương trình sinh viên nghiên cứu khoa học của trường. Tính cách trái ngược nhưng đôi bạn nhanh chóng kết thân bởi niềm đam mê nghiên cứu.

Phúc có khát khao khởi nghiệp từ những năm học cấp 3. Anh chia sẻ mục đích vào đại học là tìm cộng sự để đi cùng mình trong hành trình khởi nghiệp sau này.

Từ năm 2010, khi là sinh viên năm 2, Phúc đã làm việc tại 1 tập đoàn đa quốc gia với mức lương nghìn đô. Nhưng khát khao khởi nghiệp thôi thúc, Phúc nghỉ việc, ấp ủ tạo dựng doanh nghiệp công nghệ riêng.

Tìm được 5 cộng sự, trong đó có Bằng, năm 2011, nhóm Phúc nộp đơn xin ĐH Bách Khoa gia hạn đóng học phí, giành số tiền 12 triệu (tiền học phí của cả nhóm) làm vốn khởi nghiệp.

Starup nhan trieu do dau tien cua Shark Tank anh 1
Chỉ mong gọi 1 tỷ đồng tại Shark Tank, Phúc và Bằng bất ngờ khi vào phút chót đã nhận được vốn đầu tư lên tới 1 triệu đô (23 tỷ đồng) từ bà Thái Văn Linh.

Dự án đầu tiên “Click Now” của nhóm ra đời với ý tưởng từ game, để mọi người nuôi thú ảo và đến sử dụng dịch vụ tại các điểm ăn uống, một hình thức quảng bá mới trong marketing. Vì thiếu định hướng và không tìm ra người dẫn dắt nhóm, dự án tạm dừng sau 12 tháng.

Bước khởi đầu thiếu suôn sẻ vẫn không khiến các chàng sinh viên này nhụt chí. Năm 2012, khi trả xong học phí và các khoản nợ môn, Phúc tiếp tục cùng 2 người bạn khởi động startup khác là HR Key, với nền tảng kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng không hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực nhân sự, dự án cũng khép lại sau 8 tháng khởi động.

Lần thất bại này khiến cả nhóm nản. Bằng tạm từ bỏ con đường khởi nghiệp, sang Đức du học và làm việc cho 2 tập đoàn của Đức và Hoa Kỳ. Trong khi đó, Phúc lâm vào stress nặng và đã từng có ý định tự tử.

Đúng lúc đó, World Bank tổ chức một cuộc thi cho các dự án khởi nghiệp tại Hàn Quốc. Vào phút chót, Phúc quyết định sang Hàn Quốc tham dự cuộc thi. Với dự án “Bản đồ chống hàng giả”, Phúc được World Bank đầu tư 3.000 USD. Nhưng rồi dự án lại dang dở sau 6 tháng, vì kinh phí không đủ cho một ứng dụng tầm cỡ quốc gia.

Gửi 15 email mỗi ngày cho các nhà đầu tư suốt 3 tháng không có phản hồi

Cạn vốn, Phúc lập nhóm gia công phần mềm quản lý nội bộ doanh nghiệp và phần mềm cho các công ty thương mại điện tử Việt Nam ngay tại phòng trọ. Năm 2014, anh viết tâm thư cho Bằng đang du học ở Đức. Tình bạn gắn bó, cộng với niềm đam mê khởi nghiệp không dứt, Bằng từ bỏ việc học dở dang, về Việt Nam cùng Phúc khởi nghiệp lần nữa.

Nhưng mọi chuyện vẫn không dễ dàng vì thiếu vốn. Trong khi Phúc miệt mài nghiên cứu và điều hành, Bằng phải đi làm tại các công ty đa quốc gia để lấy tiền nuôi cả nhóm. Gcalls đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Phúc chia sẻ, anh mua tài khoản LinkedIn Premium, kiên trì gửi 15 email mỗi ngày trong vòng 3 tháng trời cho các nhà đầu tư nhưng không ai phản hồi. Đến 6 tháng sau, dự án được Telstra, Tập đoàn Viễn thông của Úc, chú ý và phản hồi, đầu tư gián tiếp thông qua quỹ Muru-D với số tiền 40.000 đôla Singapore.

