Hơn một năm trước, những khu nghỉ dưỡng ven biển ở Phan Thiết đầy ắp khách Nga. Nhiều người cho rằng du lịch sẽ hốt bạc với làn sóng khách nhà giàu từ xứ sở Bạch Dương. Thế nhưng thị trường lên nhanh và đi xuống cũng nhanh. Lá Bạch Dương nay đã không còn màu vàng tươi mát mắt mà đã chuyển sang... “màu xám”.
Vắng khách, thị trường rối
Du khách Nga, mà phần lớn đến bằng máy bay thuê bao đã làm cho bộ mặt của nhiều thành phố du lịch như Nha Trang, Phan Thiết thay đổi rõ rệt. Hàng loạt khu nghỉ dưỡng, cửa hàng, quán ăn... đã thay thế bảng hiệu, thực đơn, tờ hướng dẫn bằng tiếng Nga thay vì dùng tiếng Anh để phục vụ cho những vị khách có tiền, có thời gian lưu trú dài ngày ở khách sạn.
Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn nhanh chóng ký hợp đồng dài hạn thậm chí cho thuê trọn gói cả cơ sở lưu trú để phục vụ lượng khách này. Có khu nghỉ dưỡng đã nhanh chóng thay đổi dịch vụ, như chuyển sang phục vụ ăn uống ngày ba bữa thay vì chỉ phục vụ bữa sáng bởi khách Nga thường ít ra ngoài mà thích ở lại khu nghỉ dưỡng tắm nắng, thư giãn suốt cả ngày.
Có nơi như ở khu vực Hàm Tiến (Phan Thiết) còn hình thành cả những “phố Nga” với vô số dịch vụ, từ thuốc men, cho thuê xe máy, hàng lưu niệm, ăn uống, massage, cắt móng tay... cho đến những “gánh hàng rong” bán trái cây bên đường cũng được gắn bảng hiệu tiếng Nga và người bán cũng học lấy vài câu tiếng Nga để chào hỏi, ra giá với khách.
Du khách Nga tại Phan Thiết. |
Nhìn phố xá như thế, ít ai có thể ngờ rằng chỉ hơn một năm sau, bộ mặt thị trường đã khác hẳn. Khủng hoảng chính trị ở Nga làm đồng rúp mất giá thê thảm, người Nga cắt giảm chi tiêu khiến hầu bao của những người phục vụ du khách Nga cũng teo tóp theo. “Phố Nga” vẫn còn đó nhưng buôn bán ế ẩm.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Lượng khách giảm khoảng 50%.
Chẳng hạn trong tháng 2/2015, công suất phòng bình quân cho nhiều khu nghỉ dưỡng chỉ từ 30-40%, thậm chí có nhiều nơi chỉ lấp đầy hơn 20% số phòng. Đây là con số thấp kỷ lục vì thường vào tháng này, các khu nghỉ dưỡng hầu như kín phòng”.
Ở những nơi khác, tình hình cũng diễn ra tương tự. Do vắng khách, đầu năm nay, hai công ty đưa nhiều khách Nga đến Việt Nam là Pegas Touristik và Ánh Dương buộc phải tạm ngưng các chuyến bay thuê bao đưa khách đến Phú Quốc và TPHCM, giảm tần suất đến cảng chính ở Cam Ranh. Vietnam Airlines phải đưa đường bay Việt Nam - Nga vào dạng theo dõi đặc biệt, và đến cuối năm ngoái thì buộc phải tạm ngưng đường bay mới mở giữa Cam Ranh và Moscow. Vài hãng khác đã phải bù lỗ để cố gắng duy trì một số chuyến bay thuê bao nối hai nước.
Khủng hoảng chính trị ở Nga làm đồng rúp mất giá thê thảm, người Nga cắt giảm chi tiêu khiến hầu bao của những người phục vụ du khách Nga cũng teo tóp theo. “Phố Nga” vẫn còn đó nhưng buôn bán ế ẩm.
Khách ít, phố vắng, ở một vài nơi, tình trạng “cơm không lành canh không ngọt” giữa khách sạn và dịch vụ lữ hành đã xảy ra. Có khách sạn vì lo ngại lữ hành mất khả năng chi trả (như trường hợp của Công ty Du lịch Lanta - Tur của Nga hồi năm 2012), nên đã kiên quyết không cho khách vào ở cho đến khi công ty du lịch trả tiền phòng. Có nơi ráo riết đi đòi nợ để nhanh chóng thu hồi tiền, kết thúc hợp đồng.
Người đứng đầu một công ty du lịch cho biết, đã có lúc công ty này phải đưa đến khu nghỉ dưỡng khác, vì khu nghỉ dưỡng đã ký hợp đồng không cho khách vào, dù công ty đã đàm phán xin giãn thời hạn trả tiền.
Ở Bình Thuận, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị hiệp hội du lịch phải có hành động để tránh thiệt hại cho đơn vị cung cấp dịch vụ tại địa phương. Nhiều chủ cơ sở dịch vụ nhỏ tỏ ra lo lắng vì đã lỡ tập trung đầu tư để đón làn sóng khách Nga, nay chưa kịp thu hồi vốn thì thị trường đã đi xuống. Ông Khoa cho biết: “Rất nhiều người sốt ruột, kêu gọi hiệp hội thúc giục các công ty du lịch trả tiền. Những hợp đồng giá trị nhỏ thì chúng tôi kêu gọi trả tiền để kết thúc hợp đồng, nhưng đối với những hợp đồng lớn thì cần được kéo dài thời hạn trả nợ. Trong tình hình này, các bên phải hợp tác để giảm thiệt hại”.
