“Flagship” hay còn gọi là điện thoại đầu bảng, là chiếc smartphone cao cấp nhất, tốt nhất mà một hãng điện thoại có thể làm ra, chẳng hạn, với Apple là chiếc iPhone mới nhất. Với một chiếc di động cao cấp, người dùng được trải nghiệm những công nghệ mới nhất của thị trường. Nó không chỉ là niềm tự hào của người mua, mà còn là biểu tượng sức mạnh của một hãng điện thoại.
Vì sao mọi ông lớn di động đều cần một chiếc smartphone cao cấp?
Nhắc đến London, chúng ta nhớ đến tháp Big Ben. Kể về Paris, người ta không thể không nhắc đến tháp Eiffel. Đến thung lũng Silicon, chúng ta thường ghé cây cầu Golden Gate màu đỏ, biểu tượng của San Francisco. Tương tự, nhắc đến một hãng công nghệ, người ta sẽ cần nhớ đến sản phẩm/dịch vụ tốt nhất mà nó mang lại.
Ngoài ra, một chiếc di động được cho là cao cấp, chẳng hạn trong năm 2020, phải có công nghệ vượt trội so với model tiền nhiệm năm 2019. Đó có thể là màn hình tần số quét cao, máy quét vân tay ẩn dưới kính, sạc siêu tốc hay màn hình hoàn toàn tràn viền.
Gary Sims, cây viết công nghệ lâu năm của Android Authority cho rằng, tiếp thị và nhận thức thương hiệu là điều một chiếc di động cao cấp có thể mang lại cho hãng điện thoại.
Hãng điện thoại có thể không sống nhờ điện thoại cao cấp, doanh thu chủ yếu đến từ nhóm phổ thông - tầm trung, nhưng việc sở hữu di động cao cấp với công nghệ “chạm nóc” ở thời điểm đó (không nhất thiết sở hữu thông số cao nhất) sẽ giúp họ có được vị thế cao trên thị trường, cũng như với các đối tác phần cứng, nhà mạng, tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư.
Chưa dừng lại ở đó, những tính năng có thể quảng cáo mạnh mẽ trên di động cao cấp cũng là cách để hãng smartphone gây chú ý với người dùng. Đó có thể là camera zoom 10-50X, camera selfie ẩn dưới màn hình hay mạng 5G siêu nhanh… Sau đó, họ sẽ mang những tính năng này xuống các dòng máy thấp hơn để bán hàng, có tinh chỉnh nhất định để chi phí sản xuất không quá cao.
Như vậy, dù không bán được điện thoại cao cấp, hãng di động vẫn sống khỏe với những di động phổ thông, tầm trung có công nghệ “thừa hưởng” từ smartphone cao cấp.
VinSmart và tham vọng smartphone cao cấp
Những ngày đầu tháng 5, báo chí trong nước đưa tin VinSmart sẵn sàng gia nhập phân khúc cao cấp, tiếp nối thành công ở nhóm phổ thông, trung cấp.
Sau hai đại gia Google, Qualcomm, cái tên tiếp theo bắt tay với VinSmart là Pininfarina. Pininfarina là cái tên xa lạ với thị trường điện thoại di động, nhưng trong lĩnh vực ôtô, nhà thiết kế của Italy là một huyền thoại gắn liền với những cỗ máy triệu đô. Tại Việt Nam, studio nổi tiếng là tác giả thiết kế nên những chiếc ôtô VinFast Lux.
Hình ảnh dựng của Vsmart Lux do Vsmart Fans Community thực hiện. |
Theo đại diện VinSmart, sắp tới, Pininfarina sẽ tiếp tục xây dựng ngôn ngữ thiết kế đặc trưng riêng cho sản phẩm điện thoại của hãng này. Hai bên sẽ cùng nhau hoàn thiện thiết kế ngoại hình, nâng cao tính thẩm mỹ, xây dựng giao diện (UI) và trải nghiệm người dùng (UX) cho các dòng Vsmart.
