Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết sau nhiều ngày giảm mưa, các tỉnh Trung Trung Bộ chuẩn bị bước vào đợt mưa lớn diện rộng mới do ảnh hưởng của bão số 10 (Goni).
Tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), mưa rải rác xuất hiện trong đêm 3/11. Sau đó, lượng mưa tăng cường từ đêm 4/11 và kéo dài đến hết ngày 5/11. Tổng vũ lượng trong hai ngày dao động 200-300 mm.
Địa hình xã Trà Leng có mật độ sạt lở lớn, nguy cơ tiếp tục sạt lở cao. Ảnh: Ngọc Tân. |
Theo ghi nhận của phóng viên, vụ sạt lở làm 22 người chết và mất tích xảy ra ngày 28/10 ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân xã Trà Leng. Họ đã ý thức rõ hơn về việc phải di dời, sơ tán để bảo toàn tính mạng trước mưa bão nhưng hoang mang không biết phải sơ tán đi đâu.
Trước khi thảm họa xảy ra, người dân Trà Leng gọi khu dân cư của Bí thư xã Lê Hoàng Việt là nơi an toàn nhất trong những nơi an toàn. Nhiều người dân thôn khác còn đến đó trú bão số 9.
"Giờ nền địa chất thay đổi hết rồi. Đứng từ trên cao sẽ thấy tất cả các ngọn núi đều có sạt lở. Cái điểm an toàn nhất để bà con chọn làm nhà thì vừa sạt lở khiến nhiều người chết", ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, chia sẻ với phóng viên trong lúc chỉ đạo lực lượng tìm thêm các điểm sơ tán.
Theo vị chủ tịch xã, quy mô sơ tán dân trước bão số 10 sẽ lớn hơn trước bão số 9 do địa bàn xảy ra nhiều trận mưa, nhiều điểm có nguy cơ sạt lở thêm.
"Giờ xã cho sơ tán là đi luôn. Nhưng không biết nơi đâu là an toàn nữa", anh Hồ Văn Hùng, người dân sống tại nóc Ông Nhày, chia sẻ.
Trong hoàn cảnh mọi địa điểm đều không chắc chắn an toàn, lãnh đạo xã cho biết sẽ lựa chọn nơi di dân theo tiêu chí có tầm quan sát, có hướng thoát khi sạt lở xảy ra. Những vị trí hẹp, một bên là sông, một bên là vách núi sẽ không được chọn.
Xã Trà Leng có khoảng 500 nhân khẩu cần được sơ tán trước bão số 10. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trong quá trình rà soát, lực lượng chức năng nhìn ra một số khu vực an toàn ở mức tương đối như trường tiểu học xã Trà Leng, trường bắn quân đội hoặc khu vực thôn 2 mới. Dự kiến từ trưa 3/11, 100 hộ dân (500 người) của xã sẽ dồn hết về các địa điểm này để tránh trú bão.
Về lâu dài, lãnh đạo xã cho rằng việc chọn nơi ở an toàn sẽ không thể dựa vào kinh nghiệm được nữa. "Không còn nơi nào là tuyệt đối an toàn. Phải có các nhà địa chất đến đánh giá mức độ an toàn của từng khu vực", ông Cường chia sẻ.