Tháng 8/2015, Gcalls chính tức thành lập công ty ở Singapore và nhận được đầu tư 10.000 USD từ quỹ BFBZ (Singapore).

Cuối 2015, Bằng đại diện Gcalls cùng với 20 doanh nhân, nhà quản lý khác tham gia chương trình Entrepreneurship & Innovation tại Israel. Năm 2016, starup này được chọn là một trong 8 đại diện doanh nghiệp công nghệ trẻ Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh doanh nhân toàn cầu (GES2016) tại Thung lũng Silicon.

Cũng trong năm 2016, starup nhận được sự hỗ trợ từ quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF) và Khu công nghệ Phần mềm Đại học quốc gia (ITP), được một nhà đầu tư khác đầu tư 200.000 đô Singapore.

Năm 2017, nhóm mới thành lập công ty pháp nhân ở Việt Nam, ướm thử thị trường với dòng sản phẩm Gcalls Softphone. Phạm Tấn Phúc là CEO của công ty.

Gcalls có gì đặc biệt để nhận đầu tư triệu đô?

Hai nhà sáng lập chia sẻ tại chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank, vì nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực thương mại điện tử, cộng với dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp với hệ thống giao tiếp chuyên biệt còn hạn chế, đã cho ra đời ứng dụng này. Đây là sản phẩm giúp tạo lập tổng đài nghe gọi nhanh chóng chỉ với một đầu số hotline.

Starup nhan trieu do dau tien cua Shark Tank anh 2
Shanrk Tank Thái Vân Linh đã mạnh tay đầu tư 23 tỷ đồng cho ứng dụng giúp tạo lập tổng đài nghe gọi chỉ với một đầu số hotline. 

Hiện sản phẩm được phát triển với hai phiên bản, là Gcalls Solfphone và Gcalls Webphone, phù hợp với doanh nghiệp cần phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng, cần nhu cầu nghe gọi và giải đáp thông tin nhanh, như lĩnh vực bất động sản, tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, tư vấn giáo dục, kinh doanh online,…

Gcalls cung cấp ứng dụng tổng đài trên nền tảng điện thoại di động và trình duyệt máy tính. Doanh nghiệp không cần đầu tư hạ tầng, lắp đặt máy chủ hay các thiết bị vật lý nội bộ, mà chỉ vài thao tác cài đặt và tận dụng các thiết bị sẵn có.

Khách hàng khi truy cập vào website rồi bấm biểu tượng trên website, lập tức tín hiệu sẽ được truyền đến điện thoại của các tổng đài viên.

Với nút gọi này, khách kết nối nhanh với nhân viên chăm sóc khách hàng mà không cần bỏ tiền để thực hiện cuộc gọi như những tổng đài điện thoại truyền thống.

Khách hàng của ứng dụng hiện là các công ty đa quốc gia có nhiều chi nhánh ở Đông Nam Á, như: Kova, EZcloud, …Theo chia sẻ của CEO Phạm Tấn Phúc, nhóm đã huy động được 280.000 USD để bước đầu hoạt động. 70% cổ phần là của hai nhà sáng lập. 30% còn lại thuộc về các cổ đông khác, trong đó đáng chú ý nhất là Telstra.

Riêng công ty Việt Nam mới hoạt động một năm, nguồn thu đến từ các thuê bao với mức phí 157.000 đồng/thuê bao. Doanh thu 6 tháng gần nhất là 150.000 USD (tương đương 3,3 tỷ đồng).

"Mọi người coi Phúc như người cha vừa nghiêm khắc vừa có chút độc đoán nhưng luôn giữ vững lập trường của mình. Còn em được nhóm coi như một người mẹ bởi tính điềm đạm và cân bằng mọi thứ”, Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc vận hành của Gcalls.

'Shark Tank' tập 7: Shark Linh thành công với thương vụ 1 triệu USD Tập 7 "Thương vụ bạc tỷ", Shark Linh góp vốn cho công ty quản lý cuộc gọi tổng số tiền lên đến 1 triệu USD. Lần đầu tiên thương vụ triệu đô xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam.




Hà Yên

Bạn có thể quan tâm