Người này yêu cầu được bảo mật thông tin cá nhân và khẳng định vị trí kho báu nằm cách vị trí trước đây ông Trần Văn Tiệp tìm kiếm hơn 1 km, cụ thể là ở 3 vị trí cách nhau chừng 500 m, dưới lớp bê-tông dày chừng 40-50 cm, sâu 7-10 m.
Sau khi tiếp nhận thông tin, ngay trong chiều 4/3, ông Đặng Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Phước Thể, cùng đại diện một số đơn vị liên quan của xã đã tới hiện trường xác định vị trí mà người nói trên khai báo có kho báu, lập biên bản hiện trường để báo cáo ngành chức năng.
Hiện trường trên Núi Tàu thời điểm ông Trần Văn Tiệp thực hiện việc thăm dò tìm kho báu . |
Để bảo đảm an ninh trật tự, chính quyền xã Phước Thể không công bố chính thức nơi mà người này đã chỉ vị trí được cho là có kho báu. “Chúng tôi sẽ báo cáo với cấp trên để có hướng chỉ đạo tiếp theo” - ông Long cho biết. Tuy nhiên, ngay sau khi tin vị trí kho báu Núi Tàu tiết lộ trên phương tiện truyền thông, người dân xã Phước Thể đã bắt đầu xôn xao, bàn tán.
Ngày 5/3, chúng tôi liên lạc với chính quyền huyện Tuy Phong nhưng được trả lời do đang ngày nghỉ nên chính quyền huyện không làm việc, chính quyền xã Phước Thể sau khi thực địa chưa kịp báo cáo nên huyện chưa nắm rõ.
Trước đó, từ năm 1993 đến tháng 10/2011, ông Trần Văn Tiệp và một số cộng sự tổ chức thăm dò, đầu tư nhiều tiền của để tìm manh mối về kho báu được cho là 4.000 tấn vàng do người Nhật chôn giấu trên Núi Tàu từ sau Thế chiến thứ hai. Cuối năm 2011, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt phương án thăm dò của ông Tiệp và ông này đã ký quỹ hơn 500 triệu đồng để tiến hành thăm dò, có nhiều nhà ngoại cảm, kỹ sư địa chất… hỗ trợ tìm kiếm nhưng không thấy manh mối.
Ông Tiệp xin gia hạn thời gian thăm dò thêm 2 lần (từ năm 2012 đến tháng 6/2013) nhưng cũng không thấy kho báu. Lần cuối cùng, ông Tiệp xin gia hạn đến hết tháng 12/2014 và đã cho nổ mìn 7 đợt với tổng lượng thuốc nổ gần 1.900 kg tại nhiều vị trí nhưng vẫn không tìm thấy gì nên UBND tỉnh Bình Thuận chấm dứt việc thăm dò. Hiện ông Tiệp đã 101 tuổi, đang sống với con cháu ở TP HCM.