Tính từ ngày 18/5 đến nay, chùm ca bệnh điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được đánh giá là ổ dịch lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay. Theo Sở Y tế TP.HCM, tính hết ngày 6/6, thành phố đã có 362 trường hợp dương tính được công bố liên quan ổ dịch này.
Từ những hội viên của nhóm, các bệnh nhân xuất hiện ở 21/22 quận huyện (trừ huyện Cần Giờ) với nhiều ổ dịch. Trong đó, chùm ca bệnh tại một công ty ở quận Tân Bình có số lượng ca mắc lên đến 91 người.
Vì sao dịch lây lan nhanh?
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), chuỗi ca bệnh liên quan điểm nhóm Hội thánh lây lan nhanh là do hoạt động sinh hoạt tôn giáo được tổ chức trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân.
Đặc biệt, dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài. HCDC nhận định dịch có thể bắt đầu từ ngày 16/5 - thời điểm sau khi thành viên đầu tiên có triệu chứng. Tuy nhiên, đến ngày 26/5, ổ dịch mới được phát hiện khi có tới 40/55 thành viên của nhóm này bị nhiễm nCoV.
Quân đội phun khử trùng đường phố quận Gò Vấp. Ảnh: Hoàng Giám. |
Dịch tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ trong cộng đồng tại nơi làm việc, nơi ở qua các mối giao lưu tiếp xúc. Hiện nay, ngành y tế đã phát hiện bệnh nhân của chu kỳ lây nhiễm thứ 5.
Bên cạnh đó, dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh trong cộng đồng do nhiều ca bệnh làm việc trong văn phòng, tòa nhà công ty. Đây là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao. Thêm vào đó, biến chủng gây bệnh ở chuỗi này là biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Delta), lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong thời gian qua, thành phố tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm mới được phát hiện khi đi khám bệnh tại bệnh viện, đang được điều tra nguồn lây.
Đến nay, 14 bệnh viện và 6 phòng khám đa khoa có bệnh nhân từng đến khám sàng lọc. Một số bệnh viện đã ghi nhận nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm sàng lọc gồm Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (1), Bệnh viện quận Tân Phú (3).
Ảnh: Bích Huệ. |
Các chuỗi lây nhiễm đã từng bước được khống chế
Ngay khi phát hiện 3 ca bệnh đầu tiên, thành phố đã quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp truy vết.
Từ ngày 27/5 đến nay, số ca bệnh dao động trong khoảng 30-40 ca/ngày. Sau 6 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số lượng bệnh nhân được phát hiện hàng ngày đang có dấu hiệu giảm dần, còn khoảng 20-25 ca. Các trường hợp này hầu hết được phát hiện trong khu cách ly hoặc vùng phong tỏa.
Từ ngày 4/6 đến nay, tỷ lệ ca bệnh từ khu cách ly, khu phong tỏa có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy các chuỗi lây nhiễm đã từng bước được khống chế.
Bệnh viện quận Tân Phú đang bị phong tỏa do Covid-19 xâm nhập trong bệnh viện. Ảnh: Hoàng Giám. |
Về ca bệnh chưa rõ nguồn gốc phát hiện trong cộng đồng, Sở Y tế TP.HCM nhận định điều này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, do việc tiếp xúc, đi lại nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ.
Bên cạnh đó, dịch bệnh vẫn đang lây lan trong cộng đồng tại một số tỉnh, thành. Do đó, người dân có thể có tiếp xúc với ca bệnh hoặc đi qua các địa điểm có ổ dịch trong cả nước. Điểm sáng là trong giai đoạn giãn cách xã hội, nguy cơ tiếp xúc thấp, các ổ dịch này không phát tán rộng, chỉ lây lan đến 1-2 thành viên trong gia đình.
Để phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời, không để lây lan rộng, Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường vận động, yêu cầu người dân thực hiện khai báo y tế nếu có yếu tố nguy cơ.
Nhân viên y tế tại quận Gò Vấp phối hợp Bệnh viện Quân y 175 lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân trên địa bàn quận. Ảnh: Duy Hiệu. |
TP.HCM đặt mục tiêu trong 9 ngày giãn cách xã hội còn lại sẽ khống chế dịch hoàn toàn. Sau 15 ngày giãn cách xã hội, ngành y tế thành phố sẽ đánh giá tổng thể để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tình hình thực tế, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống người dân.
"Qua so sánh với đợt dịch diễn ra giai đoạn ngày 28/1 tại Việt Nam, có thể nhận định đợt dịch này đang có xu hướng vào đỉnh dịch, có thể duy trì vài tuần trước khi suy giảm và kết thúc", lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhận định.
Tính từ 18/5 đến 12h ngày 7/6, Bộ Y tế công bố 401 ca mắc Covid-19 tại TP.HCM với 3 chuỗi lây nhiễm chính: Công ty kiểm toán ở quận 3 (3 ca), quán bánh canh O Thanh ở quận 3 (7), điểm nhóm Hội thánh truyền giáo (375) và chưa xác minh nguồn lây (16). Các trường hợp chưa xác minh nguồn lây chủ yếu được phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.