Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi 'người quen' làm hàng giả, nhái

Nhiều lúc hàng nhái, giả xuất phát không ở đâu xa mà do chính những người từng đồng hành cùng chủ sở hữu hàng thật.

Nếu không chủ động phòng ngừa sớm việc quản trị tài sản trí tuệ thì khi phát hiện hàng bị làm giả, nhái ngoài thị trường, doanh nghiệp (DN) sẽ phải đối mặt với cuộc chiến trường kỳ về pháp lý và vô cùng tốn kém. Kết quả chưa biết ra sao nhưng chuyện mất thị phần, mất niềm tin của khách hàng là không tránh khỏi. Trong cuộc chiến này, người tiêu dùng dễ thấy nhất là giá sản phẩm, dịch vụ giảm hơn nhưng đi kèm là sự gian lận về chất lượng.

Cuộc chiến với đồng nghiệp cũ

Vài tháng nay, bà Trương Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khỏe Đẹp (thương hiệu ATZ Healthy Life chuyên về dòng sản phẩm khỏe - đẹp - thơm, phát triển cửa hàng tại các trung tâm thương mại hạng A), liên tục nhận được câu hỏi từ bạn bè, đối tác về việc có phải bà vừa phát triển hệ thống tương tự ở phân khúc hạng trung hay không.

Nguyên nhân là thị trường vừa xuất hiện một chuỗi cửa hàng phân phối các sản phẩm túi chườm thảo mộc (mặt hàng chủ lực của ATZ) với giá thấp hơn từ 20%-40% với thành phần, công dụng được giới thiệu tương tự ATZ.

Doanh nghiệp hướng dẫn khách hàng phân biệt hàng thật và hàng giả.
Doanh nghiệp hướng dẫn khách hàng phân biệt hàng thật và hàng giả.

 

Theo bà Tâm, ATZ đã mất 5 năm để phát triển các sản phẩm túi chườm thảo mộc (giúp giảm đau bằng phương pháp nhiệt và hương thơm) với hành trình gian khó để được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

“Chúng tôi không liên quan đến chuỗi cửa hàng về túi chườm mới nhưng chủ nhân của chúng lại là những người quen. Một người là chuyên gia về nhượng quyền thương hiệu đến hợp tác với ATZ để phát triển thương hiệu nhưng “gãy gánh” giữa đường và một người từng thuê chung gian hàng trong hội chợ. Trong đó, một người được tôi chia sẻ chi tiết về sản phẩm, người còn lại có được doanh số bán hàng của ATZ nên đã tự tổ chức sản xuất, tranh giành thị trường. Họ chỉ bắt chước được cái “vỏ”, không thể đạt được chất lượng 100% như ATZ. Chúng tôi tin khách hàng sẽ nhận biết sự khác biệt này” - bà Tâm bày tỏ.

Cay đắng hơn là một trường hợp trong ngành nhựa tại TP HCM, kẻ làm nhái và người bị làm nhái sản phẩm lại là chị em ruột. Trước đây, trong Công ty TNHH Sản xuất Thương mại L., chị là giám đốc, còn em trai phụ trách kinh doanh. Sau đó, người em lập công ty riêng, đặt tên và sản xuất kinh doanh các mặt hàng tương tự.

Nhờ nắm được danh sách khách hàng, lấy mẫu mã từ công ty cũ để sản xuất mà không phải đầu tư nghiên cứu sản phẩm   phát triển thị trường nên công ty của người em có chi phí thấp hơn khiến DN của người chị mất đến 80% thị phần.

Hay như người điều hành xưởng làm hàng giả của Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn từng là thợ may chính của công ty.

Bảo hộ tài sản trí tuệ

Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Thị Thanh Hoa (Văn phòng Luật sư Long Thái và cộng sự) cho biết vấn đề vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ mà xuất phát từ yếu tố người nhà, đối tác, nhân viên,… là khá cao. Vì là người trong cuộc nên họ biết rõ về thị trường, cách làm ra sản phẩm. Từ đó, họ  dễ dàng làm hàng nhái để đánh lừa người tiêu dùng với giá rẻ để tranh giành thị trường với hàng thật.

“Để hạn chế bị làm giả, hàng nhái từ người quen hay người ngoài, DN nên chú trọng quản trị tài sản trí tuệ của mình bởi các yếu tố tạo nên giá trị của một sản phẩm đều là tài sản trí tuệ. Cần xác lập quyền (đăng ký bảo hộ) đối với các tài sản trí tuệ do DN mình tạo ra để tránh trường hợp bị người khác cố tình vi phạm” - luật sư Hoa đề xuất.

Luật sư Vũ Xuân Lâm (Công ty Luật Winco) cho rằng tỉ lệ nhóm làm hàng giả, hàng nhái do người quen tạo ra đang chiếm khoảng 1/3 các vụ vi phạm. “Với các sản phẩm thông thường, không yêu cầu trình độ kỹ thuật cao, chỉ cần người trong ngành thấy hàng bán chạy đều có thể làm giả, làm nhái. Trong trường hợp này, người bị vi phạm có thể kiện hoặc cải tiến sản phẩm để tạo nên sự khác biệt so với hàng nhái vì dù sao mình cũng là người đi trước có nhiều kinh nghiệm hơn” - luật sư Lâm nói.

Bà Trương Thị Thanh Tâm cho biết sau vụ việc trên, bà rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm. “Tôi đặt ra những nguyên tắc trong giao dịch để bảo vệ tài sản vô hình và hữu hình của công ty để phòng ngừa cạnh tranh không lành mạnh sau này” - bà Tâm nói.

 

Cần nhận biết nhà sản xuất

Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết khi mua hàng, cái người tiêu dùng cần là chất lượng và giá cả chứ không phải ai là người bán sản phẩm. Thông thường, hàng nhái có giá rẻ nhưng chất lượng kém hơn hàng thật. Hiện nay, khi nhà nước chưa thể thắt chặt việc quản lý hàng nhái, hàng giả, cách tốt nhất là người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình. Để phòng tránh hàng nhái, người tiêu dùng cần xem thông tin nhà sản xuất có trên bao bì sản phẩm bởi đây là thông tin cố định, còn người bán hàng hoặc nhân viên có thể thay đổi.

 

Khó chống hàng giả vì hàng nào cũng giả

Hàng giả tràn lan không chỉ khiến lòng tin người tiêu dùng giảm sút mà việc dẹp vấn nạn này cũng khó có thể thực hiện.

http://nld.com.vn/kinh-te/khi-nguoi-quen-lam-hang-gia-nhai-20151129224549542.htm

Theo Ngọc Ánh/Người lao động

Bạn có thể quan tâm