Sáu tháng sau khi mở tuyến bay ngắm cảnh từ thủy phi cơ đầu tiên tại Việt Nam với địa danh nổi tiếng thế giới là vịnh Hạ Long (xuất phát từ Hà Nội), hãng Hàng không Hải Âu đã có thêm một tuyến bay nữa là TP HCM - Phan Thiết và đang đề xuất mở thêm hàng loạt tuyến ở các tỉnh phía Nam.
Mới 2 đường bay được duyệt
Đối với tuyến bay ngắm cảnh TP HCM từ trên cao, Hãng Hàng không Hải Âu chính thức đề xuất hành trình bay dự kiến xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất - bán đảo Thanh Đa - khu trung tâm TP - cầu Phú Mỹ và điểm cuối hành trình là Cần Giờ.
Theo đó, du khách sẽ được thưởng lãm TP HCM từ độ cao 150-300 m, sau đó bay qua bán đảo Thủ Thiêm, xuống rừng ngập mặn Cần Giờ và hạ cánh cạnh trung tâm Khu Du lịch sinh thái Vàm Sát. Tần suất khai thác thời gian đầu là 1 chuyến một ngày với giá vé khứ hồi khoảng 12 triệu đồng một người. Thời gian đề xuất thực hiện bắt đầu từ tháng 6/2015.
Thủy phi cơ của hãng Hàng không Hải Âu từ TP HCM đáp xuống bờ biển TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. |
Mới đây, hãng cũng đề xuất với UBND tỉnh Ninh Bình về việc mở tour du lịch cho khách ngắm danh thắng Tràng An từ thủy phi cơ. Trên hành trình này, thủy phi cơ sẽ bay ở độ cao từ 300-2.000 m.
UBND tỉnh Ninh Bình đang lập đề án khảo sát, lấy ý kiến các ngành có liên quan về chủ trương mở tour du lịch này. Một tuyến du lịch mới cũng đang được Hãng Hàng không Hải Âu hoàn tất các thủ tục pháp lý và cơ sở hạ tầng để khai thác là TP HCM - Cần Thơ và TP HCM - Châu Đốc (An Giang).
Ban đầu, hãng dự định mở tuyến bay đầu tiên đưa du khách ngắm cảnh vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) nhưng không được chấp thuận nên chuyển sang khai trương tour ngắm cảnh tại vịnh Hạ Long.
Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Hải Âu, kinh doanh hoạt động hàng không chung (sử dụng máy bay loại nhỏ phục vụ tìm kiếm, cứu nạn, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao, bay phục vụ nhu cầu cá nhân...) gặp nhiều khó khăn hơn so với kinh doanh hàng không (nhằm mục đích vận chuyển công cộng hành khách, hành lý, hàng hóa…) vì chưa hoàn thiện khung pháp lý.
Đơn cử như việc mở đường bay của một hãng hàng không thương mại chỉ cần dựa trên cơ sở khảo sát thị trường, xin cấp phép bay là có thể hoạt động được vì đã sẵn có đường hàng không. Hiện nay, ngành hàng không chưa kịp xây dựng thể chế hóa quy định cho hoạt động hàng không chung để thuận lợi cho thủy phi cơ.
Hơn nữa, quy hoạch bầu trời một cách chi tiết theo bản đồ địa lý và tầng cao cũng chưa được hoàn tất nên từ năm 2014 đến nay mới chỉ có 2 đường bay cho thủy phi cơ được phê duyệt. Theo mô hình kinh doanh khai thác của Hải Âu, mỗi máy bay có mức độ linh hoạt rất cao trong khai thác, cất/hạ cánh trên biển, hồ và cũng có thể cất/hạ cánh trên đường băng có cỏ, đường ô tô nếu cần.
Cũng theo ông Nam, tiềm năng du lịch thủy phi cơ ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, bất cứ địa phương nào ở đây cũng mở thủy phi cơ được nếu có chính sách phù hợp. Về thị trường, mỗi năm dịch vụ này có thể đưa vào 100.000 du khách quốc tế nhưng vì chưa có cơ chế, chính sách, thủ tục cho hàng không chung nên 3 chiếc thủy phi cơ của Hải Âu mua về hiện giấy phép bay được cấp mới đủ để khai thác hơn một chiếc.
Doanh nghiệp đã đàm phán gói mua 20 chiếc với thời gian giao nhận trong vòng 5 năm nhưng phải tạm hoãn giao nhận, chờ sự tháo gỡ cơ chế chính sách mới dám đưa về để không bị “đắp chiếu”.
Thiếu khung pháp lý
Theo Cục Hàng không Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đã đề cập đến hoạt động hàng không chung nhưng thực tế triển khai còn nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý.
Hãng Hàng không Hải Âu thành lập năm 2011 nhưng phải chờ đến năm 2014 mới chính thức cất cánh cũng một phần vì những hạn chế này. Cụ thể là hiện chưa có quy chế bay tầm thấp cho hoạt động của thủy phi cơ và trực thăng.
Thông tư về quản lý hoạt động bay của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng chưa đề cập đến loại hình này. Để thủy phi cơ được bay, doanh nghiệp phải đồng thời xin phép Bộ Quốc phòng (là cơ quan cấp phép) và Bộ GTVT (là cơ quan điều hành).
Khó khăn đặt ra cho mỗi tuyến du lịch ngắm cảnh bằng thủy phi cơ là phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề về quản lý vùng trời, an toàn giao thông hàng không, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra…