Ra đời năm 2003, tới nay, chương trình Gặp nhau cuối năm - hay Táo Quân - đã tròn 19 tuổi với 18 số phát sóng vào tối Tất niên hàng năm (năm 2020 chương trình không được sản xuất). Từ “buổi chầu” đầu tiên năm 2003 tới chương trình năm 2021, cặp nghệ sĩ hài Công Lý và Xuân Bắc đã luôn đảm nhận vai diễn Bắc Đẩu và Nam Tào - cánh tay phải của Ngọc Hoàng (Quốc Khánh).
Tuy nhiên, tới Táo Quân 2022, vì nhiều lý do, hai vai diễn đã được chuyển giao cho các nghệ sĩ Duy Nam và Trung Ruồi. Trong đó, Trung Ruồi thay NSND Công Lý đảm nhận vai Bắc Đẩu còn Duy Nam hóa thân thành Nam Tào của NSƯT Xuân Bắc. Đây là thông tin khiến không ít khán giả băn khoăn. Họ nghi ngờ hai vai diễn là tấm áo quá lớn với các nghệ sĩ trẻ.
Dư luận trái chiều
Trong Táo Quân 2022, Nam Tào mới và Bắc Đẩu mới là hai cán bộ trẻ, mới được tuyển về Thiên đình sau khi Bắc Đẩu cũ nghỉ hưu còn Nam Tào cũ xin nghỉ dài ngày vì ốm bệnh. Ngọc Hoàng phải bắt tay đào tạo Nam Tào, Bắc Đẩu mới từ con số 0. Thiếu vắng hai thuộc hạ thân tín, trong buổi chầu, không ít lần ngài phải tự mình lên tiếng “dằn mặt”, chất vấn các Táo khi họ cố vòng vo, che giấu khuyết điểm.
Trẻ tuổi, lại mới nhậm chức, Tào và Đẩu mới không tránh khỏi việc bị các Táo khác bắt nạt. Dưới sự dìu dắt và “thị phạm” của Ngọc Hoàng, kết thúc buổi chầu đầu tiên trong sự nghiệp, cả hai đã bớt đi nhiều phần bỡ ngỡ. Họ chắc chắn cần thêm nhiều buổi chầu nữa để cho thấy sự trưởng thành và bộc lộ màu sắc cá nhân.
Duy Nam và Trung Ruồi gặp khó khăn khi theo kịp diễn xuất của dàn diễn viên gạo cội trong vai Ngọc Hoàng và các Táo. |
Sau khi chương trình lên sóng, trên mạng xã hội, khán giả đã để lại nhiều bình luận trái chiều về màn “chào sân” của Nam Tào và Bắc Đẩu mới. Khán giả Xuân Lê viết: “Mình thích cái không khí này, trẻ trung nhiều năng lượng hơn. Có thể vì năng lượng đó mà thấy Ngọc Hoàng cũng nồng nhiệt hơn, mạnh mẽ hơn chứ năm ngoái thi thoảng thấy chú có vẻ mệt mệt”.
Người dùng Facebook Hoàng Diệp chia sẻ: “Hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu mới chưa có tính cách độc lập. Cách phản ứng và lời thoại của họ giống như viết sẵn cho Xuân Bắc và Công Lý vậy. Các chi tiết còn lại tạo cảm giác như được ‘chữa cháy’ thêm sau này. Hy vọng tính cách của hai nhân vật sẽ tiếp tục được bồi đắp trong các năm tiếp theo”.
Bạn Mai Anh Đoàn nhận xét: “Duy Nam, Trung Ruồi diễn hay mà. Chỉ là nhân vật của họ chưa có được sự đặc sắc như Nam Tào, Bắc Đẩu cũ thôi”. “Sau bao năm điếu đóm, hai nhân vật này cũng có ngày được thăng chức”, khán giả Phong Phạm hài hước nhận xét.
