Sau hơn 5 tháng đàm phán, câu chuyện bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh mùa 2016-2019 ở Việt Nam vẫn chưa ngã ngũ. Ảnh: Sky Sports |
Bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) 3 mùa giải 2016-2019 tại Việt Nam gây nhiều tranh cãi thời gian qua, đặc biệt là những ý kiến phản đối K+ “xé rào” đàm phán riêng với đối tác MP&Silva – đơn vị thắng thầu gói bản quyền phát sóng ở Việt Nam.
Ngày 13/4, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có báo cáo gửi lên Bộ Thông tin và Truyền thông, để xin ý kiến trước khi tuyên truyền về việc không mua và khai thác bản quyền EPL, trước mắt là mùa 2016-2017. VNPayTV cũng kiến nghị lên Bộ Thông tin và Truyền thông dừng quyền phát sóng của đơn vị thành viên, nếu họ đàm phán riêng với MP&Silva để mua bản quyền EPL.
Khó cấm phát sóng Ngoại hạng Anh ở Việt Nam
Theo quan điểm của luật sư Phạm Xuân Dương, Hiệp hội VNPayTV "đề xuất thì cứ đề xuất", còn việc tước quyền phát sóng hay không là quyết định của Bộ Thông tin và Truyền Thông với cơ quan chủ quản của đơn vị truyền hình đó.
"Việt Nam chúng ta đã tham gia thương mại toàn cầu, việc cấm phát sóng hay không đều phải dựa trên luật, ở đây gồm cả luật quốc tế và luật quốc gia. Chương trình bóng đá Ngoại hạng Anh cũng giống như bao chuyên mục giải trí khác, không vi phạm luật thì khó mà cấm đoán được", luật sư Phạm Xuân Dương chia sẻ.
Các đài truyền hình hoạt động theo cơ chế thị trường, với tư cách như một doanh nghiệp. Bởi vậy, việc K+ muốn tự do đàm phán mua bản quyền EPL để phục vụ mục tiêu đầu tư, kinh doanh là hoàn toàn đúng. K+ là doanh nghiệp liên doanh, lỗ - lãi và tài chính tự chủ chứ không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Tôn trọng luật cạnh tranh và chống vi phạm bản quyền, hành xử văn minh khi hội nhập quốc tế là những thông điệp được chia sẻ xoay quanh vấn đề mua bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh 2016-2019. |
Có thể thuê chuyên gia nước ngoài đàm phán với MP&Silva
Theo quan điểm của luật sư Phạm Xuân Dương, động thái MP&Silva từ chối thương thảo với ban đàm phán của VNPayTV có nhiều lý do.
Ban đàm phán của VNPayTV gửi báo cáo lên Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh với giá tiết kiệm, không vượt quá 20% so với 3 mùa giải trước (2013-2016).
Cụ thể, nếu phía Việt Nam muốn giải quyết khúc mắc trong vấn đề này, VNPayTV và các đơn vị truyền hình hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông có thể cử chuyên gia nghiên cứu quy tắc, quy chế quản lý đấu thầu giải Ngoại hạng Anh. Nếu cần thiết, Việt Nam nên thuê chuyên gia nước ngoài để tìm hiểu bản chất MP&Silva từ chối đàm phán với VNPayTV là đúng hay sai, qua đó sớm có chỉ đạo để chốt lại câu chuyện bản quyền giải Ngoại hạng Anh.
Trường hợp 1, nếu MP&Silva nói sai, VNPayTV vẫn đủ tư cách để đàm phán mua bản quyền truyền hình ngoại hạng Anh. "Lúc này, chúng ta nắm đằng chuôi khi công ty truyền thông của Italy lộ bài. Như vậy, tất cả các đơn vị truyền hình Việt Nam có thể tự tin quy về một mối để ban đàm phán của VNPayTV thương thảo mua bản quyền Ngoại hạng Anh với giá hợp lý, không bị ép giá, thổi giá quá cao", ông Dương nói.
Trường hợp 2, ban tổ chức Ngoại hạng Anh có quy tắc nghiêm cấm các nhà đài liên minh với nhau thành một hiệp hội để mua bản quyền truyền hình. Như vậy, MP&Silva từ chối đàm phán với VNPayTV là đúng. Họ sẽ làm việc riêng rẽ với từng đơn vị truyền hình ở Việt Nam. Lúc này, Bộ Thông tin và Truyền thông nên đưa ra định hướng mới để quán triệt các đơn vị như K+ tự đàm phán mua bản quyền.
Luật sư Phạm Xuân Dương hy vọng Bộ Thông tin và Truyền Thông sớm có định hướng để các doanh nghiệp truyền hình tự tin cạnh tranh lành mạnh với nhau, qua đó quyền lợi của người xem truyền hình được đảm bảo.
MP&Silva bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam năm 2009, là một tập đoàn truyền thông và tiếp thị thể thao quốc tế.
MP&Silva hoạt động trong lĩnh vực phân phối bản quyền truyền hình của các Liên đoàn thể thao, các giải vô địch quốc gia, cũng như bản quyền truyền hình của một số sự kiện thể thao quan trọng hàng đầu thế giới.
Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đứng ra thành lập Ban đàm phán (gồm 10 đơn vị truyền hình) để mua bản quyền Ngoại hạng Anh với giá tiết kiệm nhất, không làm thất thoát ngoại tệ ra nước ngoài.