Ghi nhận của Zing.vn tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức) - một trong những vùng trồng rau lớn nhất Hà Nội - cho thấy nguồn cung rau năm nay khá dồi dào do thời tiết thuận lợi.
Giá rau củ phổ biến dưới 10.000 đồng
Ông Nguyễn Đức Tịnh, một nông dân trồng rau lâu năm, cho biết vụ đông năm nay thời tiết ấm áp, hầu hết loại rau sinh trưởng nhanh và đạt sản lượng lớn.
Theo kinh nghiệm của ông, mọi năm khi có các đợt rét đậm, rét hại hoặc sương muối, rau màu gần như không sinh trưởng được, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Thậm chí, có những đợt rét đậm làm cho rau chết hàng loạt, nguồn cung rất khan hiếm. Do vậy, giá rau các năm trước thường ở mức cao.
Mùa đông ấm khiến năng suất vườn bắp cải nhà chị Phương cao hơn hẳn các năm trước. Ảnh: Hiếu Công. |
Còn năm nay, các loại rau màu như cà chua, bắp cải, su hào, súp lơ, đậu Hà Lan… không những đạt năng suất cao mà còn sinh trưởng nhanh, rút ngắn chu kỳ. Do đó, giá bán ra thị trường cũng ở mức vừa phải.
Ông Tịnh cho hay giá bán loại quả này năm nay chỉ khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Các năm trước đạt 9.000 - 15.000 đồng/kg. Vì giá thấp, vườn cà chín đỏ mà ông cũng chưa muốn ra thu hoạch.
“Mọi năm, giá cà chua cao, cứ quả nào già là tôi cắt để giấm bán cho nhanh, nhưng năm nay tôi để tự chín mà còn bán rất chậm”, ông Tịnh cho biết thêm.
Ngoài cà chua và bắp cải, nhiều loại rau khác cũng bị rớt giá nhiều so với mọi năm. Su hào chỉ khoảng 800 - 1.000 đồng/củ (các năm trước từ 3.000 đến 5.000 đồng), súp lơ khoảng 4.000 - 6.000 đồng/cây.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn vừa - Hạn dài (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) cho biết Hà Nội đang trải qua mùa đông khác thường.
Nhiệt độ ghi nhận tại các trạm khí tượng dao động 18,5-22,4 độ C. Mức trung bình tháng 12/2016 đang cao nhất cùng kỳ 10 năm qua.
Nông dân khóc ròng lo mất Tết
Năng suất rau màu tăng cao nhưng lại là nỗi lo của chính những nông dân.
Theo chị Trịnh Thị Phương, người trồng bắp cải tại xã Song Phương, giá bắp cải năm nay rớt thảm ảnh hưởng đến nguồn thu của gia đình chị. Các năm trước, giá rau dao động 7.000 - 8.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg.
Vườn cà chua nhà ông Tịnh chín rụng đầy gốc nhưng không được thu hoạch. Ảnh: Hiếu Công. |
Giá bán rau màu xuống thấp trong khi công chăm bón lại cao hơn mọi năm. Chị Phương cho biết do mùa đông năm nay ấm nên sâu bệnh cũng nhiều hơn, người trồng rất tốn công chăm sóc. Chi phí vì thế cũng tăng cao hơn mọi năm.
Đa số hộ dân trồng màu đều cho rằng với nguồn cung như hiện nay thì kể cả giáp Tết, giá bán cũng không có nhiều thay đổi. Nhiều hộ dân trồng rau tại Hà Nội có khả năng “mất Tết” chỉ vì... mùa đông không lạnh.
Tuy nhiên, không phải loại rau nào cũng bị rớt giá. Một số hộ trồng đậu Hà Lan cho biết giá loại rau quả này vẫn ở mức cao với trên 40.000 đồng/kg, mức cao so với nhiều loại rau màu khác.
Trao đổi với Zing.vn, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một chuyên gia nông nghiệp lâu năm, cho rằng mùa đông năm nay ấm hơn các năm trước làm ảnh hưởng đến không chỉ các loại rau màu mà còn nhiều loại cây hoa khác như đào, quất, cam canh...
Theo ông Ngô Doãn Đảm, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, mùa đông ấm sẽ gây tác động tích cực đến loại cây ưa ấm như rau đậu các loại. Ngoài ra, thời tiết kiểu này sẽ ảnh hưởng xấu đến các loại rau ưa lạnh như rau cần, súp lơ...
Đồ chống rét, đồ sưởi ế ẩm
Mùa đông không lạnh cũng khiến cho sức mua các mặt hàng chống rét tại Hà Nội giảm hẳn.
Chị Hương Linh, chủ một cửa hàng chăn ga gối đệm tại Xuân Thuỷ, Cầu Giấy cho biết mọi năm thời tiết lạnh kéo dài cùng với những đợt mưa phùn gió bấc nên cửa hàng chị bán rất chạy. Doanh thu những tháng mùa đông khoảng 200-300 triệu đồng mỗi tháng. Còn năm nay, doanh thu tháng 12 tại cửa hàng chị chỉ bằng một nửa.
Việc tiêu thụ thiết bị sưởi chậm hơn các năm trước vì mùa đông năm nay ấm bất thường. Ảnh: K.Linh. |
Anh Hùng (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), chủ một cửa hàng buôn bán đồ gia dụng cho biết doanh thu 2 tháng 10 và 11 chưa bằng 1/2 so với cùng kỳ năm trước. Lô hàng đông anh lấy 2 tháng nay vẫn còn chất đống, chưa tiêu thụ được.
Thanh Mai, nhân viên bán hàng một hệ thống siêu thị điện máy ở Hà Nội cũng tiết lộ lượng bán các dòng sản phẩm thuộc nhóm hàng đông như máy sưởi, bình tắm, bếp điện... trên toàn hệ thống trong tháng 12 chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm trước.
"Để thu hút người mua, siêu thị cũng đã bắt đầu có các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu hoặc “giải phóng” các mặt hàng tồn từ năm ngoái", nhân viên này cho biết.