Cơn bão Harvey gây lụt tại Houston (Texas, Mỹ) năm 2017. Ảnh: Nick Oxford/Reuters. |
Ban đầu, những người theo chủ nghĩa tự nhiên thường nhắc tới “thời gian sâu thẳm” - nhận thức mà họ có được về sự chậm chạp sâu sắc của thiên nhiên khi họ chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thung lũng này hay thềm đá nọ. Nhưng quan điểm này biến đổi khi lịch sử tăng tốc.
Những vật dụng sẵn có đối với chúng ta lại là những thứ mà thổ dân Australia coi là “hoàng kim”, hay “vĩnh cửu” khi trò chuyện với các nhà nhân chủng học thời Victoria: một trải nghiệm bán thần thoại ở hiện tại, về cuộc gặp gỡ với một thời quá khứ vượt-khỏi-thời-gian, khi các vị tổ tiên, anh hùng, và á thần tụ tập chen chúc trên một sân khấu sử thi. Bạn có thể chứng kiến điều đó khi theo dõi dấu vết một tảng băng trôi đổ sụp xuống biển - cảm giác như mọi biến cố lịch sử xảy ra cùng một lúc.
Đúng vậy. Ở Bắc Bán Cầu, mùa hè năm 2017 mang đến thời tiết cực đoan chưa từng thấy: ba cơn bão lớn liên tiếp phát sinh trên Đại Tây Dương; trận mưa hoành tráng “500.000 năm có một” từ cơn bão Harvey, đổ xuống Houston gần bốn nghìn mét khối nước cho hầu hết mọi người dân trên toàn bang Texas; các vụ cháy rừng tại California, chín nghìn vụ trong số đó thiêu rụi diện tích hơn bốn triệu hecta đất đai, và số vụ cháy rừng ở vùng Greenland băng giá gia tăng gấp mười lần so với năm 2014; lũ lụt ở Nam Á buộc sơ tán 45 triệu người khỏi nơi trú ngụ.
Sau đó, kỷ lục trong mùa hè năm 2018 đã khiến năm 2017 có vẻ bình dị một cách tích cực. Nó mang đến một đợt nắng nóng toàn cầu chưa từng thấy, với nhiệt độ lên tới 108 độ Fahrenheit ở Los Angeles, 122 ở Pakistan, và 124 ở Algeria.
Trong các đại dương, sáu cơn bão và bão nhiệt đới xuất hiện cùng lúc trên các màn hình radar, gồm có cơn bão Mangkhut, tấn công Philippines và sau đó là Hong Kong, giết chết gần 100 người, gây thiệt hại một tỷ đô la, và một cơn bão khác, Florence, làm tăng gấp đôi lượng mưa trung bình hàng năm ở Bắc Carolina, giết chết hơn 50 người, và gây thiệt hại 17 tỷ đôla.
Có những trận cháy rừng ở Thụy Điển, dọc theo Vòng Bắc Cực và xuyên suốt nhiều nơi trên miền Tây nước Mỹ đến nỗi một nửa lục địa phải chiến đấu với khói, sau cùng, những đám cháy đó thiêu đốt diện tích gần sáu trăm nghìn hecta. Nhiều khu vực của Công viên Quốc gia Yosemite bị đóng cửa, tương tự Công viên Quốc gia Glacier ở Montana, nơi nhiệt độ cũng đạt đỉnh 100 độ Fahrenheit. Năm 1850, khu vực này có 150 sông băng; hiện tại chỉ còn 26 trong số đó chưa tan chảy.
Ảnh: Getty Image. |
Đến năm 2040, mùa hè năm 2018 dường như sẽ trở nên bình thường. Nhưng thời tiết cực đoan không phải là vấn đề “bình thường”; đó là tiếng gào thét vọng về phía chúng ta từ rìa các sự kiện khí hậu ngày càng tồi tệ hơn.
Một trong những đặc điểm đáng sợ nhất của sự biến đổi nhanh chóng của khí hậu: không chỉ thay đổi trải nghiệm hàng ngày của thế giới, dù nó làm điều đó một cách đáng kể; nó còn làm cho các sự kiện dị biệt không thể tưởng tượng được trở nên phổ biến hơn nhiều, và biến tất cả các loại thảm họa mới thành có thể.
Theo Hội đồng Tư vấn Khoa học của Viện Hàn lâm châu Âu, số lượng các cơn bão đã tăng gấp đôi kể từ năm 1980; và hiện ước tính rằng New York sẽ phải hứng chịu những cơn lũ “500 năm có một” cứ sau mỗi 25 năm. Nhưng mực nước biển dâng cao hơn ở những nơi khác, nghĩa là sóng cồn do bão phân phối không đồng đều; tại một số nơi, bão với quy mô đó sẽ tấn công thường xuyên hơn.
Kết quả là trải nghiệm về thời tiết cực đoan được tăng tốc triệt để - các thảm họa thiên nhiên từng xảy ra chỉ một lần trong hàng thế kỷ đã bị nén lại chỉ trong một hoặc hai thập kỷ. Trong trường hợp Đảo Đông Hawaii, nơi biến mất dưới làn nước sau một cơn bão, đó chỉ là một hoặc hai ngày.
Còn lâu chúng ta mới đầu tư tương xứng vào hệ thống phòng vệ trước những cơn bão mà chúng ta vẫn đang tiếp tục xây dựng ngay trên quỹ đạo chúng đi qua - như thể chúng ta là những chủ nhà chỉ biết kêu ca về chuyện đất đai của mình bị xóa sổ vào mỗi mùa hè bởi những cơn lốc xoáy, tự mù quáng biến mình thành thế hệ bị thiên tai trừng phạt.
Thực ra, chuyện còn tồi tệ hơn, vì việc lát nền bê tông trên những đường bờ biển dễ bị tấn công ngăn cản hệ thống thoát nước tự nhiên, khiến những trận lũ kéo dài thêm, điều này dễ thấy nhất ở Houston và New Orleans. Chúng ta tự vỗ về bản thân rằng mình đang “phát triển” đất đai - trong một số trường hợp là từ đầm lầy.
Nhưng thực sự, thứ chúng ta đang xây dựng chính là cây cầu dẫn đến sự đau khổ dành cho bản thân, vì không chỉ những cộng đồng bê tông mới được xây dựng ngay trên vùng trũng dễ bị tấn công, mà cả những cộng đồng phía sau, vốn được xây dựng với mong muốn khu vực đầm lầy cũ có thể bảo vệ mình. Điều này đặt ra câu hỏi về chuyện chúng ta có ý gì khi dùng cụm từ “thảm họa tự nhiên” trong thế Nhân Sinh.
Trong quá khứ, ngay cả quá khứ gần đây, những thảm họa như vậy xuất hiện với ý nghĩa tâm linh và logic luân lý không thể hiểu được. Chúng ta có thể thấy chúng xuất hiện, trên radar và thông qua vệ tinh, nhưng không thể hiểu rõ về chúng - không theo cách thực sự có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa chúng với nhau. Thậm chí những người vô thần và bất khả tri cũng có thể thấy mình thì thầm cụm từ “ý trời” khi nói về hậu quả của một cơn bão, cháy rừng, hoặc lốc xoáy, chỉ để diễn tả việc không thể giải nghĩa được khi phải hứng chịu những nỗi đau như vậy mà không có tác giả đứng phía sau, không có ai để đổ lỗi. Biến đổi khí hậu sẽ thay đổi điều này.