14h, điện thoại của anh Võ Quốc Bình, Trưởng phòng Kết nối tình nguyện - Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM, đổ chuông liên tục.
Hơn 2 tuần qua, kể từ khi TP thực hiện giãn cách xã hội, mỗi ngày anh Bình đều tất bật nghe hàng trăm cuộc gọi như thế.
Nhiệm vụ của anh là liên hệ với các khu cách ly, khu phong toả và bệnh viện để tiếp nhận nhu cầu suất ăn.
Hơn 20 TNV cùng nấu những suất ăn gửi tặng lực lượng chống dịch. |
Gian bếp đặc biệt
Trung tâm Công tác Xã hội Thanh niên TP.HCM nằm ngay trên mặt đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1. Xuyên qua dãy hành lang của trụ sở là khoảng sân sau rộng chừng 80 m2.
Khoảng sân ngày thường phục vụ công tác đoàn thể, giờ đã trở thành một gian bếp đặc biệt để hơn 20 TNV nấu từ 800 đến 1000 suất ăn mỗi ngày.
Với phần kinh phí được trích từ ngân sách cơ quan, được hỗ trợ thêm từ các mạnh thường quân, anh Quốc Bình sẽ phân bổ, tính toán những suất ăn sau khi tiếp nhận nhu cầu từ các quận, huyện.
Đến hiện tại, Trung tâm đã đưa cơm đến hầu hết khu cách ly, phong toả trên địa bàn thành phố.
"Chúng tôi luân phiên gửi suất ăn đến tất cả các bác sĩ, cán bộ, TNV và cả người dân, tuỳ theo đăng ký. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 là 2 điểm cố định mà chúng tôi giao cơm hàng ngày", anh nói với Zing.
Anh Quốc Bình tất bật làm việc tại gian bếp đặc biệt. |
Mỗi suất ăn do Trung tâm chuẩn bị đều gồm món mặn, món xào và canh, bổ sung thêm phần tráng miệng là nước ngọt hoặc trái cây.
Trung bình mỗi ngày gian bếp đặc biệt của Trung tâm chế biến khoảng 100 kg thịt heo. Rau củ và trái cây thì rất nhiều, khó có thể đong đếm được.
"May mắn là có nhiều mạnh thường quân ủng hộ trái cây, rau củ nên chúng tôi không cần mua thêm. Ngay hôm qua có chị mang qua đây mấy chục trái đu đủ. Hôm trước còn có người ủng hộ xoài nữa", anh Bình vừa kể vừa chỉ tay vào những giỏ trái cây xếp đầy góc sân.
Mỗi TNV sẽ chủ động tìm phần việc phù hợp để làm. |
Công việc tình nguyện vốn không có lương thưởng, lại liên tục với cường độ cao, anh chỉ biết động viên mọi người hãy thật cố gắng để trở thành "hậu phương vững chắc" của tuyến đầu chống dịch.
"Gỡ khẩu trang ra nhìn mặt ai cũng bơ phờ, đuối lắm. Có bạn trẻ vẫn đang ngủ gục trong căn phòng nghỉ. Nhưng TNV nào cũng rất nhiệt tình, động viên nhau phải cố gắng. Tôi nghĩ hậu phương có vững thì tiền tuyến mới yên tâm chống dịch. Chúng tôi đã mệt, các bác sĩ còn mệt mỏi hơn như thế nhiều lần. Chỉ mong các phần ăn tới kịp giờ, y, bác sĩ được dùng bữa khi còn nóng", anh Bình chia sẻ.
Đặc biệt, từ ngày 12/6, Trung tâm tiếp nhận thêm nhiệm vụ chuẩn bị 2.000 suất ăn sáng cho các bác sĩ hiện phải cách ly làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
"Đây là nhiệm vụ gấp gáp, ngay từ chiều 11/6, chúng tôi đã chia nhau đi mua sắm thêm nguyên liệu, hầm sẵn nước lèo và bố trí các đầu việc. Nhiều bạn TNV thậm chí đã ở lại Trung tâm qua đêm để có thể bắt tay làm việc lúc 4-5h sáng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là phòng tuyến quan trọng, chúng tôi cũng phải chăm sóc các y, bác sĩ ở đây thật tốt", anh Bình cười khi nói.
Bạn Lê Ngọc Liêm (20 tuổi, sinh viên Đại học Nội vụ Hà Nội phân hiệu TP.HCM, bên trái) đăng ký làm TNV hỗ trợ. Chị Phạm Thị Kim Vân (40 tuổi bên phải) là nhân viên văn phòng. Trong thời gian phải nghỉ việc không lương, chị tham gia nấu ăn tại Trung tâm vào giờ hành chính. |
"Chưa bao giờ nấu nhiều suất ăn đến thế"
Gian bếp sân sau của Trung tâm có nhiều tán cây lớn, có lẽ vì thế mà anh đầu bếp Cỗ Văn Long (32 tuổi) đỡ phần nào nóng nực.
Vừa nhanh tay đảo rau củ trên chiếc chảo lớn, anh Long vừa kể mình mở một quán ăn nhỏ nhưng hiện phải đóng cửa theo quy định của UBND thành phố.
Rảnh rỗi, anh đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện tại Trung tâm với vai trò nấu ăn chính, tính toán thực đơn và mua sắm nguyên liệu.
Anh Long nhanh tay chế biến các món ăn. |
Có niềm đam mê với nấu ăn, cũng không ít lần nấu những bữa cỗ lớn, thế nhưng, việc nấu đến hàng nghìn suất ăn mỗi ngày là thử thách lớn với anh Long.
"May mắn sau vài ngày, tôi tự cân đo đong đếm được nguyên liệu nên mọi việc đã suôn sẻ hơn. Ngoài tôi, bếp còn có vài người đứng cùng, các bạn ấy nhóm lửa, sơ chế hết thực phẩm rồi, tôi chỉ việc nấu thôi. Nếu làm một mình thì tôi không kham nổi", anh cho biết.
Mỗi người một việc, các phần ăn được chuẩn bị gọn gàng, đóng hộp đúng 16h, trước khi chiếc ôtô 7 chỗ của tài xế Võ Thành Lân (31 tuổi) tới.
Anh Lân là đầu mối cuối cùng đưa những suất cơm ngon đến tận tay các bác sĩ, cán bộ và công dân tại đơn vị cách ly. Chiều nay, anh sẽ đưa 250 phần đến một khu cách ly ở huyện Nhà Bè. Nhằm đảm bảo hạn chế lây nhiễm dịch bệnh, anh chỉ chở đến địa điểm trung chuyển, sau đó chờ cán bộ phòng dịch tới nhận cơm mang về.
"Trung tâm yêu cầu hạn chế tiếp xúc tối đa với các cán bộ, nhân viên tại khu cách ly. Đến địa điểm trung chuyển, tôi ngồi yên trên ghế lái thôi, các bạn ấy sẽ tự mở cửa sau xe để nhận cơm", anh Lân chia sẻ.
Anh Lân chuẩn bị giao cơm đến các đơn vị cách ly. |
Vừa xếp các suất ăn gọn gàng lên xe, một bạn TNV nói:
"Nay không có đủ nước xoài, anh dặn mọi người thông cảm rồi mai tụi em bù nha".
"Ok mai bù cho tuyến đầu nhé hậu phương", anh Lân dí dỏm trả lời rồi vội vàng nổ máy xe, chào mọi người.
"Thông cảm giùm nha, tui chạy lẹ để các bác sĩ có cơm ăn. Mình tới muộn chút, cơm nguội, mất ngon. Nhất là mấy món xào, ăn nóng mới thấy tay nghề của đầu bếp".
Tiễn phóng viên Zing ra về, anh Quốc Bình quay lại gian bếp đặc biệt để cùng mọi người dọn dẹp, lên thực đơn cho ngày mai, phân công công việc cho các nhóm TNV.
"Dù vất vả, tôi cũng thầm cảm ơn những ngày này, vì nó cho tôi được góp một phần nhỏ công sức của mình vào hoạt động chống dịch. Mong ngày hết dịch sẽ không còn xa, mọi người được trở lại với công việc của mình. Việt Nam cố lên!", anh Bình nói.