Đề cập đến quyền riêng tư của trẻ, bên lề một hội thảo về nhân quyền ngày 9/11 ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - cho biết cùng với sự phát triển của mạng xã hội, rất nhiều cá nhân vô tình đưa hình ảnh của trẻ em, mà có thể là chính con mình lên các trang mạng xã hội, nhất là kết quả học tập của trẻ ở trường, ở lớp.
“Bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ mà bị lộ sẽ để lại những hậu quả. Chẳng hạn, cha mẹ làm lộ kết quả học tập của trẻ trên môi trường mạng, nhiều khi lại gây nên áp lực học tập cho chính các em.
Mỗi khi tổng kết học kỳ hoặc tổng kết năm học, nhiều ông bố, bà mẹ thường rất vui và tự hào khi con đạt được kết quả cao và thường 'khoe' thành tích đó lên các trang mạng, nhưng chưa chắc các con đã vui. Nó có thể trở thành áp lực đối với con em họ. Nếu không giữ được kết quả như cha mẹ từng “khoe” thì nhiều em sẽ rất buồn”, bà Nguyễn Thị Nga nói.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. |
Tình trạng phổ biến hơn là cha mẹ làm lộ hình ảnh của con em mình, vô tình đưa trẻ trở thành nạn nhân của tình trạng xâm hại trẻ em. Kẻ xấu có thể dùng hình ảnh đó để bắt nạt các em. Hay như cha mẹ để lộ địa chỉ nơi ở, địa chỉ lớp học thì đó cũng là những nguy cơ làm các em rất dễ bị xâm hại.
Trong thời gian vừa qua, bà Nga cho biết, tổng đài 111 đã tiếp nhận và xử lý một số ca liên quan đến việc trẻ em bị lộ bí mật riêng tư và bị xâm hại trên môi trường mạng. Do đó, bà Nga nhấn mạnh “chúng ta cần phải tích cực tuyên truyền về hậu quả của việc vi phạm quyền riêng tư của trẻ”.
Quyền riêng tư của trẻ bao gồm nhiều nội dung nhưng chưa hẳn người lớn đã hiểu hết. Dẫn nội dung Nghị định 56 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Đó là những thông tin như họ tên, địa chỉ nơi ở, bố mẹ và các thành viên trong gia đình, địa chỉ lớp học, hình ảnh của các em, tài sản, điện thoại, tình trạng sức khỏe, mối quan hệ bạn bè, dịch vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em mà các em đang được cung cấp...
Bà Nga khẳng định đây là những quyền rất cụ thể để chúng ta vừa tuyên truyền, vừa nâng cao nhận thức cho phụ huynh, cho xã hội và ngay chính bản thân các em.
Trẻ em chưa hẳn đã vui khi cha mẹ "khoe" thành tích của con trên mạng. |
Cũng theo quy định của Luật trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ, những nội dung thuộc đời sống riêng tư của các em, khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng phải lấy ý kiến của cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em. Riêng đối với trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên, phải được sự đồng ý của các em.
“Trong quá trình chúng ta đưa những thông tin liên quan mà phạm vào những nội dung trên tức là vi phạm quyền riêng tư và bí mật cá nhân của trẻ”, bà Nguyễn Thị Nga khẳng định.
Từ khi Luật trẻ em có hiệu lực, nhất là Nghị định 56 của Chính phủ ban hành ngày 9/5/2017, Phó Cục trưởng Cục trẻ em Nguyễn Thị Nga cho biết cùng với công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, đến nay, việc vi phạm bí mật đời sống riêng tư của trẻ đã giảm rất nhiều.
Ngoài việc nâng cao nhận thức cho cha mẹ thì ngay các em cũng cần được biết quyền của mình. Hiện nay, nhiều trường đưa vào nội dung ngoại khóa để hướng dẫn các em, khi tham gia vào môi trường mạng thì cần bảo vệ những thông tin cá nhân như thế nào. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội cũng triển khai nhiều chiến dịch để bảo vệ trẻ em được tốt hơn.