Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khối khí hình cánh bướm rực rỡ từ sao sắp chết

Bụi và khí từ các cực của một ngôi sao sắp chết phun ra không gian xung quanh, tạo thành hình cánh bướm khổng lồ và huyền ảo.

Tinh vân
Tinh vân hành tinh NGC 6302 trong ảnh do ESA công bố. Ảnh: ESA

Kính thiên văn không gian Hubble chụp ảnh tinh vân hành tinh NGC 6302, vật thể có hình dạng hệt con bướm đang dang cánh cách địa cầu khoảng 3.800 năm ánh sáng và thuộc dải Ngân Hà. Giới thiên văn gọi nó là tinh vân Con bọ hay tinh vân Cánh bướm, Daily Mail đưa tin.

"Tinh vân Cánh bướm hình thành khi một ngôi sao có khối lượng gấp khoảng 5 lần mặt trời trở thành sao khổng lồ đỏ. Trong quá trình chuyển đổi, các lớp vật chất ngoài cùng của nó thoát ra ngoài và nó trở nên rất nóng", Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) giải thích.

Những tinh vân có hình dạng giống NGC 6302 là tinh vân lưỡng cực - nơi những khối khí di chuyển nhanh có thể thoát khỏi hai cực của ngôi sao đang hấp hối một cách dễ dàng hơn so với khí xung quanh xích đạo của ngôi sao.

Mỗi màu sắc trong tinh vân giúp các nhà khoa học hiểu rõ những điều kiện vật lý bên trong nó. Rìa màu đỏ của cánh bướm là ánh sáng phát ra từ nguyên tố nitơ trong môi trường có nhiệt độ thấp. Màu trắng ở vùng trung tâm của tinh vân là ánh sáng phát ra từ nguyên tố sulphur trong không gian rất nóng. Khi những luồng khí nóng thoát ra từ ngôi sao gặp những luồng khí chậm hơn, chúng tạo ra những đợt sóng xung kích trong toàn bộ tinh vân. Những màu khác là ánh sáng phát ra từ khí heli, oxy và hydro.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm