Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khoảnh khắc trong trẻo, tráng lệ của Trường Sa trong sách ảnh

Cuốn sách ảnh song ngữ “Trường Sa – Nơi ta đến” của tác giả Mỹ Trà tái hiện vẻ đẹp của địa phận tổ quốc nơi đầu sóng.

Sách ảnh song ngữ Trường Sa - nơi ta đến tập hợp 150 bức ảnh của nhà báo Mỹ Trà ra mắt chiều 12/3. Ấn phẩm nằm trong tủ sách Biển đảo Việt Nam của NXB Kim Đồng.

Sach anh Truong Sa - Noi ta den anh 1
Sách ảnh Trường Sa - nơi ta đến lưu giữ vẻ đẹp Tổ quốc nơi đầu sóng, là ấn phẩm giúp tuyên truyền chủ quyền biển đảo nước ta.

Sách tập hợp 150 bức ảnh nghệ thuật của nhà báo Mỹ Trà trong hai lần đi Trường Sa của chị. Trong sách, bạn đọc tìm thấy một Trường Sa với vẻ đẹp trong trẻo, tráng lệ khi tác giả đưa tới những khung hình về một cơn giông, cầu vồng, khung trời qua ô cửa, một mầm cây đang vươn mình ra ánh sáng…

Nhưng cũng trong sách, độc giả cũng được biết tới cuộc sống đầy khắc nghiệt của lính đảo, những cảm xúc nhớ thương gửi về đất liền, sự trân trọng, tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo.

Trong chuyến đi Trường Sa lần thứ hai, tác giả Mỹ Trà đặc biệt chú trọng cuộc sống của trẻ em Trường Sa. Qua những bức hình, chị kể với bạn đọc về chuyện học hành, vui chơi, sinh hoạt đời thường của các em trên đảo.

Ông Tuấn Nghĩa - Phó GĐ NXB Kim Đồng - nói cuốn sách Trường Sa - nơi ta đến không chỉ phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi, mà dành cho đông đảo công chúng, đặc biệt với phiên bản song ngữ, tập sách có thể đến với kiều bào nước ngoài. Đây là tập sách giúp tuyên truyền về chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - người nổi tiếng với tập truyện ký Đảo Chìm - nhận xét: “Rất nhiều người đã chụp về Trường Sa, nhưng Mỹ Trà đã có lối đi riêng của mình”.

Là người yêu thích nhiếp ảnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Tôi trông những bức ảnh là biết tác giả phải chọn góc như nào mới chụp được. Ví dụ chụp nhà giàn không thể đứng ở ca nô mà chụp được, phải leo trèo mới có góc chụp đẹp. Và ở đây sóng rất lớn, chỉ cần sảy chân một cái là xác cũng không tìm thấy chứ đừng nói là những khoảnh khắc đẹp. Tác giả đã dũng cảm. Đây là bức tranh toàn cảnh về đời sống về quân và dân Trường Sa”.

PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật TW - khi đọc sách cho rằng tác giả Mỹ Trà có sự rung cảm của một phóng viên, người nghệ sĩ trước cảnh sắc Trường Sa thì mới chụp được những khoảnh khắc đẹp như vậy. Ông nói: “Bằng góc nhìn của mình, Mỹ Trà ghi lại một Trường Sa yên bình, thân thương như đất liền, nhưng thiêng liêng ở chỗ nó là một phần máu thịt của Tổ quốc giữa biển cả mênh mông”.

Sach anh Truong Sa - Noi ta den anh 2
Nhà báo Mỹ Trà - tác giả sách.

Nhà báo Mỹ Trà công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi được tới Trường Sa, chị quyết định không cầm bút nữa mà cầm máy ảnh để ghi lại cuộc sống, sinh hoạt, vẻ đẹp nơi đây. Chị nói: “Tham gia chuyến đi, tôi cảm thấy con mắt mình đang nhìn hộ bao nhiêu người chưa có dịp ra Trường Sa. Nên tôi không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để lưu lại những khoảnh khắc ở đó. Tôi hạnh phúc khi lưu giữ lại những khoảnh khắc ấy”.

Trước khi in thành sách, các bức ảnh về Trường Sa của Mỹ Trà được triển lãm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thậm chí được TP Hồ Chí Minh tái triển lãm vì ý nghĩa mà nó chuyển tải. Bộ ảnh cũng được đưa đi triển lãm lưu động tại nhiều trường học.

Sách dành cho người yêu tiếng Việt của GS Cao Xuân Hạo

"Mổ xẻ" tiếng Việt, văn Việt một cách chi li bằng ngôn ngữ giản dị, cuốn sách của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng rất cần thiết với những người yêu tiếng Việt.

Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm