Đây là diễn biến đáng lo ngại, vì trữ lượng khí methane đông lạnh này được coi là “gã khổng lồ chưa tỉnh giấc của vòng tuần hoàn carbon”, theo Guardian.
Theo đó, nồng độ khí methane cao đã được phát hiện ở độ sâu 350 m dưới biển Laptev gần Nga, khiến các chuyên gia lo ngại một “vòng lặp phản hồi khí hậu mới” đã bị kích hoạt, sẽ khiến hiện tượng nóng lên toàn cầu diễn ra nhanh hơn.
Cụ thể, “vòng lặp phản hồi” này có nghĩa là sự nóng lên toàn cầu làm tan chảy lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực, giải phóng khí methane, gây thêm nóng lên toàn cầu, làm tan chảy nhiều băng hơn, giải phóng nhiều khí methane hơn...
Sườn lục địa (phần mở rộng của thềm lục địa, có độ dốc lớn) ở Bắc Cực có trữ lượng methane đông lạnh lớn. Methane có tác động gây nóng lên toàn cầu mạnh gấp 80 lần so với CO2 trong vòng 20 năm. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (US Geological Survey - USGS) coi sự bất ổn đối với trữ lượng methane ở đây là một trong bốn kịch bản gây biến đổi khí hậu đột ngột.
Khí methane được phát hiện dưới lòng biển Laptev gây ra lo ngại một vòng phản hồi khí hậu mới đã bị kích hoạt. Ảnh: Markus Rex/Alfred-Wegener-Institut. |
Nhóm nghiên cứu trên tàu nghiên cứu R/V Akademik Keldysh của Nga cho biết khí methane bị thải ra tan vào nước, nhưng nồng độ methane ở trên mặt biển cao hơn gấp 4-8 lần bình thường, và đang thải vào bầu khí quyển.
“Vào lúc này, chưa có tác động lớn nào lên hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhưng điều đáng nói ở đây là quá trình này đã bị kích hoạt”, nhà khoa học Thụy Điển Örjan Gustafsson, của Đại học Stockholm, cho biết từ trên tàu nghiên cứu.
Nhiệt độ Bắc Cực đang tăng nhanh gấp đôi so với trung bình toàn cầu, câu hỏi đang được đặt ra là liệu trữ lượng khí methane đông lạnh có bị thải vào bầu khí quyển hay không, và khi nào. Đây là yếu tố bất trắc, khó xác định trong các mô hình tính toán về khí hậu.
Các nhà nghiên cứu trên tàu Electra 1, chuyến đi diễn ra trước tàu Akademik Keldysh. Ảnh: ISSS2020. |
Ở 6 điểm quan sát trên một khu vực sườn lục địa dài 150 km, rộng 10 km, nhóm nghiên cứu thấy các đám mây bọt bị thải ra từ dưới đáy.
Tại một điểm ở sườn lục địa biển Laptev, ở độ sâu 300 m, họ phát hiện nồng độ khí methane lên đến 1.600 nanomol trên một lít, tức cao hơn 400 lần so với khí quyển ở thế cân bằng.
“Việc phát hiện ra sườn lục địa thải khí methane là rất quan trọng và cho tới nay chưa được kiểm chứng”, Igor Semiletov, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết. “Có thể điều này sẽ có hậu quả nghiêm trọng lên khí hậu, nhưng chúng ta cần thêm nghiên cứu trước khi kết luận điều đó”.
Phát hiện mới này có thể sẽ là nguồn thải methane thứ ba trong khu vực này. Ông Semiletov vốn đã nghiên cứu khu vực này hai thập kỷ, và từng phát hiện khí methane bị thải ra từ thềm lục địa Bắc Cực, tức phần nông hơn so với sườn lục địa.
Năm nay, nhiệt độ ở Siberia đang cao hơn 5 độ C so với trung bình 6 tháng đầu năm - một hiện tượng bất thường. Cuối mùa đông năm ngoái, băng biển tan sớm một cách bất thường. Mùa đông năm nay, quá trình nước đóng băng vẫn chưa bắt đầu, tức muộn nhất kể từ khi dữ liệu được lưu trữ về quá trình này.