Ngày 17/1, bé Đ.N.A. (3 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật toàn thân do bị người tình của mẹ đóng 9 đinh vào đầu.
Trước đó, người đàn ông 30 tuổi này từng nhiều lần hành hạ với mục đích giết nạn nhân, bao gồm ép uống thuốc trừ sâu, nuốt dị vật và đánh gãy tay. Hắn thừa nhận không yêu thương A. bởi bé gái là con riêng của người tình.
Cuối tháng 12/2021, bé gái N.T.V.A. (8 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị người tình 26 tuổi của bố hành hạ tới tử vong. Tháng 9/2021, bé gái L.H.A. (6 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã qua đời sau khi bị bố ruột (43 tuổi) đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre.
Nạn nhân đều là trẻ em, vốn không có khả năng tự vệ hay phản kháng. Đặc biệt, do kỷ luật mang tính bạo lực trong gia đình vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, các em rất dễ bị tổn thương.
Trong khi đó, đối tượng gây ra những vụ bạo hành gần đây đều là những người trưởng thành, có đầy đủ nhận thức về hành vi của bản thân.
Nguyễn Văn Huyên, thủ phạm đóng đinh vào đầu cháu A., đã bị tạm giam từ ngày 20/1. Ảnh: Đ.X. |
Scott Miller, Giám đốc điều hành Trung tâm vì Trẻ em Just For Kids (Mỹ), cho biết mỗi trường hợp lạm dụng tùy thuộc vào bản chất của mối quan hệ giữa kẻ bạo hành và nạn nhân. Tuy nhiên, hầu hết đều có điểm chung: khao khát quyền lực và khả năng kiểm soát.
“Với những người lớn đang tìm kiếm thứ quyền hành đó, mục tiêu dễ dàng nhất đối với họ chính là trẻ em”, ông Miller, người hỗ trợ xử lý hơn 300 vụ lạm dụng trẻ em trong năm 2020, nói với 59News.
Nạn nhân quá nhỏ tuổi
Tháng 1, Deviaun Toler (30 tuổi), sống ở Palm Coast (bang Florida, Mỹ), bị kết án 20 năm tù do ngược đãi con trai trong thời gian 6 tuần, khiến cậu bé bị nứt hộp sọ và bỏng nặng. Nạn nhân mới chỉ 20 tháng tuổi.
“Một lần, khi thấy con trai trèo lên tủ bếp, Toler đã bực tức và trút cơn giận lên cơ thể đứa bé bằng thắt lưng. Ông ta cũng gây vết bỏng kinh hoàng cho nạn nhân”, Melissa Clark, trợ lý luật sư tiểu bang, cho biết.
Cụ thể, đứa trẻ chịu một vết bỏng lớn từ vai dọc xuống toàn bộ cánh tay bên phải, gây biến dạng vĩnh viễn. Toler cũng dùng thắt lưng và cành cây để gây ra nhiều vết sẹo cho nạn nhân, Daytona Beach News-Journal trích bản cáo trạng.
Những tổn thương nặng nề đã để lại di chứng cho nạn nhân. Cậu bé hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện công việc hàng ngày, như cầm bút màu hay giữ thăng bằng.
Theo báo cáo năm 2017 của UNICEF, tại 30 quốc gia có dữ liệu, cứ 6 trên 10 trẻ 1 tuổi thường xuyên bị kỷ luật bằng bạo lực. Gần 25% trẻ 1 tuổi bị lắc người để trừng phạt, và gần 1/10 em bị đánh vào mặt, đầu hoặc tai.
Khoảng 300 triệu trẻ từ 2-4 tuổi phải chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý và/hoặc bị trừng phạt thể chất bởi chính những người chăm sóc các em ở nhà.
Bên cạnh đó, WHO ước tính khoảng 1 tỷ trẻ em từ 2-17 tuổi từng bị bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong năm 2015. Con số này có thể tăng thêm trong bối cảnh đại dịch, với những hạn chế đi lại, lệnh phong tỏa và căng thẳng tài chính do Covid-19.
Arthur Labinjo-Hughes qua đời do bị bố và mẹ kế hành hạ. Ảnh: Olivia Labinjo-Halcrow/PA Wire. |
UNICEF cho biết một số báo cáo gần đây cho thấy lệnh hạn chế đi lại, cách ly xã hội, đi kèm với áp lực kinh tế đã dẫn đến tình trạng gia tăng bạo lực trong gia đình, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30-300%.
