Khó xử lý tranh chấp mua bán online
Chuyển tiền nhưng không nhận được hàng, bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, dùng nhiều nick ảo để bán một món hàng cho nhiều người... là những chiêu trò lừa đảo phổ biến.
> Rộ mốt kinh doanh thời trang sáng tạo
Mua hàng trên diễn đàn mạng không phải là xu hướng mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các diễn đàn đều dừng ở chức năng là kênh thông tin trao đổi giữa người có hàng để bán, người cần mua mà chưa giải quyết được tranh chấp.
Mục Đối chất của một diễn đàn về phụ nữ đã lên tới gần 500 trang, chủ yếu là phản hồi của người mua và người bán về những tình huống chưa hài lòng, nghi ngờ bị lừa khi giao dịch mua hàng online.
Chị Thanh Hồng, một thành viên bán quần áo lâu năm trên website này cho biết, những đối chất xuất phát từ cả người bán và khách hàng, nhưng phần lớn từ người đi mua. Chị Hồng kể, người bán thường kiến nghị về việc khách đặt (order) hàng mà không nhận. Trong khi thắc mắc của người mua nhiều hơn, phần lớn là về chất lượng hàng hóa, thái độ bán hàng, nhận được hàng chậm thậm chí đã chuyển khoản mà chưa nhận được hàng.
Một phản hồi về việc chiếm dụng tài sản trên diễn đàn mạng xảy ra gần đây nhất. |
“Số tiền người mua bị chiếm dụng mà không nhận được hàng có thể ít, nhiều... nhưng tâm lý chung là bực mình, vì mua hay bán hàng online đều dựa vào uy tín, nên việc lừa đảo này vô hình trung khiến tất cả những người bán hàng chân chính đều bị ảnh hưởng", chị Hồng nói thêm.
Giải quyết tình huống trên, các thành viên quản trị diễn đàn phần lớn đứng ra phân xử, yêu cầu 2 bên mua- bán phải đối chất. Trong trường hợp đối chất, thỏa thuận bất thành, người quản lý sẽ đứng ra phân xử và kết luận sự việc. “Nhẹ thì bị khóa nick tạm thời, nặng thì khóa vĩnh viễn. Các trường hợp bị lừa với số lượng tiền lớn và nhiều người, Mod (ban điều hành) sẽ khuyên các thành viên đến tận nơi giải quyết, nếu số tiền nhiều, nghiêm trọng thì trình báo công an”, chị Hồng kể.
Dù vậy, theo chị này, không ít trường hợp, báo công an cũng khó giải quyết, vì kẻ lừa đảo đăng ký nhiều nickname cũng như cho địa chỉ nhà (cửa hàng), số điện thoại khác nhau để tung hỏa mù khi có sai phạm, điều tra. Có những vụ, tổng số tiền mà người bán chiếm dụng của khách mua hàng lên tới cả chục triệu đồng.
Theo thành viên một diễn đàn mua bán online, 10 triệu đồng là số tiền không quá lớn với những tranh chấp trong mua bán bình thường. Nhưng trên mạng, người kinh doanh chỉ có một phần thuê cửa hàng lên mạng bán thêm, còn chủ yếu là “con buôn” tay ngang từ dân văn phòng, dồn vốn bán hàng để cải thiện tài chính. “Vốn ít, không có mặt bằng, hàng bán nhỏ lẻ, lãi thấp nên số tiền lừa đảo từ vài trăm nghìn đồng đã là to, chưa nói đến cả 5-6 triệu, rồi chục triệu đồng”, chị này chia sẻ. Thành viên này cũng nhận định, cách xử lý của diễn đàn chỉ dừng lại ở khóa nick, vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng làm ăn phi pháp.
Hầu hết các diễn đàn mua sắm online đều có công bố danh sách các thành viên nghi ngờ không trung thực. Danh sách này được cập nhật từng ngày và ngày càng nhiều lên. Tuy nhiên, theo đánh giá của chị Nguyễn Thị Thủy, một người kinh doanh đồ chơi trẻ em, giải pháp này chỉ mới dừng lại ở cảnh báo. “Có những thành viên không thường xuyên đọc, nên có khi chuyển hết tiền cho người bán rồi, mới biết bị lừa. Nhiều khi người bán khai gian địa chỉ, số chứng minh, nên không biết tìm ở đâu ra”, chị Thủy chia sẻ.
Gần đây, một số diễn đàn đã có biện pháp để ngăn chặn rủi ro thương mại khi mua hàng online. Diễn đàn Làm Cha Mẹ khuyến cáo, nếu lo lắng tranh chấp, các thành viên có thể chuyển tiền qua một tài khoản trung gian của ban quản trị. Nếu giao dịch thành công, ban quản trị sẽ hòa tiền cho người bán hàng sau 1 ngày, còn ngược lại, người mua sẽ được nhận lại tiền. Ngay sau đó, thông báo này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các thành viên, dù mức phí được đưa ra lần lượt là 11.000- 22.000 đồng/giao dịch.
Trao đổi với phóng viên, anh Bình, nhân viên một công ty tư vấn Luật tại Hà Nội cho biết, rủi ro trong thương mại trên mạng là thực trạng phổ biến. Bản thân cũng từng tham gia mua hàng trên các diễn đàn mạng, anh Bình cho biết, việc bảo vệ người mua bán dưới hình thức online hiện nay chưa được pháp luật quan tâm nhiều. Vì thế, số văn bản hướng dẫn việc giải quyết trong trường hợp mua bán qua mạng là rất ít, chỉ mang tình hình thức và khó áp dụng, anh nói.
“Theo quy định Bộ Luật hình sự mới sửa đổi năm 2010, mức truy tố đối với tội lừa đảo áp dụng cho số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên nhưng nếu yêu cầu truy tố thì khó, vì phải có chứng cứ rõ ràng chứng minh giá trị bị lừa cũng như giấy tờ liên quan đến giao dịch”, anh Bình cho biết.
Một quản trị viên diễn đàn mạng chia sẻ, có những tranh chấp giao dịch, số tiền quá nhỏ, nên nhiều khi bản thân người quản lý cũng chỉ biết khóa nick của đối tượng lừa đảo và cảnh báo thành viên. “Nếu số tiền lớn, và người mua hàng còn lưu giữ bằng chứng đầy đủ thì ban quản trị cũng sẽ khuyên đến cơ quan chức năng trình báo và hỗ trợ thành viên lưu giữ các thông tin của người bán hàng không trung thực”, chị nói.
Mạnh Cường
Theo Infonet