Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện tại, lượng nước về tại nhiều hồ thủy điện ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm.
Tính đến hết đầu tháng 10, mức nước của 26/37 hồ chứa thủy điện của EVN ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện khoảng 19,67 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 7,67 tỷ m3 (tương đương gần 2 tỷ kWh điện).
Một thủy điện tại Tây Nguyên có mực nước chết. Ảnh: EVN. |
Lũy kế 9 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất tại các nhà máy thủy điện đạt 51,98 tỷ kWh, giảm 18,3% (tức giảm 11,7 tỷ kWh) so cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng điện than tăng 35%, đạt 88,05 tỷ kWh, điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 3,51 tỷ kWh.
Đặc biệt, trong 20 ngày đầu tháng 10, sản lượng điện toàn hệ thống là 13,2 tỷ kWh, trong đó EVN phải huy động 178 triệu kWh nguồn điện dầu. Theo EVN, nguồn điện dầu có giá thành cao khoảng 3.500-5.000 đồng/kWh. Chi phí nguồn thủy điện khoảng 1.100 đồng/kWh, còn điện than là 1.600-1.900 đồng/kWh.
Với nhu cầu điện được dự báo tiếp tục tăng trưởng cao trong khi không có dự phòng nguồn điện, EVN cho biết lượng lớn nguồn điện dầu cần huy động trong 3 tháng cuối năm sẽ là thách thức tài chính nghiêm trọng. Ước tính cả năm cần huy động khoảng 1,56 tỷ kWh nguồn điện chạy dầu với chi phí cao.
Ngoài ra, EVN cũng cho biết sản lượng điện sản xuất và mua cả năm 2019 ước đạt 226,4 tỷ kWh, trong đó sản lượng điện thương phẩm ước đạt 211,4 tỷ kWh, tăng 9,9% so với năm 2018.
Trước đó, EVN công bố báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu thuần đạt 187.542 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đà tăng giá vốn mạnh hơn (gần 18%) khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ tăng 3,9%, đạt 19.976 tỷ đồng.
Trong khi đó, hàng loạt chi phí khác như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng khiến lợi nhuận ròng giảm 60%, xuống mức 408 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận bán niên thấp nhất của EVN trong 3 năm trở lại đây.