Theo Bloomberg, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) hôm 10/4 thông báo phạt Alibaba 18 tỷ NDT, tương đương 2,75 tỷ USD vì vi phạm các quy định về chống độc quyền. Đây là mức phạt kỷ lục đối với một công ty Trung Quốc.
Trong tuyên bố hôm 10/4, SAMR cho biết công ty cũng sẽ phải "cải tổ toàn diện", từ việc bảo vệ các cửa hàng đối tác và khách hàng đến tăng cường kiểm soát nội bộ.
Số tiền phạt dành cho Alibaba cao gấp 3 lần mức gần 1 tỷ USD đối với nhà sản xuất chip Qualcomm của Mỹ hồi năm 2015. Tuy nhiên, khoản tiền chỉ chiếm 4% doanh thu nội địa của tập đoàn trong năm 2019, theo cơ quan giám sát của Trung Quốc.
Số phận của Alibaba trở nên bấp bênh sau khi Bắc Kinh bắt đầu cuộc điều tra chống độc quyền hồi cuối năm ngoái. Do đó, một số chuyên gia nhận định 2,75 tỷ USD là khoản phí quá nhỏ để xóa bỏ "bóng đen quy định" đang phủ lên tương lai của tập đoàn.
Cuộc điều tra chống độc quyền của chính quyền Bắc Kinh bắt đầu từ hồi cuối năm ngoái khiến các nhà đầu tư của Alibaba lo sợ. Ảnh: Reuters. |
Số tiền phạt giúp xóa bỏ lo ngại
Khoản tiền phạt chỉ chiếm khoảng 12% thu nhập ròng năm tài chính 2020 của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc. "Nó thậm chí còn giúp loại bỏ sự không chắc chắn đang đeo bám tập đoàn", Bloomberg nhận định.
Cuộc điều tra nhắm vào Alibaba nằm trong chiến dịch của chính quyền Bắc Kinh nhằm kiểm soát sức ảnh hưởng của các tập đoàn Internet lớn tại Trung Quốc. Tỷ phú Jack Ma - doanh nhân nổi tiếng nhất đất nước 1,4 tỷ dân - gặp hàng loạt rắc rối sau khi công khai chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc hồi tháng 10/2020.
Ngay sau bài phát biểu của ông Ma, kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Ant Group đột ngột bị hoãn.
Vài tuần sau đó, chính quyền Bắc Kinh mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Alibaba. Tỷ phú Jack Ma cũng im hơi lặng tiếng dẫn đến tin đồn ông bị bắt. Sự lo ngại chỉ giảm đi sau khi ông Ma xuất hiện hồi tháng 1. Tuy nhiên, giới doanh nhân vẫn dè chừng khi nói về ông.
Khoản tiền phạt kỷ lục dành cho Alibaba có thể xóa bỏ những lo ngại pháp lý đã đè nặng lên công ty kể từ khi cuộc điều tra chống độc quyền bắt đầu hồi cuối tháng 12
Nhà phân tích Vey-Sern Ling và Tiffany Tam của Bloomberg Intelligence
Sau khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố thắt chặt kiểm soát, giá cổ phiếu của Alibaba các đại gia công nghệ khác đồng loạt lao dốc.
"Khoản tiền phạt kỷ lục dành cho Alibaba có thể xóa bỏ những lo ngại pháp lý đã đè nặng lên công ty kể từ khi cuộc điều tra chống độc quyền bắt đầu hồi cuối tháng 12", các nhà phân tích Vey-Sern Ling và Tiffany Tam của Bloomberg Intelligence nhận định.
Theo các chuyên gia, khoản tiền phạt là cái giá quá rẻ để xóa bỏ sự không chắc chắn đó.
"Alibaba chấp nhận hình phạt một cách chân thành và sẽ đảm bảo tuân thủ", công ty cho biết trong một tuyên bố hôm 10/4. Gã khổng lồ thương mại điện tử cam kết "cải thiện hệ thống nội bộ để đảm bảo trách nhiệm đối với xã hội".
Cuộc chiến dài hơi
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các cơ quan quản lý của Trung Quốc có hành động thêm hay không. Hồi giữa tháng 3, Bắc Kinh yêu cầu Alibaba - hiện sở hữu tờ South China Morning Post - thoái vốn trong lĩnh vực truyền thông do lo ngại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của công ty này.
Bắc Kinh có thể vẫn sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát các gã khổng lồ Internet và fintech (công nghệ tài chính) của nước này, bao gồm công ty tín dụng tiêu dùng Ant Group và những nền tảng truyền thông của Alibaba.
Theo kết luận của SAMR, Alibaba đã sử dụng các quy tắc nền tảng, cùng những phương pháp kỹ thuật như dữ liệu và thuật toán nhằm "duy trì, củng cố sức mạnh thị trường và tạo lợi thế cạnh tranh không phù hợp".
"Mức phạt cao dành cho Alibaba đã giúp SAMR thu hút sự chú ý của giới truyền thông, đồng thời gửi lời cảnh báo đến lĩnh vực công nghệ của nước này. Nó cho thấy rằng những hành vi triệt tiêu tính cạnh tranh sẽ không còn được khoan nhượng nữa", Bloomberg dẫn lời bà Angela Zhang, Giám đốc Trung tâm Luật Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Đòn giáng của chính quyền Trung Quốc vào đế chế của tỷ phú Jack Ma là lời cảnh báo cho các đại gia Internet tại nước này. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
"Đó là một mũi tên trúng hai đích", bà nhấn mạnh.
Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và JD.com vận hành các nền tảng khổng lồ liên kết mạng xã hội, thương mại điện tử, đặt vé du lịch và giao đồ ăn. Hàng triệu cửa hàng và hàng trăm triệu người tiêu dùng sử dụng nền tảng của họ.
Những nền tảng lớn như Alibaba có thể dễ dàng trừng phạt chủ các cửa hàng bằng cách giảm lượng truy cập mới vào trang web của họ.
Thương hiệu lò vi sóng hàng đầu Galanz cũng kiện Alibaba vì lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường bằng cách buộc các cửa hàng phải "chọn một". Tuy nhiên, họ đã rút đơn kiện sau khi thỏa thuận với Alibaba.