Việc giải thể và sáp nhập đã được thực hiện từ ngày 1/6 vừa qua.
Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là về quá trình thu, chi ngân sách Nhà nước… để cải cách thủ tục hành chính hiệu quả, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch với Kho bạc.
Việc sắp xếp lại bộ máy lần này cũng giúp Kho bạc tinh gọn lại bộ máy đầu mối quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống theo định hướng phát triển đến năm 2020.
Chia sẻ về quá trình giải thể và sáp nhập này, ông Tạ Anh Tuấn cho biết việc triển khai này phù hợp với chiến lược phát triển và xu hướng cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả trong khu vực công của Việt Nam cũng như trên thế giới.
Ông Tạ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước. Ảnh: TBTCVN. |
Việc sắp xếp này cũng nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, cấp ủy và chính quyền địa phương, cũng như sự quyết tâm cải cách của cả hệ thống Kho bạc Nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng việc sáp nhập 43 phòng giao dịch có một số tác động, ảnh hưởng nhất định đối với hệ thống. Cụ thể, do việc thay đổi này liên quan đến tổ chức bộ máy, con người, nên có thể có nơi, có lúc, có cán bộ phát sinh những tâm tư nhất định.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết 04 nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành.
Đồng thời, Bộ trưởng Tài chính cũng ban hành Quyết định số 516/QĐ-BTC ngày 13/4 về việc giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh
Từ năm 2015 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã cắt giảm tổng cộng 122 phòng tại cấp tỉnh, giảm trên 1.900 tổ tại các đơn vị trực thuộc cấp huyện.