Trong 13.500 tỷ đồng dư nợ của Novaland có 5.596 tỷ đồng tiền vay ngắn hạn. Khoản nợ vay này được cấu thành từ khoản vay ngắn hạn 3.093 tỷ đồng từ bên thứ ba, 1.197 tỷ đồng từ vay ngân hàng và 1.296 tỷ đồng từ nợ trái phiếu.
Một khoản mục trọng yếu cấu thành nên chỉ tiêu nợ ngắn hạn của đại gia địa ốc TP.HCM này là khoản tiền gần 6.000 tỷ đồng phải trả cho khách hàng.
Cơ cấu nợ vay của Novaland trong báo cáo tài chính. Đồ họa: Quang Thắng |
Ông Phan Lê Hoà, Giám đốc Thị trường vốn và Đầu tư của Novaland lý giải tổng nợ của doanh nghiệp gồm 2 phần, trong đó phần lớn là khoản phải trả cho khách hàng. Tiền này bản chất là doanh thu (tiền thu của khách hàng trả trước mua dự án) được ghi trên khoản nợ của doanh nghiệp. Khi nào dự án được bàn giao thì toàn bộ phần phải trả khách hàng đó sẽ được chuyển qua thành doanh thu. Đây chỉ là khoản doanh thu chưa được ghi nhận.
“Khi nhìn vào tổng nợ trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp cần nhìn vào các khoản nợ phát sinh lãi kể cả ngắn hạn và dài hạn đối với các ngân hàng hay phát hành trái phiếu. Còn lại khoản phải trả cho khoách hàng thì không phải là nợ. Vì thế, khi tính, cần tách bạch các khoản này ra”, ông Hòa nói.
Vị này đoan chắc với khả năng đảm bảo cam kết tiến độ và chất lượng bàn giao của công ty, khoản vay từ người mua này hoàn toàn không góp phần gia tăng gánh nặng tài chính cho Novaland.
Các khoản vay của doanh nghiệp này được phát hành để tài trợ cho các dự án đang bán hàng.
Cụ thể, khoản vay 500 tỷ đồng của Sacombank là để hợp tác đầu tư dự án Botanica Premier. Dự án này đang có tỷ lệ bán hàng trên 70% tổng số sản phẩm. Còn khoản vay 400 tỷ đồng với Ngân hàng Tiên Phong là để hợp tác đầu tư vào dự án Orchard Parkview. Khoản vay của Vietinbank với hạn mức tín dụng lên tới 3.400 tỷ đồng và dư nợ hiện tại 1.206 tỷ đồng nhằm tài trợ cho một dự án tại quận 2, TP.HCM sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Tương tự như các khoản vay, nguồn tiền dài hạn huy động từ việc phát hành trái phiếu cũng được Novaland sử dụng để tăng quy mô hoạt động hoặc góp vốn đầu tư vào các dự án khác.
Hồi tháng 1, Novaland đã trả nợ trước hạn cho gói trái phiếu này bằng chính nguồn tiền bán hàng từ dự án. Gói trái phiếu 300 tỷ đồng phát hành cho Ngân hàng Bảo Việt với mục đích đầu tư vào một loạt các dự án ở khu vực phía tây TP.HCM
Ngoài ra, doanh nghiệp địa ốc này cũng đang có hai khoản vay với dư nợ 110 triệu USD với các tổ chức tín dụng nước ngoài là Credit Suisse AG chi nhánh Singapore và GW Supernova PTE Ltd. Đây đều là các khoản vay có quyền chuyển đổi toàn phần hoặc một phần.
Tại thời điểm cuối năm tài chính 2016, doanh nghiệp này đã thực hiện các thủ tục chuyển đổi toàn bộ khoản vay của Credit Suisse thành hơn 33 triệu cổ phần. Việc chuyển đổi này sẽ góp phần giúp công ty giảm dư nợ và tăng quy mô vốn chủ sở hữu.
Năm 2016, đại gia địa ốc phía Nam đạt doanh thu thuần 7.359 tỷ đồng, tăng 10,3% so với 2015. Tổng tài sản đạt mức kỷ lục 36.527 tỷ đồng, tăng 37,5%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.659 tỷ, tăng 276,1% với năm trước.
Doanh nghiệp này cũng đã niêm yết vào cuối tháng 12/2016 và được định giá khoảng 1,5 tỷ USD vốn hóa cổ phiếu. Đến nay, sau một quý giao dịch cổ phiếu NVL đang có quy mô vốn hoá gần 2 tỷ USD.
Lãnh đạo Novaland cho biết năm 2017 tập đoàn định hướng tiếp tục tăng thêm quỹ đất thông qua hoạt động M&A một số dự án trọng điểm, chiến lược tại TP.HCM và một số tỉnh thành như Cần Thơ, Đà Nẵng, Vũng Tàu… Tập đoàn đã có quỹ đất dự trữ hơn 10 triệu m2 sàn xây dựng, đủ để phát triển trong 5 năm tới.
Từ nay đến năm 2020, hoạt động kinh doanh của tập đoàn sẽ rất ổn định và sẽ đạt kế hoạch đề ra nhờ dựa vào những dự án đã bán trong năm 2014 đến 2016.
Về hoạt động kinh doanh quý I/2017, dự kiến đạt mức 1.909 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 408 tỷ đồng, tăng 164% so với cùng năm ngoái, tổng tài sản dự kiến đạt 37.662 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2017, ghi nhận doanh thu đạt 17.528 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 3.144 tỷ đồng. Tăng vốn chủ sở hữu lên 14.000 tỷ đồng.