Tháng 6/2023 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định 28/2023 về danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm được đưa ra khỏi danh mục đấu thầu tập trung cấp tỉnh. Nhờ đó, các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động trong công tác mua sắm, thiết bị, vật tư y tế.
Tuy nhiên hiện nay có một số đơn vị để mua sắm các loại thuốc hướng thần phục vụ cấp cứu, điều trị lại gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt như các loại Diazepam 10mg/2ml và Diazepam 5mg, là những loại thuốc nằm trong danh mục nhóm thuốc đặc biệt, “nhạy cảm” và có nhiều quy định khắt khe, trong khi đó, không có khung giá cố định.
Bệnh viện Hà Tĩnh nơi có số lượng bệnh nhân khám và điều trị rất lớn, song một số thiết bị y tế chưa được đáp ứng vì không thể đấu thầu. Ảnh: Bệnh viện Hà Tĩnh. |
Tình trạng này đang diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê. Hiện tại nhóm thuốc hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc vẫn chưa có nên không thể thực hiện các ca mổ cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân ung thư. Hay tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, có 6 gói thầu hết thầu vào ngày 1/8/2023 (gồm các vật tư y tế kỹ thuật cao như STENT can thiệp tim mạch, khớp gối, khớp háng) nhưng chưa được thực hiện.
“Các vật tư y tế kỹ thuật cao nằm ở trong những gói thầu lớn và đã hết hạn từ tháng 8. Hiện nay đang trong giai đoạn chuyển tiếp nên chưa có cung cấp. Hiện đơn vị đang tiến hành các thủ tục để tổ chức đấu thầu nhanh nhất để sớm có các vật tư y tế để hỗ trợ người bệnh”, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho hay.
Tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước đây việc mua sắm vật tư, thiết bị y tế gặp rất nhiều khó khăn bởi vướng các quy định trong mua sắm, đấu thầu. Gần đây, có các chủ trương lớn từ Chính phủ, thông tư của Bộ Y tế; đặc biệt, UBND tỉnh có các quyết định, HĐND tỉnh có các nghị quyết nên đã tháo gỡ được khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, hiện nay theo quy trình đấu thầu bắt buộc phải qua 7 bước. Trong mỗi bước phải quy định thời gian.
“Nếu như thực hiện đấu thầu theo các quy định thì phải mất thời gian ít nhất trong vòng 6 tháng. Từ trước đến nay không chỉ riêng ở Hà Tĩnh mà các tỉnh khác thực hiện đấu thầu thường từ 10-12 tháng mới hoàn thành”, ông Đức cho hay. Người đứng đầu ngành Y tế Hà Tĩnh cũng cho rằng, dù cơ chế đã được các cấp, các ngành, tháo gỡ nhưng hiện nay công tác mua sắm trang thiết bị vẫn đang trong thời gian chờ kết quả.
Làm rõ thêm vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Lê Ngọc Châu cho biết thời gian qua, ngành Y tế gặp rất nhiều khó khăn trong mua sắm trang thiết bị và vật tư. Ngoài những nguyên nhân đã được Sở Y tế nêu thì còn có những liên quan vướng mắc giữa các luật khác nhau.
“Dù một số vướng mắc đã được tháo gỡ nhưng rất khó để thực hiện. Như Bệnh viện Hà Tĩnh hiện nay đang được cấp rất nhiều tiền để mua sắm trang thiết bị nhưng không mua nổi hoặc làm rất chậm vì không ai thẩm định giá. Quy trình thì qua 7 bước nhưng 1 bước không thể không làm là thẩm định giá. Nhưng thẩm định giá rất khó khăn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa dẫn chứng một doanh nghiệp có ý kiến rằng nếu đưa ra một danh sách danh mục khoảng 20 thiết bị cho 1 gói, họ chỉ thẩm định được những mặt hàng này, còn những mặt hàng khác không thực hiện được. “Lý do là theo Luật Thương mại, giá nhập khẩu thuộc bí mật của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia thẩm định giá, họ không tiếp cận được cái giá đó thì họ không làm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lý giải.