Tại Birmingham (Anh), Arthur Labinjo-Hughes (6 tuổi) qua đời vào tháng 6/2020 sau 3 tháng bị tra tấn, đầu độc và đánh đập đến chết bởi bố và mẹ kế.
Khám nghiệm tử thi cho thấy 130 vết bầm tím trên người Arthur, “tương ứng với mỗi ngày thành phố phong tỏa vì Covid-19”, theo công tố viên Jonas Hankin. Kết quả điều tra cũng cho thấy nạn nhân thường xuyên bị bỏ đói, không được uống nước và nhận được sự quan tâm từ gia đình.
Cuối năm 2021, cặp vợ chồng này đã nhận bản án tổng cộng 50 năm tù với tội danh giết người và ngộ sát con trai Arthur, theo BBC.
Tháng 11/2020, 2 chị em bị bố ruột ném từ tầng 14 của một tòa chung cư ở Trùng Khánh (Trung Quốc), SCMP đưa tin.
Động cơ khiến người đàn ông họ Zhang này nhẫn tâm ra tay với con trai 1 tuổi và con gái 2 tuổi là do do bạn gái Ye Chengchan xúi giục. Người phụ nữ này tuyên bố sẽ không kết hôn với Zhang trừ khi anh ta loại bỏ các con. Hai kẻ thủ ác đã bị kết án tử hình vào cuối năm 2021.
Tâm lý phức tạp của kẻ bạo hành
Không có đáp án chung để giải thích lý do người lớn bạo hành trẻ nhỏ. Các yếu tố thường rất phức tạp và đan xen với nhiều vấn đề khác nhau.
“Đáp án cho câu hỏi ‘Tại sao người lớn lạm dụng trẻ em’ không những phức tạp, mà còn tùy thuộc vào từng cá nhân và tình huống liên quan”, tiến sĩ Jim Hopper, cộng tác viên giảng dạy tâm lý học tại Khoa Tâm thần của Trường Y Harvard, chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cho biết khi bố mẹ hoặc người trưởng thành bạo hành thể chất, tinh thần đứa trẻ, họ có vài điểm chung.
Đầu tiên, họ tin rằng đứa trẻ “xứng đáng” hoặc “cần thiết” được đối xử theo cách đó. Họ cũng không có khả năng cảm thông với trẻ nhỏ về tác động từ việc bạo hành.
Đồng thời, cả trong quá trình lạm dụng trẻ em và bao biện cho hành động của mình, họ cố gắng biện minh một cách không lành mạnh để bảo vệ bản thân khỏi những cảm giác không mong muốn, dễ tổn thương và đau khổ của chính họ, bao gồm cảm giác bất lực, xấu hổ, kém cỏi…
Hành vi bạo hành trẻ nhỏ được cấu thành từ nhiều lý do phức tạp. Ảnh: iStock. |
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ lạm dụng, tấn công trẻ em của một người bao gồm rối loạn sử dụng chất kích thích; có vấn đề sức khỏe tâm thần, như trầm cảm lo âu hoặc rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD); căng thẳng kinh tế - xã hội do các vấn đề tài chính, y tế hoặc thất nghiệp…
Người từng bị gia đình bỏ bê, bạo hành thời thơ ấu cũng có xu hướng lặp lại điều tương tự với con cái mình.
Bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng, mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, gồm giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ. Đồng thời, nó dẫn đến nhiều tác động bất lợi cho xã hội.
Healthline nhấn mạnh rằng bạo hành trẻ em luôn có thể phòng tránh được. Nó đòi hỏi mức độ nhận thức về vấn đề này từ phía phụ huynh và người chăm sóc trẻ. Nó đồng thời đòi hỏi nỗ lực từ cả những người trưởng thành xung quanh.
“Trải nghiệm bị bạo hành không bao giờ có thể tách rời khỏi cuộc đời của một đứa trẻ. Hậu quả có thể khá phức tạp và cần nhiều thời gian để sắp xếp, thấu hiểu và giải quyết chúng một cách lành mạnh”, tiến sĩ Hopper nói.