Xoay xở trong thế bị động
Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty Du lịch Ánh Dương, cho biết những ngày cuối năm 2014 là những ngày cực kỳ mệt mỏi, vì phải giải quyết hàng loạt sự cố với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương. Một số nơi có sự đồng cảm nên hai bên có thể ngồi lại chọn cách giải quyết êm thấm, nhưng cũng có khá nhiều nơi phản ứng gay gắt.
“Thị trường chuyển biến nhanh đến không ngờ, chúng tôi chưa có biện pháp dài hơi mà chỉ giải quyết từng sự vụ. Có rất nhiều sự vụ, đối tác cần khách, đối tác cần giải quyết hợp đồng... nhưng chúng tôi không thể xoay xở ngay được”, bà nói.
Bên cạnh hợp đồng lớn (đưa hàng trăm ngàn khách mỗi năm) với Pegas Touristik, công ty này có những kênh kéo khách riêng, nhưng đã phải rất vất vả để duy trì thị trường. Để giảm chi phí, công ty buộc phải cắt giảm nhân viên, đóng cửa vài văn phòng vừa được đầu tư trước đó, và kêu gọi đối tác cùng giảm giá nhằm cố gắng kéo khách trong điều kiện khó khăn.
Một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng ngay lập tức chọn cách giảm giá phòng, giá ăn uống cho những nguồn khách khác, tăng cường bán hàng trực tuyến, gặp lại một số hãng lữ hành có lượng khách ít, ở ngắn ngày nhằm hâm nóng lại mối quan hệ đã nguội, vì trước đó phải từ chối khách lưu trú ngắn ngày để dành chỗ cho khách Nga thường lưu trú những 10 ngày hoặc hơn.
Nguồn tin từ Allezboo Beach Resort & Spa cho biết: “Chúng tôi đã lập tức hành động nhưng hiệu quả không cao, vì thị trường luôn cần thời gian cho các chương trình bán hàng phát huy tác dụng”.
Trao đổi với TBKTSG, đại diện một số công ty du lịch cho biết, cách đối phó hiện nay chỉ bằng những “biện pháp nhỏ”. Chẳng hạn một khu nghỉ dưỡng 4 sao ở Hàm Tiến đang cố gắng mở rộng lượng khách đến nghỉ qua đêm, rồi dùng một bữa sáng thay vì chỉ bán trọn gói cả dịch vụ lưu trú và ăn uống như đã từng làm với khách Nga.
Tuy nhiên, cũng đã có một vài khu nghỉ dưỡng “thoát hiểm” nhờ cách đánh giá thị trường khác hơn. Ông Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, cũng là Tổng giám đốc Mũi Né Bay Resort, cho biết dù khách Nga chiếm 40% tổng lượng khách đến khu nghỉ dưỡng, doanh nghiệp cũng phải tính toán mở rộng thị trường để tránh lệ thuộc.
Bên cạnh với những chương trình tiếp thị ở Nga, khu nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục quảng bá với khách châu Âu, Trung Quốc, tăng cường mảng bán hàng trực tuyến để không chỉ đón khách Nga từ các hãng lữ hành... “Có lúc, chúng tôi đã phải từ chối những hợp đồng với thị trường này, dành phòng cho những thị trường khác dù phải thu hút khách khó hơn. Không nên bỏ tất cả trứng vào một rổ”, ông nói.
Nhiều người khác cũng nhận định dịch vụ du lịch Bình Thuận, Khánh Hòa mà đặc biệt là Bình Thuận đã chủ quan khi đầu tư quá nhiều vào thị trường Nga. Điều đó chẳng những làm cho ngành du lịch dễ bị tổn thương khi có biến cố, mà còn làm mất khách ở các thị trường khác.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, cho rằng nhiều du khách từ những thị trường khác không thích Phan Thiết, bởi họ thấy dường như mọi dịch vụ nơi đây đều dành cho khách Nga. Thêm vào đó, mỗi thị trường có những yêu cầu riêng về dịch vụ nên ngành du lịch không thể phục vụ tốt nếu chỉ chăm chăm vào một lượng khách nào đó mà quên đi sở thích của các nhóm khác.
“Thay vì quy hoạch vùng dịch vụ cho khách Nga rồi dành các khu vực còn lại cho những thị trường khác, thì Phan Thiết lại để dịch vụ tự phát, dẫn đến việc khách Nga ưa thích nhưng những người khác lắc đầu”, ông Huê nói.
Quay lại “phố Tây” ở Hàm Tiến vào đầu năm 2015, TBKTSG gặp lại cô bán trái cây bên vệ đường năm trước.
Những dòng chữ nhỏ ghi tên trái cây và giá bán đã có thêm tiếng Anh. Cũng như nhiều người khác, cô đã nhanh nhạy thay đổi cách tiếp cận thị trường. Với sạp hàng nhỏ, cô chỉ cần thay đổi chút xíu và cần vài chục người mua hàng là cũng đã đủ duy trì cuộc sống. Nhưng những doanh nghiệp lớn thì cần nhiều hơn nữa, thế nên cần phải có chiến lược dài hơi.