Nhưng diễn biến của trận đấu có vẻ không giống lời rút kinh nghiệm trước đó của HLV Miura. ĐT Việt Nam thua tiếp ngay ở Mỹ Đình, thậm chí thua nặng hơn cả trận lượt đi. Trong đó, sự khó hiểu của nhà cầm quân người Nhật vẫn thể hiện, khi ông đưa ra đội hình gây bất ngờ cho tất cả.
Điều dễ nhận thấy nhất ở trận này là tâm lý sợ thua quá lớn của thuyền trưởng người Nhật. Ông bố trí 3 trung vệ Tiến Dũng – Tiến Duy – Tiến Thành trước mặt Nguyên Mạnh, trong khi bộ đôi Thanh Hiền (phải) và Mai Tiến Thành (trái) hiếm khi dâng cao quá nửa sân.
Đinh Tiến Thành là 1 trong 3 trung vệ của ĐTVN được sử dụng khi gặp Thái Lan nhưng không giúp đội tuyển chơi tốt hơn. Ảnh: Tùng Lê |
Cả trận, Thanh Hiền băng biên 2 lần, Tiến Thành ở cánh đối diện làm được 1/2 Thanh Hiền, nhưng không ai tạo được hiệu quả từ những lần dâng cao hiếm hoi như vậy.
Thế trận phòng ngự của ĐT Việt Nam được HLV Miura gia cố thêm hai tiền vệ trung tâm là Duy Mạnh và Huy Hùng. Nếu kể thêm Công Vinh và Mạc Hồng Quân thay nhau kéo về làm cầu nối, thì chúng ta thường trực có 8-9 người ở phần sân nhà.
Điều này tỏ ra rất bất hợp lý khi ĐT Thái Lan không chủ trương lấy tấn công làm đầu. Thậm chí, "Zico Thái" còn co đội hình về sơ đồ 4-4-1-1 và chỉ cắm Dangda nơi tuyến đầu.
Người Thái hò nhau kéo về nửa sân nhà mỗi khi mất bóng, tạo ra bức tường phòng ngự hai lớp có chiều sâu rất kín kẽ. HLV Miura không biết có nhận ra điều đấy không, nhưng 90 phút, ĐT Việt Nam vẫn giữ nguyên 5 hậu vệ. Sau đó, ông rút trung phong duy nhất là Mạc Hồng Quân ra sân sau hiệp đấu đầu tiên và tiếp tục dùng ba cầu thủ có lối chơi giống nhau là Văn Quyết, Công Vinh và Công Phượng.
Sự thay đổi này khiến ĐT Việt Nam không những không cải thiện được tình hình mà trái lại, chúng ta còn bị hụt hơi mỗi khi đua tốc độ với đối phương. Hàng thủ đông người, lùi sâu chưa kịp dâng lên đã bị đánh bật trở lại. Hàng công thường xuyên thay nhau lùi về kiếm bóng đến lúc cần lên thì đã mệt mỏi rã rời. Điều này lý giải vì sao, khoảng 20 phút cuối, ĐT Việt Nam chịu trận và tỏ ra bất lực trước sự lấn lướt của người Thái.
Trong giải pháp tấn công của ĐT Thái Lan, Dangda là mũi nhọn chơi cao nhất trên sơ đồ. Nhưng cầu thủ này không đóng vai sát thủ, mà nhận nhiệm vụ cầu nối. Dangda lùi về đập nhả, dồn bóng vào hai nách được tạo bởi khe hở giữa các trung vệ và hậu vệ biên của ĐT Việt Nam.
Từ tuyến hai, các vệ tinh xung quanh Dangda như Anan, Mongkol, Channathip, Tristan Do chớp thời cơ băng lên gây nhiễu loạn hàng thủ ĐT Việt Nam. Lối chơi đấy chính là cách Zico Thái “điểm huyệt” vào tâm lý sợ thua và thận trọng thái quá của người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến.
Tuyển Việt Nam tấn công rất hạn chế dù sử dụng hết 3 sự thay đổi người. Ảnh: Anh Tuấn |
Nói về ĐT Việt Nam, khi chúng ta chấp nhận chơi phòng thủ số đông và lựa chọn mũi khoan Văn Quyết, Công Vinh từ hai cánh băng vào nhận những đường chuyền vượt tuyến và trung bình thì hiệu quả mang lại rất thấp.
Trong khi đó, hàng thủ quá đông gây ra khó khăn cho chính ĐT Việt Nam khi chẳng ai có nhiệm vụ cụ thể, nhưng tất cả lại lại sơ suất trong cả hệ thống “dùng chung”. Trong cả ba bàn thắng mà ĐT Thái Lan ghi được, thực tế là chúng ta rất đông người, nhưng chỗ cần bịt thì… vẫn hở.
Thua một trận đấu không phải là điều quá lớn. Nhưng điều khiến NHM buồn là cách dụng binh mà HLV Miura thể hiện không có dấu hiệu tích cực, trong khi với con người hiện có, ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt hơn!