Cách đây ít ngày, những hình ảnh đầu tiên về chiếc smartphone cao cấp Vsmart Lux đã lộ diện. Tin đồn cho rằng, máy sẽ tích hợp công nghệ đặc biệt với camera selfie ẩn bên dưới màn hình, cụm 4 camera sau (ống kính zoom, góc rộng, chân dung…), vi xử lý Snapdragon 768G, hỗ trợ kết nối 5G. Đáng chú ý hơn, Lux có giá đồn đoán từ 10 triệu đồng, có lợi thế để cạnh tranh với các đối thủ.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường GfK, vào tháng 2 năm nay, VinSmart đã xếp thứ 3 thị trường điện thoại di động Việt Nam với thị phần 11,2%. Tới tuần cuối tháng 3, hãng còn vươn lên chiếm đến 16,7%, cao gần gấp đôi đối thủ đứng thứ tư (8,6%). VinSmart đã trở thành thương hiệu có tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ đầu năm đến nay với 260%, trong khi toàn thị trường có xu hướng giảm.
Thị phần của VinSmart đã vượt qua con số 10% và tiếp tục tăng. |
Đó là những bước chạy đà vững chắc, tiền đề cho sự tự tin của VinSmart khi lên tiếng tham gia phân khúc cao cấp đầy thử thách. Bởi lẽ, làm ra di động cao cấp để quảng cáo là một chuyện. Bán được hàng và chiếm lĩnh được thị trường mới là cái đích thực sự mà mọi hãng điện thoại hướng đến.
“Không còn gì phải nghi ngờ năng lực công nghệ của VinSmart, nhưng để smartphone thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế, nhất là với phân khúc cao cấp, thì công phu hơn nhiều bởi yêu cầu khắt khe cả về thiết kế, kỹ thuật và chất lượng. Phân khúc cao cấp hiện là sân chơi riêng của một vài hãng lớn, nhưng chúng ta có cơ sở để đặt niềm tin vào VinSmart. Thậm chí, tôi tin sau 2-3 năm, VinSmart có thể vươn lên top 3 trong phân khúc có tính cạnh tranh khốc liệt này”, tiến sĩ Mai Liêm Trực - Nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nhận định.
Hiện tại, phân khúc cao cấp ở Việt Nam vẫn do hai ông lớn đến từ Mỹ và Hàn Quốc chiếm lĩnh. Đây cũng là bối cảnh chung ở nhiều thị trường bên ngoài Việt Nam. Ở nhóm xung quanh mức giá 10 triệu đồng, các hãng điện thoại Trung Quốc đều có đại diện cạnh tranh. Đây là thử thách mà VinSmart Lux sẽ gặp phải nếu muốn tái hiện thành công của những chiếc Vsmart ở nhóm phổ thông.
Làm chủ công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm là chiến lược cốt lõi của VinSmart. |
Ngay từ khi thành lập năm 2018, VinSmart đã công khai chiến lược của mình: Làm chủ công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm, duy trì mức giá phổ thông cùng chính sách hậu mãi tốt hơn đối thủ. Để đạt được điều đó, VinSmart đã ký kết với các hãng công nghệ tên tuổi hàng đầu, tập hợp hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, đầu tư xây dựng nhà máy và dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động.
Cuối năm 2020 được xem là thời điểm thích hợp nhất để VinSmart nâng tầm thương hiệu Vsmart với một chiếc di động cao cấp, cấu hình tốt và có sức cạnh tranh.
“VinSmart muốn phát triển điện thoại cao cấp, xét về mặt khả năng thành công là có. Tuy nhiên, phân khúc cao cấp rất khắc nghiệt, chúng ta đã nhìn thấy nhiều hãng chen vào nhưng chưa thành công. Với tham vọng lớn, chiến lược bài bản, VinSmart đã sẵn sàng nhảy vào thị trường khắc nghiệt. Tôi tin tưởng VinSmart sẽ thành công”, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Điện tử Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, phân tích.
Bình luận