Chiều 26/8, ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế có cuộc làm việc với Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa về việc tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết của ba cháu bé trong quá trình phẫu thuật “tìm lại nụ cười” do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười phối hợp với Bệnh viện Quân y 87 thực hiện.
Cuộc làm việc diễn ra từ 16h đến hơn 18 , sau đó đoàn công tác của Bộ Y tế đến kiểm tra tại Bệnh viện Quân y 87 và thăm gia đình ba cháu bé tử vong.
Khẩn trương xác định nguyên nhân
Tại cuộc làm việc, bác sĩ Lê Tấn Phùng - trưởng phòng nghiệp vụ y, đại diện Sở Y tế Khánh Hòa - báo cáo ngày 26/8 sở đã thành lập hội đồng chuyên môn gồm 10 người và trong những ngày tới sẽ họp khẩn trương để sớm xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến tai biến và gây tử vong cho ba cháu Nguyễn Ngọc Tuyết Vân, Pi Năng Tuấn Hữu và Nguyễn Quang Minh.
Đại tá - bác sĩ Nguyễn Bá Hành, giám đốc Bệnh viện Quân y 87, trình bày ngay sau khi xảy ra sự cố cho ba cháu bé, cùng với việc dừng ngay đợt phẫu thuật, bệnh viện niêm phong tất cả những gì nghi ngờ dẫn đến xảy ra tai biến gồm thuốc men, dụng cụ y khoa, sinh phẩm, dịch truyền...
“Chúng tôi họp, xác định sơ bộ nguyên nhân tai biến xảy ra ở khâu gây mê và nghi do thuốc, còn thuốc gì chưa xác định được” - ông Hành nói.
Tỏ ra quan tâm về các loại thuốc được sử dụng cho cuộc phẫu thuật, cục trưởng Lương Ngọc Khuê hỏi ông Phạm Văn Ái - chủ tịch Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật Nụ Cười (OSCA): “Các loại thuốc được sử dụng, trung tâm có biên bản bàn giao, hợp đồng gì với bệnh viện không? Quá trình phẫu thuật đã dùng loại thuốc gì?”.
Trả lời, ông Ái cho biết: “Các khâu dự trù, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật đều có kế hoạch, còn việc bàn giao thuốc thì bác sĩ Thắng phụ trách phòng mổ của Bệnh viện 87 sẽ nói rõ hơn”.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, bác sĩ Thắng không có ý kiến gì. Ông Khuê yêu cầu OSCA có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế Khánh Hòa để thu hồi danh mục thuốc và các loại hợp đồng, xuất xứ nguồn gốc của thuốc liên quan đến cuộc phẫu thuật.
Trong phần kết luận cuộc làm việc, ông Khuê yêu cầu: “Tôi theo dõi 30 năm qua, đây là lần đầu tiên ngành y tế VN có đến ba ca tai biến một lúc trong quá trình gây mê, phẫu thuật. Chúng tôi rất ray rứt. Do vậy, đề nghị Sở Y tế Khánh Hòa làm hết chức năng, cùng với các đơn vị chuyên môn xác định nguyên nhân vụ việc, giải quyết câu hỏi mà người dân, gia đình người bệnh và chính những thầy thuốc chúng ta đang cần câu trả lời”.
Ông Khuê chỉ đạo cụ thể hơn: “Nguyên nhân tử vong, theo ý kiến của các chuyên gia và nhà chuyên môn, là nghĩ nhiều đến khâu gây mê. Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Khánh Hòa cần tập trung vào đó, xem xét do thuốc hay kỹ thuật hoặc cũng không loại trừ việc khám sàng lọc chưa kỹ dẫn đến có trẻ bị dị tật khác, nhất là tim mạch, mà không được phát hiện".