Tuy nhiên, cũng có không ít khán giả để lại bình luận trên sân khấu Duy Nam và Trung Ruồi bị đuối sức so với các bậc đàn anh, đàn chị. Điển hình là nhân vật Ngọc Hoàng phải nhiều lần đỡ lời, gỡ bí cho đệ tử trước màn võ mồm tới tấp của các Táo. “Xem Táo Quân năm nay thấy các diễn viên cũ phải còng lưng ‘gánh’ hai cậu Nam Tào, Bắc Đẩu mới”, một người dùng Facebook bình luận. Họ mong sẽ gặp lại phiên bản Nam Tào và Bắc Đẩu cũ trong Táo Quân 2023.
Bắc Đẩu, Nam Tào khó thay thế
Tính đến năm 2021, Nam Tào và Bắc Đẩu là hai nhân vật duy nhất của chương trình Táo Quân chưa từng được thay thế (vai Ngọc Hoàng từng do NSND Quốc Trượng đảm nhận năm 2003 trước khi thuộc về nghệ sĩ Quốc Khánh tới ngày hôm nay). Cặp nghệ sĩ hài đã có 18 năm sống cùng hai nhân vật đặc sắc mang đến cho khán giả tiếng cười mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Gần hai thập kỷ là một khoảng thời gian không hề ngắn với đời người. Với văn hóa đại chúng, chừng ấy thời gian đã đủ biến một nhân vật trở thành biểu tượng. Xuân Bắc chính là Nam Tào còn Công Lý sinh ra để hóa thân thành “cô Đẩu”. Tương tự, khi nhắc đến từ khóa “Táo Quân”, trong đầu khán giả sẽ chỉ nhớ đến một nhóm nghệ sĩ nhất định và kiểu nhân vật mà họ thường thủ vai.
Thay đổi của Nam Tào và Bắc Đẩu do Xuân Bắc và Công Lý thủ vai trong lần xuất hiện đầu tiên năm 2003 và lần mới nhất năm 2021. |
Hai nhân vật được xây dựng với ngoại hình và tính cách hoàn toàn đối lập, nhưng có chung niềm đam mê bất tận với việc làm khó những người xung quanh. Họ không phân kịch bản người đấm kẻ xoa, mà dùng cách chất vấn, công kích tới tấp để buộc các Táo lộ sơ hở. Chính Ngọc Hoàng đôi khi cũng trở thành nạn nhân của cấp dưới quái chiêu. Chính ngài cũng từng phải bất lực thốt lên: ‘Tào và Đẩu, Táo đầu gấu hàng đầu Thiên đình”.
Theo thời gian, tạo hình và tính cách của hai nhân vật có nhiều thay đổi, nhưng vẫn xoay quanh sự đối lập giữa cương và nhu, giữa nam tính và nữ tính, giữa thô ráp và mềm mại, giữa kiên định và đồng bóng, giữa thực tế và mộng mơ… Sự cứng rắn, lạnh lùng của Nam Tào ít nhiều được bù đắp bằng tính xéo xắt, phù phiếm và đôi phần cả tin của Bắc Đẩu.
Trên sân khấu, hai nghệ sĩ mỗi người một vẻ, cùng tung hứng nhịp nhàng. Trong đó, phần công việc vất vả hơn nghiêng về nghệ sĩ Công Lý. Bắc Đẩu của anh không chỉ “nữ tính” hơn qua từng năm nhờ sự cải tiến của kỹ thuật trang điểm hay những bộ cánh hợp mắt. Sự thay đổi đến từ chính nội tại của nhân vật thông qua diễn xuất của Công Lý.
Xem Công Lý vào vai Bắc Đẩu, khán giả có thể tạm quên đi hình ảnh nam tính của anh trong các vai diễn khác. Khi đóng Bắc Đẩu, anh truyền tới khán giả cảm giác của một người mãn nguyện với diện mạo nữ giới, không quan trọng giới tính sinh học bên dưới tấm áo là gì. Nhờ sự tự nhiên này, xem Công Lý giả gái, khán giả không hề cảm thấy khó chịu mà yêu thương, quý mến.
