Khi Thống đốc mạnh tay
Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã có bước ngoặt mới. Trong công văn giải trình trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra dự thảo về việc áp dụng đề án tái cơ cấu ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, để xử lý các trường hợp tái cơ cấu ngân hàng yếu kém không khả khi do bị các cổ đông lớn phản đối, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo quyết định về việc bắt buộc các cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối phải chuyển nhượng vốn góp, cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng được chỉ định.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. |
Dự thảo này đã được trình lên Thủ tướng chờ phê duyệt. Nếu được thông qua, đây sẽ là công cụ mạnh nhất trong số các biện pháp áp dụng trong đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Trong hơn 2 năm qua, đã có 4 thương vụ mua bán - sáp nhập giữa các tổ chức tín dụng được chính thức công bố. Ngoài ra, còn có 2 ngân hàng là TienPhongBank và Đại Tín được chấp thuận phương án tự cơ cấu. Trong đó, TienPhongBank đã phần nào cải thiện được hiệu quả hoạt động sau khi bán 20% cổ phần cho DOJI. Còn Đại Tín thì vừa chuyển đổi thành ngân hàng xây dựng Việt Nam với định hướng tập trung cho vay lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Như vậy, trong danh sách 9 ngân hàng bắt buộc phải tái cơ cấu, chỉ còn 2 ngân hàng chưa thấy chuyển biến tích cực là Navibank và ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Đó có thể là đối tượng nhắm đến của quyết định này.
Đối với Navibank, hiện ông Đặng Thành Tâm đã rời khỏi Hội đồng Quản trị. Tính đến cuối năm 2012, ông Tâm còn sở hữu khoảng 4,93% cổ phần. Ngoài ông Tâm, ngân hàng còn một số cổ đông lớn như công ty cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định và Gemadept.
GPBank là ngân hàng có rất ít thông tin được công bố. Vào cuối năm 2010, cổ đông lớn nhất của GPBank không phải là tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà là công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư FPT với tỉ lệ sở hữu 5,84%.
Ngoài Navibank và GPBank, với tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay và nợ xấu tăng cao, một số ngân hàng khác cũng có thể sẽ bị tái cơ cấu bắt buộc như ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) khi tỉ lệ nợ xấu cuối năm ngoái tăng lên đến 8,4%. Hiện nay, cổ đông lớn nhất của PG Bank là tập đoàn Xăng dầu Việt Nam với 40% vốn.
Một điều đặc biệt là cho đến nay, các thương vụ tái cấu trúc của các ngân hàng đều diễn ra trên cơ sở tự nguyện của các cổ đông và chưa có trường hợp nào Ngân hàng Nhà nước phải trực tiếp can thiệp. Điều này tuy giúp Nhà nước không tốn chi phí quá lớn nhưng lại làm chậm quá trình tái cơ cấu, đặc biệt khi vấp phải sự chống đối của nhóm lợi ích. Do đó, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, quyết định can thiệp trực tiếp, nắm quyền sở hữu các ngân hàng yếu kém là đáng hoan nghênh. “Đây chính là biện pháp quốc hữu hóa ngân hàng”, ông nói.
Trên thực tế, quốc hữu hóa thường được sử dụng ở các nước phát triển như Mỹ, Anh khi hệ thống tài chính gặp rắc rối. Khi khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, Chính phủ Mỹ mà đại diện là Cục Dự trữ Liên bang, tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, hay Bộ Tài chính Mỹ đã hành động quyết liệt. Họ đã nhảy vào chiếm quyền sở hữu một số tổ chức tài chính như AIG, Washington Mutual, Fannie Mae, Freddie Mac để hạn chế khủng hoảng lan rộng. Chính phủ Mỹ cũng chi tiền để mua cổ phiếu ưu đãi của các ngân hàng lớn như Citigroup, để thông qua đó bơm vốn hỗ trợ.
“Việc sở hữu này chỉ là tạm thời”, ông Hiếu nói. Sau khi tiếp nhận quyền sở hữu, Chính phủ Mỹ tiến hành tái cấu trúc ngân hàng rồi bán toàn bộ hay một phần tài sản cho các tổ chức khỏe mạnh khác.
Nhìn chung, các biện pháp can thiệp trực tiếp này là khá hiệu quả, giữ được niềm tin của nhà đầu tư, người gửi tiền và giúp các ngân hàng nhanh chóng ổn định và có lãi trở lại. Quý I/2013, các ngân hàng Mỹ đã báo cáo lợi nhuận đạt mức kỷ lục 40 tỷ USD.
Hãy quay trở lại với Việt Nam. Hành động kiên quyết của Ngân hàng Nhà nước rất phù hợp với thực tế. “Việc thâu tóm các ngân hàng yếu kém sẽ giữ được niềm tin vào hệ thống ngân hàng”, Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành công ty chứng khoán TP.HCM nhận xét. Theo ông, sau khi thâu tóm, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng này và thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, bao gồm làm sạch bảng cân đối kế toán, cải thiện khả năng quản trị và cả tìm đối tác mua lại ngân hàng.
Vậy tại sao không cho các ngân hàng yếu kém phá sản thay vì phải tốn chi phí để tái cấu trúc chúng? Theo ông Fiachra, đối với các hệ thống tài chính đã trưởng thành, việc cho phép một số ngân hàng đóng cửa là điều có thể. Tuy vậy, đối với hệ thống tài chính còn non trẻ như Việt Nam, hành động này có thể rất nguy hiểm. Do đó, ý tưởng Ngân hàng Nhà nước thâu tóm các ngân hàng yếu vẫn tốt hơn.
Còn theo TS Hiếu, việc đóng cửa ngân hàng sẽ buộc Nhà nước phải trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền. Tuy nhiên, quy định hiện tại (giới hạn chi trả tiền gửi bảo hiểm chỉ là 50 triệu đồng) có thể sẽ khiến người dân bị thiệt. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp quản các ngân hàng yếu, tái cấu trúc và cải thiện hiệu quả hoạt động của chúng.
Dù là chủ trương đúng nhưng để việc quốc hữu hóa phát huy hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cần làm nhiều việc. Trong đó, phải thống nhất những tiêu chí xác định thế nào là ngân hàng yếu và thâu tóm chúng, tránh trường hợp chính sách đã đưa ra nhưng sau đó lại thay đổi. Một vấn đề khác là phải chuẩn bị một đội ngũ có đủ năng lực để quản trị ngân hàng bị thâu tóm.
Quốc hữu hóa các ngân hàng yếu kém, khi kết hợp với việc nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức tín dụng, có thể sẽ tạo tác động cộng hưởng, tạo lực đẩy cho quá trình tái cấu trúc ngân hàng Việt Nam.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư