Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Khô mũi, chảy máu vì máy sưởi

Việc dùng nhiều thiết bị làm ấm như quạt sưởi, tấm đệm sưởi, điều hòa hai chiều... trong những ngày rét đậm có thể dẫn đến nứt nẻ da, ảnh hưởng đến hô hấp, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Khô mũi, chảy máu vì máy sưởi

Việc dùng nhiều thiết bị làm ấm như quạt sưởi, tấm đệm sưởi, điều hòa hai chiều... trong những ngày rét đậm có thể dẫn đến nứt nẻ da, ảnh hưởng đến hô hấp, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Khô mũi, chảy máu vì máy sưởi
Các gia đình nên chú ý khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm

Quạt sưởi, đèn sưởi, chăn điện hay tấm đệm sưởi... đều dùng dòng điện để nung nóng điện trở, phát ra sức nóng. Những loại có công suất nhỏ, chỉ tỏa ra hơi ấm tại chỗ như chăn điện hay tấm đệm sưởi thường không ảnh hưởng nhiều đến không khí. Tuy nhiên, những loại có công suất lớn, làm ấm cả phòng như quạt sưởi, điều hòa thường làm không khí trong phòng trở nên quá khô, nhiều người cảm thấy bí, ngột ngạt, da nứt nẻ.

Kỹ sư Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật quân sự, cho biết khi sử dụng quạt sưởi hay điều hòa nóng thì không nên đặt nhiệt độ quá cao, chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời quá nhiều. Chỉ nên chênh dưới 10 độ C để tránh tình trạng gặp lạnh đột ngột khi bước ra khỏi phòng. Các loại quạt sưởi trên thị trường hiện chủ yếu chỉ có hệ thống làm ấm mà không điều ẩm, làm cho không khí trong phòng khô nóng.

Các loại điều hòa hai cục cũng không có sự lưu thông, không khí khô nóng và ô nhiễm do hơi người thở ra chỉ lưu chuyển trong phòng. Hơn nữa, vào mùa lạnh, các gia đình thường đóng kín cửa nên khí bẩn cứ luẩn quẩn không thoát ra ngoài được. Người trong nhà thấy ngột ngạt, thiếu khí, khó chịu.

Tốt nhất là nên sử dụng các loại điều hòa có chế độ tạo ion, sát khuẩn, khử chất độc, tạo không khí trong lành, hoặc những loại có chế độ phun ẩm làm cân bằng nhiệt độ và độ ẩm trong phòng. Đối với các gia đình sử dụng máy sưởi hoặc điều hòa không có chế độ điều ẩm hoặc sát khuẩn thì ít nhất cũng nên đặt một chậu nước trong phòng, gần chỗ máy để nước bốc hơi lên.

Ngoài ra, dùng máy phun ẩm cũng là gợi ý tốt. Tuy nhiên, loại máy này cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, nếu không vi khuẩn, bụi bẩn bám theo hơi nước sẽ phun vào không khí, gây ô nhiễm thêm và ảnh hưởng đến hệ hô hấp, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ.

Trong các phòng cũng nên lắp thêm quạt thông gió để không khí mát sạch từ ngoài lưu thông vào trong nhà. Tốt nhất là chỉ nên hạn chế thời gian sử dụng thiết bị làm ấm và thường xuyên phải mở cửa cho khí sạch được trao đổi.

Chú ý tới trẻ nhỏ

Giáo sư Trần Hữu Tuân, nguyên giám đốc Viện Tai mũi họng Trung ương, cho biết, việc lạm dụng thiết bị làm ấm có thể dẫn đến hiện tượng khô mũi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Lớp niêm mạc mũi rất mỏng và trong mũi có các huyết quản nhỏ, dễ bị tổn thương khi không khí khô nóng, gây đau rát, thậm chí chảy máu cam.

Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% để cung cấp thêm độ ẩm cho lớp niêm mạc mũi, nhưng tốt nhất nên bôi cho trẻ một lớp mỡ mỏng, chẳng hạn như mỡ tetracycline hoặc chlorocide-H vì tác dụng của chúng có thể kéo dài nhiều giờ. Ngoài ra, nên tăng lượng nước uống cho trẻ.

Nếu hiện tượng này lặp lại thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng để có những biện pháp xử lý thích hợp, tránh nhiễm trùng.

Theo Khoa Học và Đời Sống

Theo Khoa Học và Đời Sống

Bạn có thể quan tâm