Tấm áo quá lớn mang tên Bắc Đẩu, Nam Tào
Trong bài phỏng vấn mới thực hiện với Zing, nam diễn viên Duy Nam chia sẻ mình và Trung Ruồi hướng tới mục tiêu xây dựng một phiên bản Nam Tào và Bắc Đẩu hoàn toàn khác với những gì Xuân Bắc và Công Lý từng mang đến cho khán giả. Hai diễn viên từng bế tắc, cảm thấy bị ngợp khi cố gắng bắt chước lối diễn xuất, cách xây dựng nhân vật của những người tiền nhiệm.
Duy Nam nhắc lại những lời khuyên của nghệ sĩ Quốc Khánh: “Chú nói ‘Nam ơi Trung ơi chúng mày diễn như thế không được đâu. Nếu chúng mày cứ cố diễn theo màu của các anh ấy thì chết vì (nhân vật của các) các anh ấy là những hình tượng đã được xây dựng quá lâu rồi. Diễn bằng đã là thua rồi chứ đừng nói diễn hơn. Chúng mày không bao giờ diễn hơn được các anh, thế nên bây giờ phải tìm ra một cái màu mới’”.
Theo Duy Nam, nhân vật Nam Tào của anh sẽ không có được sự hiên ngang mà phiên bản của Xuân Bắc từng thể hiện. Vì mới vào nghề, Nam Tào này sẽ luôn có xu hướng thấp thỏm chờ đợi sự cho phép của Ngọc Hoàng trước khi làm bất cứ việc gì, ngay cả lớn tiếng với các Táo. Câu chuyện tương tự cũng xảy đến với Trung Ruồi. Anh không cố gắng bắt chước hình ảnh nữ tính cùng thói đanh đá của “cô Đẩu” Công Lý mà tìm kiếm một cách thể hiện trầm tĩnh hơn.
Bắc Đẩu của Trung Ruồi đã có một khoảnh khắc nổi khùng như bị "cô Đẩu" Công Lý nhập, nhưng tình tiết này không ăn nhập với tổng thể. |
Trên sân khấu Táo Quân 2022, Nam Tào và Bắc Đẩu của Duy Nam cùng Trung Ruồi mới chỉ dừng ở mức trọn vai chứ chưa đủ sức nặng để làm nên dấu ấn. Họ bị lu mờ trước diễn xuất của các đàn anh, đàn chị. Thay vì tạo thành một thế lực đối trọng với các Táo, Tào và Đẩu mới nhanh chóng bị cuốn theo Chí Trung, Tự Long, Quang Thắng và Vân Dung, trở thành phông nền cho họ tỏa sáng. Vấn đề không nằm ở chỗ các diễn viên chưa đủ cố gắng, mà là ánh hào quang bao quanh họ không đủ rực rỡ khi đứng bên những nghệ sĩ đã có hàng thập kỷ tuổi nghề.
Sự non yếu của Trung Ruồi và Duy Nam so với dàn diễn viên Táo Quân còn thể hiện ở việc họ chưa thể vượt ra khỏi cái bóng của chính Xuân Bắc và Công Lý dù đã chủ động lựa chọn một hướng đi khác biệt. Xem Táo Quân 2022, nếu không dựa vào trang phục, rất khó nhận ra Trung Ruồi và Duy Nam ai là Bắc Đẩu ai đóng Nam Tào. Bởi màn thể hiện của hai diễn viên chưa cho thấy màu sắc riêng so với người còn lại.
Trong khi đó, lần đầu được giới thiệu trên sân khấu năm 2003, Nam Tào và Bắc Đẩu của Xuân Bắc cùng Công Lý đã lập tức hiện lên với hai màu khác biệt. Xuân Bắc đầu đội vương miện, tay múa lụa uyển chuyển nhưng lại biểu hiện nam tính. Ngược lại, Công Lý đầu đinh, kính đen, đóng bộ vest hầm hố nhưng tay vừa đi vừa dũa móng, nói bằng chất giọng giả thanh cao vút. Tạo hình đối lập giữa diện mạo và tính cách đã khiến hai nhân vật khắc sâu vào tâm trí khán giả, là nền móng cho gần hai thập kỷ sau này.