Ngày 1/11, vlogger Khoa Pug (Nguyễn Anh Khoa) đăng tải đoạn video với tiêu đề "Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn - Khoa Pug gặp sự cố ở nhà hàng lẩu Geisha Kyoto". Video ngay lập tức gây tranh cãi từ cộng đồng.
Trên video này, Khoa Pug cho rằng cô phục vụ đã "van xin" anh ta cho người quay phim được ăn cùng. Tuy vậy, nội dung thực tế lại là việc nữ nhân viên phục vụ không muốn Khoa Pug ghi hình và đã từ chối phục vụ.
Không phải nơi công cộng là có thể quay chụp tự do
Để bào chữa, Khoa Pug cho rằng anh đã xin phép nhà hàng để quay phim quảng bá du lịch. Tuy vậy, việc quay phim người phục vụ cần được sự cho phép của người này.
"Trong trường hợp của Khoa Pug, kể cả có xin phép nhà hàng thì việc ghi hình nhân viên phục vụ cũng cần được sự đồng ý từ người này. Nhà hàng không thể đại diện cho cô nhân viên để cho phép quyền hình ảnh của cô ấy. Nếu là tôi, tôi sẽ kiện vì việc này quá phản cảm và luật sẽ bảo vệ tôi", Thanh Tùng, người Việt sống tại Nhật chia sẻ quan điểm của mình khi xem video của Khoa Pug.
Tại Nhật Bản, người dân có lối sống khá khép kín. Vì vậy, việc ghi hình, chụp ảnh mọi người cần được sự đồng ý. Ở nơi công cộng, đông đúc người qua lại, việc chụp ảnh có thể chấp nhận. Tuy vậy, nếu ai đó cảm thấy bị xâm phạm hình ảnh, họ có thể yêu cầu kiểm tra camera và xóa bức ảnh có mặt họ.
Ở Nhật, mọi người có quyền được ở một mình, quyền riêng tư, ẩn dật và quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân. Mọi người có thể chụp ảnh ở nơi công cộng, quán ăn... nhưng nếu trong bức ảnh có chụp người và người đó không cho phép, người chụp sẽ buộc phải dừng quay chụp và xóa ảnh.
Điều 13 Hiến pháp Nhật Bản quy định về quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc trong đó có quyền nhân thân, hình ảnh. Không được phép chụp ảnh người khác khi không được phép", theo Japan Times.
Người phục vụ không đồng ý cho Khoa Pug ghi hình nhưng vlogger này lại dịch lại theo một nghĩa khác. |
Theo Japan Times, năm 1994, một vụ án về xâm phạm riêng tư đã được xử ở Tòa án quận Osaka khi một camera an ninh trên đường phố ghi lại cảnh riêng tư mà không có lý do chính đáng.
Năm 2005, một bức ảnh chụp đường phố công cộng nhưng cố tập trung vào một người phụ nữ trong trang phục hở hang cũng bị Tòa án Tokyo coi là xâm phạm quyền chân dung.
Đồng thời, việc xâm phạm quyền hình ảnh được quy định hiệu lực ngay thời điểm quay chụp. Điều này có nghĩa kể cả Khoa Pug có làm mờ, cắt khuôn hình quay cũng vẫn vi phạm luật Nhật Bản.
Các hãng điện thoại tự nguyện bật âm thanh camera
iPhone 3GS ra mắt ở thị trường Nhật từ năm 2008. Ngay thời điểm đó, Apple đã phải bổ sung tính năng chống chụp lén để đủ điều kiện bán iPhone ở thị trường này. Tính năng này hoạt động khá đơn giản, nó phát ra âm thanh khi iPhone được bấm chụp. Không riêng gì iPhone, tất cả các mẫu điện thoại khác cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn chống chụp lén này trước khi được bán ra tại Nhật.
Năm 2000, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên bán điện thoại có tính năng chụp và chia sẻ ảnh qua email. Mẫu điện thoại này có cảm biến ảnh 0,11 MP.
Nữ sinh Nhật Bản thường là nạn nhân của những bức ảnh dưới váy. |
Theo Japan Times, những bức ảnh "dưới váy" (up-skirt) được lan truyền qua email dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng vào năm 2001, chỉ 1 năm sau khi điện thoại chụp ảnh được giới thiệu. Nhật Bản là quốc gia mà đồng phục nữ sinh thường là váy ngắn. Điều này tạo cơ hội cho những kẻ "biến thái" lộng hành.
Thế nhưng, việc yêu cầu các thiết bị chụp ảnh phát ra âm thanh không được quy định trong luật của Nhật. Các hãng điện tử viễn thông làm điều này một cách tự nguyện như một trách nhiệm với cộng đồng.
Theo Engadget, nhà mạng NTT Docomo cho biết họ bán bắt đầu bán các sản phẩm không thể tắt tiếng chụp ảnh “để ngăn chặn việc ghi hình bí mật hoặc xâm phạm quyền riêng tư của người khác”.
Đại diện nhà mạng SoftBank cũng đưa ra câu trả lời tương tự. “Khi bắt đầu bán ra điện thoại có tính năng chụp ảnh và dịch vụ gửi hình ảnh qua email vào năm 2000, chúng tôi đã yêu cầu các nhà sản xuất tạo ra âm thanh chụp ảnh bắt buộc, kể cả ở chế độ im lặng”.
Tuy các nhà sản xuất điện thoại đã chủ động bật âm thanh chụp ảnh mà không cần luật pháp quy định nhưng tình trạng xâm hại hình ảnh này vẫn tiếp diễn.
Gửi ảnh "của quý" qua AirDrop cũng là vấn nạn khiến Apple phải bổ sung biện pháp ngăn chặn vào iOS 13. |
Những kẻ biến thái dùng điện thoại mua ở quốc gia khác để chụp những bức ảnh dưới váy các nữ sinh Nhật. Thậm chí, khách du lịch nước ngoài cũng sử dụng thiết bị của họ để ghi hình mà không phát ra âm thanh.
Tờ Japan Times trích lời cảnh sát Tokyo cho biết lượng thiết bị ghi hình mua ở nước ngoài và sử dụng ở Nhật Bản đã gia tăng gấp đôi kể từ năm 2007, 64% trong số đó là điện thoại di động. Hơn nữa, chúng cũng có thể tải ứng dụng do bên thứ 3 phát triển để vô hiệu hóa âm thanh khi chụp bằng camera của smartphone.