Năm 1995, Trương Quỳnh Mai (Hà Nội) là đại diện đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất dự thi Hoa hậu Quốc tế (Miss International). 20 năm kể từ lần đầu tiên đó, hàng năm, các người đẹp Việt vẫn tiếp tục ghi danh ở Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Trái đất (Miss Earth), Hoa hậu Quốc tế… và một số cuộc thi người mẫu quốc tế. Hiện tại, “cuộc đua” giành quyền tuyển chọn và đưa người đẹp “mang chuông đi đánh xứ người” càng trở nên khốc liệt khi mà hoa hậu đang phải “đấu” với hoa khôi vì bản quyền thi quốc tế do một số công ty nắm giữ.
“Chiếc bánh” đã được chia phần?
20 năm kể từ lần đầu tiên nước Việt Nam thống nhất có người đẹp đi thi quốc tế. Quãng thời gian đó không quá dài, nhưng cũng đủ để một số đơn vị “chiếm lĩnh” bản quyền các cuộc thi người đẹp quốc tế.
Lan Khuê - Top 18 Hoa khôi Áo dài - từng được Công ty Elite Việt Nam chọn làm gương mặt đại diện ở nhiều sự kiện quốc tế |
Trong số này, cái tên đầu tiên phải kể đến là Elite Việt Nam. Năm 2002, Elite đưa Mai Phương, khi đó vừa giành danh hiệu Hoa hậu Việt Nam đi thi Hoa hậu Thế giới. Người đẹp Hải Phòng này đã lọt Top 20 - thành tích mà cho đến giờ mới chỉ có Nguyễn Thị Huyền (Top 15 - năm 2004), Hương Giang (Top 16 - 2009), Mai Phương Thúy (Top 17 - 2006) là vượt qua được. Theo bà Thúy Nga - Tổng giám đốc Elite Việt Nam - công ty đã từng giữ bản quyền cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Trái đất. Thực tế, từ năm 2002 đến nay, đều đặn mỗi năm, Elite Việt Nam vẫn đưa người đẹp đi thi Hoa hậu Thế giới.
Việt Nam bắt đầu đưa thí sinh đi thi Hoa hậu Hoàn vũ lần đầu vào năm 2004: Khánh Ngọc - Top 10 Hoa hậu Việt Nam. Đến năm 2008, khi Việt Nam lần đầu tiên đăng cai Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng được Công ty CP Hoàn vũ Sài Gòn tổ chức. Thùy Lâm đăng quang ngôi vị cao nhất là lọt Top 15 - thành tích duy nhất của thí sinh Việt Nam ở cuộc thi này. Cho tới nay, Công ty Hoàn vũ Sài Gòn là đơn vị nắm bản quyền đưa người đẹp đi thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới.
Hoa hậu Trái đất từng được Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên tổ chức tại Việt Nam năm 2010. Lưu Thị Diễm Hương - Hoa hậu Thế giới người Việt - được lựa chọn đại diện nước chủ nhà tại cuộc thi này. Cho đến giờ, tập đoàn này vẫn nắm bản quyền dự thi Hoa hậu Trái đất. Năm 2012, Hoàng Anh - Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam - được lựa chọn tham gia cuộc thi và việc đưa người đẹp đến với “đấu trường sắc đẹp” này gián đoạn đến giờ. Và cũng kể từ năm 2012, Hoa hậu Trái đất chính thức bị loại khỏi Grandslam.
Như vậy là Top 5 cuộc thi hoa hậu trên thế giới hiện tại, gồm: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia và Nữ hoàng Du lịch quốc tế, đều đã được “chia phần” bản quyền cho các công ty trong nước nắm giữ. Trong đó đáng lưu ý Elite Việt Nam đã chiếm tới ba.
Chung khảo khu vực phía Bắc - Hoa hậu Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội. |
Hoa hậu Việt Nam sẽ mất cơ hội vì “độc quyền”
Hoa hậu báo Tiền phong tổ chức lần đầu tiên năm 1988 và từ đó đều đặn diễn ra 2 năm/lần. Từ năm 2002, cuộc thi chính thức có tên Hoa hậu Việt Nam. Ba ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Việt Nam, Á hậu 1, Á hậu 2 luôn là những lựa chọn hàng đầu cho các cuộc thi quốc tế uy tín, từ Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ…
Nhưng tình huống này có thể sẽ không lặp lại trong tương lai vì các công ty giữ bản quyền đều đang tự đứng ra tổ chức các cuộc thi trong nước. Trong khi đó, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP hiện hành quy định khá “thoáng” về điều kiện đối với thí sinh đi thi người đẹp quốc tế là: “Đã đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp trong nước/Được một tổ chức trong nước có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật làm đại diện thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế và đưa đi dự thi”. Như vậy thì người đẹp dù là hoa khôi hay hoa hậu đều có quyền bình đẳng ngang nhau khi đến với các “đấu trường sắc đẹp” quốc tế.
Năm nay, Hoa hậu Đại dương Đặng Thu Thảo đã được đưa đi thi Hoa hậu Quốc tế. Còn Hoa hậu Việt Nam dù có chọn ra người đẹp xứng đáng mà không có bản quyền thì cũng không có cơ hội “xuất ngoại”.
Hệ lụy của “độc quyền”
Trả lời câu hỏi liệu một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức với hình thức truyền hình thực tế có phù hợp để lựa chọn ra đại diện cho Việt Nam đi thi quốc tế, trong đó có Hoa hậu Thế giới, ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền phong, Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 - cho hay, việc một đơn vị có bản quyền đưa người đi dự thi một cuộc thi sắc đẹp quốc tế nào đó là quyền hợp pháp của họ, nhưng vấn đề ai là người xứng đáng nhất đại diện cho sắc đẹp Việt Nam tại thời điểm đó?
“Ở đây, chúng tôi còn thấy một vấn đề: sự chính danh. Chúng ta thấy tất cả thí sinh dự các cuộc thi Hoa hậu Thế giới đều đeo băng Miss nước A, Miss nước B… Nghĩa là hoa hậu của các quốc gia đó. Vậy không lẽ đại diện của Việt Nam lại đeo dải băng người đẹp hay hoa khôi một lĩnh vực nào đó để dự thi tại một đấu trường như thế? Hay là họ sẽ đeo dải băng Miss Vietnam, một danh hiệu chắc không phải là của họ?
Trừ trường hợp bản thân Hoa hậu Việt Nam bày tỏ ý nguyện không muốn đi thi (như đã từng xảy ra) thì đại diện Việt Nam dự Hoa hậu Thế giới nên là Hoa hậu Việt Nam” - ông Lê Xuân Sơn nói thêm.
Trả lời câu hỏi về hiện tượng “độc quyền” đưa thí sinh đưa người đẹp đi thi quốc tế, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn - đơn vị cấp phép - cho rằng, tất cả phải căn cứ trên hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Cục cấp phép.
Trên thực tế, sự xuất hiện của Hoa khôi Áo dài đã “hiện thực hóa” ý tưởng về một “lò đào tạo” sắc đẹp. Trong “ngôi nhà chung”, các thí sinh được uốn nắn từ cách đi, đứng, ngồi… cho đến những kỹ năng giao tiếp, trình diễn… Tuy nhiên, vấn đề là “có bột mới gột nên hồ”. Trong khi hầu hết những ứng viên tiềm năng đang bị hút bởi Hoa hậu Việt Nam, câu hỏi vẫn là liệu Hoa khôi Áo dài có thực sự tìm được ứng viên xứng đáng cho những cuộc thi mà nhà tổ chức đang giữ bản quyền?