Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi Phạm Anh Khoa và CSAGA đổ lỗi cho môi trường showbiz

Sự “thiếu hiểu biết” mà ca sĩ Phạm Anh Khoa và đại diện CSAGA đưa ra chỉ là chiêu trò đổ lỗi cho môi trường showbiz nhằm biện minh cho hành vi quấy rối tình dục.

Phạm Anh Khoa: 'Ở showbiz, vỗ mông nhau cũng là cách chào hỏi' Trong talk show xin lỗi sau khi bị tố quấy rối tình dục được phát chiều 12/5, Phạm Anh Khoa cho rằng việc đụng chạm ở showbiz là điều anh thường xuyên chứng kiến.

Ca sỹ Phạm Anh Khoa đã có một lời xin lỗi chung chung tới người hâm mộ và những ai từng bị anh gây tổn thương mà không hề đề cập đến Phạm Lịch, Hà My hay M.P, những phụ nữ đã tố anh ta gạ tình và quấy rối tình dục.

Trung tâm bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em CSAGA cũng đưa ra lời xin lỗi cũng không kém phần chung chung trên trang fanpage chính thức: “Chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến những người cảm thấy tổn thương và thất vọng sau khi xem clip”.

Việc CSAGA sử dụng từ “cảm thấy" cho thấy họ xin lỗi vì đã động chạm đến cảm xúc của công chúng, khiến dư luận phẫn nộ. Họ thừa nhận chương trình có những “mặt hạn chế", nhưng không thừa nhận cách tiếp cận của họ sai.

Đùn đẩy trách nhiệm 

Điều này vô cùng nguy hiểm vì CSAGA đã dùng cái cớ “thiếu hiểu biết" để bao biện cho hành vi của Phạm Anh Khoa và lái trách nhiệm sang môi trường showbiz, nơi “vỗ mông như lời chào hỏi” và “thiếu người giám sát”. 

Điều kỳ lạ nữa là đối với CSAGA, việc Phạm Anh Khoa thừa nhận điều đó, chưa cần xin lỗi đích danh người bị tổn thương, chưa cần biết lời tố cáo nghiêm trọng đến mức nào, là đủ để tổ chức này tiếp tục cùng nam ca sĩ đồng hành trong chiến dịch bảo vệ phụ nữ.

pham anh khoa bi to ga tinh anh 1
“Xin lỗi, tại tôi không hiểu và vô tư, bỗ bã ấy mà" là lời xin lỗi đánh lạc hướng. Ảnh: FBNV.

Đây chính là cách đánh lạc hướng từ người bị tố cáo sang đổ lỗi cho hoàn cảnh và một sự sỉ nhục đối với nạn nhân.

Lý giải về cách tiếp cận này của CSAGA với báo chí, giám đốc Nguyễn Vân Anh, một mực cho rằng mình "không gỡ tội cho Phạm Anh Khoa" và "chỉ lắng nghe và cố 'tấn công' để cậu ấy tự thừa nhận xem đã làm những gì". 

Xuyên suốt mấy ngày vừa rồi, bà Vân Anh nhấn mạnh đàn ông phải thay đổi thì cuộc đấu tranh chóng quấy rối tình dục và chiến dịch #MeToo mới thành công được. Theo bà, lên án họ chỉ phản tác dụng mà thôi. "Thay vào đó, ta cần tìm mặt tốt của họ để cảm thông và giáo dục họ để thay đổi", bà Vân Anh nói.

Đúng, sự tham gia của đàn ông là cần thiết, chính Liên Hợp Quốc cũng có chiến dịch HeForShe kêu gọi đàn ông đứng lên bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ.

Tuy nhiên, CSAGA thất bại chính từ cách tiếp cận. Việc cố tìm ra mặt tốt, cố lý giải hành vi của Phạm Anh Khoa có thể xuất phát từ ý định tốt nhưng thực tế chỉ là một cách bao biện cho một rocker tự nhận là “bỗ bã” và “sống dựa vào cảm xúc".

Cô giáo khen học sinh trả bài

Trong clip, Phạm Anh Khoa nhận được câu hỏi như sau: “Tôi thì muốn anh xác nhận lại môt chút những cáo buộc của chị Lịch, chị Nga My và bạn mới xuất hiện chỉ lời nói không rõ mặt, danh tính đều chỉ tới bối cảnh khá cụ thể. Tôi muốn tò mò, trong hoạt động giới văn nghệ sỹ showbiz thì thực trạng đang diễn ra như thế nào?”

Người phỏng vấn sau đó bình luận tiếp: “Trong giới nghệ sỹ của anh, nơi làm việc, thời gian làm việc nó khác gì so với nghề nghiệp khác?”

Lẽ ra, người phỏng vấn cần yêu cầu Phạm Anh Khoa xác nhận từng lời cáo buộc cụ thể. Những câu hỏi như vậy thực tế là hành động dùng nạn nhân làm nền để gợi ý người bị tố cáo vẽ ra một môi trường dường như đang mời gọi đàn ông quấy rối tình dục.

Và người phỏng vấn cũng không nên bình luận: “Lời xin lỗi tôi cho rằng chân thành, chân thực, có phần vụng về nhưng anh chia sẻ một cách thật lòng”. Đó chẳng khác nào lời khen của cô giáo dành cho một học sinh đã trả bài tốt. Phán xét người bị tố cáo không phải nhiệm vụ của người phỏng vấn.

pham anh khoa bi to ga tinh anh 2
Những câu hỏi của bà Vân Anh gợi ý cho Phạm Anh Khoa đổ lỗi cho môi trường showbiz để biện minh cho hành động của mình. 

Nếu như người ta hay đổ lỗi cho nạn nhân vì “ăn mặc hở hang” thì trong clip, người phỏng vấn đang đổ lỗi cho hoàn cảnh và sự “thiếu hiểu biết”. Điều này càng bộc lộ rõ khi bà Vân Anh hỏi Phạm Anh Khoa đã bao giờ được học về khái niệm quấy rối tình dục hay chưa. 

“Em có được, ví dụ trong trường em hay bất kì khoá học, tổ chức nào, ví dụ phòng thu của em cần có người giám sát, em được làm cái này, không được làm thế kia. Có bao giờ em được học cái đó chưa?”, bà Vân Anh hỏi. 

Tôi cũng không ngạc nhiên khi Phạm Anh Khoa trả lời là chưa với một câu hỏi cụ thể như vậy. Trong suốt gần 10 năm đi làm ở nhiều công ty khác nhau ở Việt Nam, tôi cũng chưa từng được học cái này bởi vì hầu hết nơi làm việc, không riêng gì ngành giải trí, không có quy tắc chính thức nào như vậy.

Nhưng tôi cũng kì vọng người như Phạm Anh Khoa từng làm đại sứ chương trình bảo vệ phụ nữ của CSAGA và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA ( đã chấm dứt hợp tác với nam ca sĩ) phải biết những kiến thức như vậy.

Đàn ông tôn trọng phụ nữ không cần cầm tay chỉ việc

Không một xã hội văn minh nào công khai chấp nhận đàn ông đã có vợ gạ tình phụ nữ khác, dù là đồng nghiệp, bạn hay người lạ, nhưng Phạm Anh Khoa vẫn tìm được lý do “thảo luận về cảm xúc" để biện minh cho câu "sờ soạng cơ thể bằng ánh mắt”.

Việc đơn giản là chỉ cho Phạm Anh Khoa thế nào là quấy rối tình dục mặc dù là điều kiện cần, nhưng không đủ nếu như anh không chịu đối mặt với góc rễ của vấn đề. “Thiếu hiểu biết” nói thẳng ra chỉ là biểu hiện thực tế người quấy rối coi thường phụ nữ mà thôi.

pham anh khoa bi to ga tinh anh 3
Người đàn ông tôn trọng phụ nữ sẽ không nói câu "Anh sờ soạng cơ thể em bằng ánh mắt" như cách Phạm Anh Khoa đã làm với Phạm Lịch. Ảnh: Bá Ngọc

Nhưng thông điệp được đưa ra trong clip là CSAGA không muốn làm Phạm Anh Khoa cảm thấy bị “dồn đến chân tường", họ cố tìm “điểm sáng” ở anh ta, họ vội vã trao cho nam ca sĩ cơ hội đi sửa sai trước khi anh ta có sự xác nhận rõ ràng về hành vi tố cáo.

Người đàn ông tôn trọng phụ nữ không cần phải cầm tay chỉ việc về các hành vi quấy rối. Họ sẽ hiểu được nguyên tắc chung là khi người đối diện nói không hoặc tỏ ra không thoải mái thì phải dừng lại thay vì chỉ chăm chăm tìm cách thỏa mãn dục vọng bản thân.

Và chừng nào không có cơ chế rõ ràng trong ngành để xử lý công minh những lời tố cáo quấy rối tình dục thì ta buộc phải dùng đến áp lực dư luận để tất cả phải hiểu rằng trong thời đại này, đàn ông không còn có cái quyền thích làm gì với phụ nữ thì làm.

Một khi Phạm Anh Khoa có sự xác nhận rõ ràng và biết nhận cái sai của mình thay vì đổ lỗi cho “thiếu hiểu biết", tôi tin rằng anh sẽ nhận được sự khoan dung của dư luận.

Tác giả Lê Giang Lam, tốt nghiệp Đại học Cambridge (Anh), là nhà báo tự do chuyên viết về các vấn đề xã hội của Việt Nam như bình đẳng giới, y tế và giới trẻ. Trước khi làm báo, Lam từng làm trong lĩnh truyền thông, nghiên cứu.

CSAGA xin lỗi sau cuộc trò chuyện gây tranh cãi với Phạm Anh Khoa

Chiều 14/5, Fanpage của tổ chức CSAGA đưa ra lời xin lỗi chính thức đến "những người cảm thấy tổn thương và thất vọng" sau khi xem clip đối thoại với ca sĩ Phạm Anh Khoa hôm 12/5.

Quỹ LHQ chấm dứt hợp tác với Phạm Anh Khoa sau bê bối quấy rối

Phạm Anh Khoa là Đại sứ hình ảnh về Phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái do UNFPA khởi xướng trong những năm qua.



Nhà báo Lê Giang Lam

Bạn có thể quan tâm