Trước việc một số quốc gia trong khu vực tính đến việc mở cửa đón du khách quốc tế thông qua “hộ chiếu vaccine”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết cơ quan này cũng đã và đang tính đến việc mở cửa du lịch Việt Nam.
Nói với Zing, bà Hương khẳng định việc mở cửa cho khách quốc tế cần được nghiên cứu và thực hiện một cách cẩn trọng, làm từng bước. Bà cũng nhấn mạnh một trong những khó khăn là tìm địa phương tiên phong chấp nhận đón khách quốc tế.
“Du lịch quốc tế không thể mở ồ ạt, nhưng cũng không thể chậm, mà phải có từng bước phù hợp. Nếu không làm sớm thì Việt Nam sẽ chậm một nhịp so với các nước trong khu vực”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ.
Dự báo quý IV sẽ mở cửa cho khách quốc tế
Bà Hương cho biết cơ quan này đang bắt đầu thảo luận để xây dựng một kế hoạch mở cửa cho khách quốc tế. Dự kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trình Chính phủ xem xét. Một trong những vấn đề khó khăn nhất của kế hoạch là có được sự đồng thuận của địa phương.
Theo bà Hương, Chính phủ đề cao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, nhiều địa phương rất muốn phát triển du lịch, đón khách quốc tế và nội địa, nhưng vẫn rất e dè với dịch bệnh.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương. Ảnh: Hiếu Công. |
“‘Một trong những khó khăn nhất khi mở cửa khách quốc tế là địa phương nào dám tiên phong. Chúng tôi sẽ phải đi làm việc với các địa phương, xem địa phương nào dám xung phong làm đầu tiên”, bà Hương nói.
Thứ hai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhắc đến sự đồng thuận của các ngành khác như ngành y tế, ngoại giao, giao thông… Ngành y tế sẽ giúp xây dựng một quy trình an toàn đón khách du lịch, để hướng dẫn cho các địa phương. Ngành ngoại giao sẽ hỗ trợ việc đàm phán mở cửa với một số nước đối tác.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh chính sách mở cửa của Việt Nam cần có sự tương thích với quốc gia đối tác. Theo đó, Việt Nam phải chấp nhận kết quả xét nghiệm của nước đối tác, và ngược lại các nước đối tác cũng phải công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam.
Việc tương thích quy trình y tế giữa 2 nước rất quan trọng, tránh khách bị phiền toái khi đi du lịch
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương
Phó tổng cục trưởng lấy ví dụ nếu nước đối tác đã xét nghiệm âm tính cho khách trước khi sang Việt Nam, khi sang đến Việt Nam tiếp tục xét nghiệm mà âm tính thì du khách có thể được đi du lịch trong những phạm vi nhất định, mà có thể không phải cách ly.
Sau đó, khi khách kết thúc chuyến du lịch của Việt Nam, được lấy mẫu xét nghiệm trước khi về nước, nếu âm tính thì về nước không bị cách ly nữa.
“Việc tương thích quy trình y tế giữa 2 nước rất quan trọng, tránh khách bị phiền toái khi đi du lịch. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của ngành ngoại giao để đàm phán”, bà nói.
Một vấn đề nữa được chỉ ra là tìm kiếm thị trường. Việt Nam sẽ mở cửa cho thị trường khách có du lượng tương đối lớn, để tạo hiệu quả cao nhất. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, một số thị trường mà Tổng cục Du lịch đang suy nghĩ đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…
Tuy nhiên, bà Hương nhấn mạnh đây mới chỉ dừng ở ý tưởng, còn việc quyết định sẽ phải nghiên cứu, cân nhắc rất nhiều yếu tố.
Nơi đón tiếp khách quốc tế cũng phải được tìm kiếm phù hợp. Bà Hương nhấn mạnh sẽ không để khách du lịch đi tản mát nhiều nơi. Địa điểm này cũng phải thuận tiện về sân bay, đường bộ, có ranh giới rõ ràng, dễ kiểm soát.
Tổng cục Du lịch dự định sẽ đón tiếp khách quốc tế ở những khu nghỉ dưỡng độc lập. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đội ngũ phục vụ và tiếp xúc với khách du lịch như lái xe, hướng dẫn viên, nhân viên… được đề xuất đưa vào diện ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Nơi tiếp nhận cũng đảm bảo nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế.
“Muốn kế hoạch thuyết phục được Chính phủ thì phải tính đến trường hợp xấu nhất, nếu có khách nhiễm bệnh thì phải xử lý như thế nào, để hài hòa các bên, không ảnh hưởng các khách du lịch khác. Tôi nhấn mạnh nguyên tắc mở cửa vẫn là phải kiểm soát được tình hình”, bà Hương nói. Bà dự báo Việt Nam có thể mở cửa cho du khách quốc tế từ quý IV.
Du lịch nội địa vẫn là trọng điểm
Nói về du lịch nội địa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết cơ quan này xác định việc kích cầu nội địa là việc làm thường xuyên, liên tục, bởi trong những năm tới, du lịch nội địa vẫn là thị trường trọng điểm.
Theo đó, Tổng cục sẽ phối hợp hiệp hội, địa phương tổ chức các đợt kích cầu, kích thích nhu cầu của khách du lịch, tránh tâm lý lo lắng do dịch bệnh. Hiện tại, khi nguồn lực của các doanh nghiệp du lịch đã suy giảm sau nhiều đợt dịch, các gói kích cầu sẽ hướng tới việc tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.
“Nhiều gói du lịch đã được giảm đến mức giá hấp dẫn nhất rồi. Giờ các doanh nghiệp tính gia tăng thêm các gói dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, massage…”, bà Hương nói.
Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nội địa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết sắp tới cơ quan này sẽ nghiên cứu và đề xuất các chính sách đặc thù cho ngành du lịch. Các gói này sẽ sử dụng nguồn lực Nhà nước đỡ đầu cho doanh nghệp để khôi phục sản phẩm, giới thiệu sản phẩm tới khách hàng.
Khách nội địa vẫn sẽ đóng vai trò quyết định đến ngành du lịch trong những năm tới. Ảnh: An Bình - Phạm Ngôn. |
Đề xuất thứ hai là hỗ trợ đào tạo lao động cho ngành du lịch. Theo đó, khi ngành du lịch chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều lao động đã rời bỏ sang ngành khác, hoặc thời gian dài nghỉ việc. Sau khi ngành khôi phục, lao động sẽ quay trở lại hoặc sẽ có tuyển mới. Như vậy nhu cầu đào tạo lại, đào tạo đạt chuẩn sẽ là bức thiết.
Tổng cục Du lịch đề xuất hỗ trợ chi phí ăn học cho người lao động, thay vì chỉ hỗ trợ tài liệu, cơ sở vật chất như trước kia.
Cuối cùng, bà Hương bày tỏ tin tưởng ngành du lịch sẽ sớm phục hồi, du lịch nội địa sẽ sôi động từ lúc này. Doanh nghiệp cũng đã có kinh nghiệm trong việc xử lý khủng hoảng khi dịch bệnh xảy ra, nhất là việc xử lý hoãn, hủy tour của khách hàng.
“Tôi tin tưởng nếu không có đợt bùng phát đột biến, trong tình trạng kiểm soát được, du lịch mùa hè năm nay sẽ phát triển tốt”, bà Hương dự báo.