Ông Lương Ngọc Khuê (bìa phải) - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế - trao đổi với lãnh đạo Cục Hậu cần Quân chủng hải quân và lãnh đạo Bệnh viện Quân y 87 về việc hợp tác để tìm ra nguyên nhân tai biến làm ba trẻ tử vong. |
"Bộ Y tế chỉ đạo bệnh viện đầu ngành sẵn sàng hợp tác và chỉ đạo chuyên môn cho Sở Y tế. Mọi việc phải thực hiện đúng theo quy trình, quy định, khách quan. Nếu không thỏa đáng thì Bộ Y tế đứng ra thành lập hội đồng” - Ông Khuê yêu cầu.
Kiểm tra kỹ hồ sơ của OSCA
Trong báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, bác sĩ Lê Tấn Phùng cho hay có một bác sĩ có mặt trong đoàn phẫu thuật “Tìm lại nụ cười” của OSCA nhưng không có tên trong danh sách và không có hồ sơ chuyên môn.
Ông Phùng cũng cho biết: “Ngày 26/8, sở nhận được báo cáo của OSCA. Báo cáo này chưa đạt yêu cầu vì không có các nội dung nêu rõ quy trình gây mê, quy trình phẫu thuật, danh sách bệnh nhân và ai là người mổ”.
Tìm hiểu về OSCA, ông Khuê đề nghị ông Phạm Văn Ái cho biết quá trình hình thành của trung tâm.
Ông Ái giải trình: “Đây là một tổ chức khoa học công nghệ, được thành lập năm 2007 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ban đầu có vốn đầu tư của một bác sĩ nước ngoài. Sau này, khi trung tâm hoạt động hoàn toàn bằng vốn trong nước, chúng tôi được hướng dẫn về xin phép là tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo thuộc Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội".
"OSCA có trụ sở đặt ngay nhà tôi (số 257B3 Giải Phóng, Hà Nội). Chúng tôi đi khám ở đâu cũng làm hợp đồng trách nhiệm với sở y tế ở địa phương”, Ông Ái cho biết thêm.
Ông Lương Ngọc Khuê nói: “Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra toàn bộ hồ sơ của OSCA, xem tư cách pháp nhân của họ thế nào, giấy phép và phạm vi hoạt động ra sao, tại sao Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội lại cấp phép... Phải xem xét kỹ cả về hành chính lẫn chuyên môn của trung tâm”.
OSCA không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh
Hôm qua, hai ngày sau tai biến liên quan đến ba trẻ em được phẫu thuật “Tìm lại nụ cười” tại Khánh Hòa, phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Đặng Thị Hòa và phó trưởng phòng quản lý hành nghề (Sở Y tế Hà Nội) Tô Tử Anh đã đến thanh tra tại trụ sở OSCA ở đường Giải Phóng, Hà Nội. Theo bà Hòa, thời điểm đoàn thanh tra xuất hiện, cơ sở đóng cửa, đoàn không hề kiểm tra được bất kỳ hồ sơ giấy tờ nào cũng như không làm việc được với bác sĩ Phạm Văn Ái, chủ tịch OSCA.
OSCA được Sở Khoa học - công nghệ Hà Nội cấp chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, phạm vi nghiên cứu bao gồm lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, y học trị liệu, phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình. Đến ngày 26-8, trung tâm chưa hề được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.
Nhờ chứng nhận được phép “hoạt động khoa học và công nghệ” mà OSCA đã đi nhiều địa phương và triển khai nhiều ca phẫu thuật nụ cười trong năm năm qua.
Theo hồ sơ, tháng 10/2013 đoàn kiểm tra của UBND P.Phương Mai, nơi OSCA tọa lạc, đã phát hiện tại trung tâm có treo biển “Thẩm mỹ viện Hà Nội”, trong khi cơ sở không có giấy phép hoạt động thẩm mỹ. Đoàn kiểm tra chỉ nhắc nhở và bác sĩ Phạm Văn Ái, chủ nhà, đã “cam kết” hoạt động đúng pháp luật.